Có thể nói, nằm trong bối cảnh khó khăn chung về công tác tiêu thụ của Tập đoàn, năm 2017 với Công ty CP Kinh doanh than miền Bắc là một năm phải vượt “sóng cả”. Nhưng cũng chính trong vô vàn những thách thức ấy đã gắn kết những “cánh tay” cùng chụm lại vững chãi hơn, với tinh thần chủ động, sự linh hoạt, nhạy bén với thị trường cùng nhiều nhóm giải pháp được quyết liệt triển khai đã giúp đơn vị từng bước vượt khó và đạt được kết quả đáng ghi nhận, theo như Phó TGĐ Công ty Nguyễn Minh Hải chia sẻ, đó là “đảm bảo hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận và ổn định tiền lương cho cán bộ công nhân viên đơn vị”.
Khó khăn và thuận lợi đan xen
Là đơn vị kinh doanh than cuối nguồn của TKV, Công ty CP Kinh doanh than miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch SXKD năm 2017 với khó khăn, thuận lợi đan xen nhưng cái khó vẫn là chủ yếu và đến từ nhiều phía.
Thị trường bị cạnh tranh gay gắt, than không rõ nguồn gốc và than có nguồn gốc ngoài TKV dồn về cuối nguồn nhiều, giá than cám từ các nguồn này rẻ hơn nguồn của TKV từ 200.000 đến 300.000 đồng/tấn, do vậy việc giữ được chân khách hàng không hề đơn giản. Trong khi đó, các chủng loại than có thể cạnh tranh được như than cám 1,2,3, than cục và than bùn thì nguồn mua được từ TKV rất hạn chế. Một khó khăn cơ bản nữa, để đảm bảo an toàn về vốn, năm 2017, Tập đoàn đã thay đổi cơ chế thanh toán từ phương thức cho Công ty trả chậm sang phương thức phải trả trước hoặc có bảo lãnh ngân hàng đã dẫn đến Kinh doanh than miền Bắc thiếu hụt vốn kinh doanh đột ngột. Chưa kể, Tập đoàn thay đổi cơ chế thanh toán như trên buộc Công ty cũng phải áp dụng cơ chế tương tự với khách hàng, do khách hàng chưa thể thích ứng ngay với cơ chế thanh toán mới cũng khiến sản lượng bán ra giảm.
Mặc dù vậy, trao đổi với lãnh đạo Công ty, được biết, hai “cái được” cũng chính là thuận lợi với Kinh doanh than miền Bắc trong năm nay chính là được Tập đoàn cho giãn thời hạn nợ tiền than của năm 2016 chuyển sang đã tạo điều kiện cho Công ty có thời gian đàm phán thuyết phục ngân hàng để vay vốn; đồng thời được TKV áp dụng chính sách chiết khấu thanh toán đối với những tấn than Công ty trả tiền trước cho Tập đoàn nên tạo thuận lợi cho đơn vị thuyết phục ngân hàng được vay theo hình thức tín chấp.
Tháo gỡ những “nút thắt” quan trọng
Cùng với sự chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thuận lợi của Tập đoàn như đã nêu ở trên, không thể không kể đến những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ công nhân viên Công ty CP Kinh doanh than miền Bắc, đặc biệt là những quyết sách đúng đắn của lãnh đạo đơn vị, góp phần phát huy được toàn diện sức mạnh nội lực trong toàn Công ty.
Giải pháp “3 T” (tên gọi do PV Tạp chí đặt) là những giải pháp mang tính sống còn đã được Công ty quyết liệt triển khai. Những “nút thắt” quan trọng cũng nhờ đó mà dần được tháo gỡ và mang lại hiệu quả cho đơn vị. Trong đó “T thứ nhất” là Tập trung nghiên cứu các phương pháp chế biến khác nhau để tạo ra chủng loại than đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, có giá cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả trên một đầu tấn than bán ra. Song song với đó, tăng cường tư vấn cho khách hàng các chủng loại than mà đơn vị chế biến ra, có giá cạnh tranh, có thể thay thế cho chủng loại than truyền thống mà khách hàng đang sử dụng nhưng vẫn đảm bảo năng suất và an toàn về công nghệ cho khách hàng. “T thứ hai” là Thay đổi cơ chế nhập than từ phương thức phân tán cho các đơn vị cấp dưới tự quyết định sang phương thức tập trung quản lý trên Công ty bằng hệ thống các định mức nhằm tăng vòng quay vốn ở tất cả các khâu (hàng đi đường, hàng tồn kho, nợ phải thu để tiết kiệm vốn, giảm lãi vay). Thực hiện linh hoạt chính sách chiết khấu thanh toán cho khách hàng bằng việc không chỉ áp dụng đối với những tấn than trả tiền trước mà còn áp dụng cả với những tấn than trả tiền sau 15 ngày, tạo điều kiện cho khách hàng có hóa đơn để tiếp cận với vốn vay ngân hàng và cùng chia sẻ lợi ích với khách hàng, do vậy trên thực tế đã có nhiều khách hàng quay lại với Công ty. “T thứ ba” là Thuyết phục và duy trì được uy tín với các ngân hàng, từ đó đã có được nguồn vốn vay cạnh tranh và vay theo hình thức tín chấp vì vốn là yếu tố sống còn đối với Công ty.
Theo đồng chí Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Công đoàn Công ty, cùng với sản xuất kinh doanh, lãnh đạo Công ty dành sự quan tâm hàng đầu đến việc chăm lo đời sống cho CBCNV và các mặt hoạt động khác để tạo sự gắn kết trong toàn Công ty, nhất là trong điều kiện các đơn vị của Công ty ở phân tán ở nhiều tỉnh thành trên cả nước bằng những việc làm thiết thực như đảm bảo tiền lương cho CBCNV, nhất là tiền lương cho CBCNV ở đơn vị khó khăn nhất không dưới 5 triệu đồng/người/tháng, tổ chức cho CBCNV ở các vùng miền đều được đi nghỉ cuối tuần ở Cửa Lò, con CBCNV đỗ đại học hay đạt giải từ cấp tỉnh được động viên 3 triệu đồng/cháu…
“Tuy sản lượng không đạt được kế hoạch, nhưng bằng những giải pháp quyết liệt nhằm tăng giá trị sản xuất, tiết kiệm chi phí, năm 2017, Công ty CP Kinh doanh than miền Bắc vẫn đảm ổn định được tiền lương và đảm bảo hoàn thành kế hoạch lợi nhuận như lợi nhuận đạt 11.090 triệu bằng 105% KHN, tiền lương đạt 7,6 triệu đồng/người/tháng, bằng 100% KHN…” – Phó TGĐ Công ty Nguyễn Minh Hải nhấn mạnh.
Mũi nhọn triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020
Nói về những dự định của đơn vị trong năm 2018 và những năm tiếp theo, lãnh đạo Công ty chia sẻ, mục tiêu đến năm 2020, Công ty sẽ phát triển thành một kênh phân phối chính lớn nhất của TKV cho thị trường các hộ lẻ với sản lượng khoảng 4 triệu tấn than. Do vậy ngay từ năm 2018, Công ty phải tập trung bắt tay ngay vào chương trình tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020 mà HĐQT Công ty đã vạch ra.
Trong đó, tập trung đầu tư để phát triển mạng lưới các kho than bám sát khách hàng. Mạng lưới này cho phép Công ty đáp ứng nhu cầu than kịp thời mọi lúc, mọi nơi cho khách hàng, giúp cho khách hàng cảm thấy mạng lưới này như chính là kho than dự trữ thường xuyên của mình; đảm bảo sản lượng tiêu thụ cho các hộ lẻ từ 1,3 triệu tấn năm 2017 lên 1,7 triệu tấn năm 2018. Đồng thời, tái cơ cấu mô hình kinh doanh theo xu hướng quản trị tập trung để tiết giảm chi phí, tăng hiệu lực hiệu quả của quản lý. Công ty Kinh doanh than Miền Bắc sẽ trực tiếp quản lý thị trường than đầu nguồn, thị trường than cuối nguồn, thị trường vận tải bốc xếp, trực tiếp ký hợp đồng và đàm phán với khách hàng; Quản lý tập trung dòng than, dòng tiền. Các Chi nhánh tại các tỉnh chỉ có chức năng thực hiện tác nghiệp, không có chức năng đàm phán. Mặt khác, đẩy mạnh triển khai mô hình quản trị tức thời tại mọi lúc, mọi nơi như áp dụng công nghệ thông tin mạng vào Quản trị dòng than, dòng tiền đảm bảo mọi thông tin luôn được kiểm soát kịp thời; triển khai mô hình quản trị tinh gọn 5S mà bước đầu sắp xếp tinh gọn về tổ chức, chất lượng về lao động, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty và người lao động.
Không quá khi nhận định rằng, 2017 là một trong những năm khó khăn nhất của Kinh doanh than miền Bắc trong chu kỳ phát triển gần đây, nhưng cũng là năm ghi dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể CBCNV đơn vị đã “chắc lái” vượt “sóng cả”. Để có được kết quả đó, họ – những người kinh doanh than cuối nguồn cũng đã đổ biết bao giọt mồ hôi với không ít nhọc nhằn…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khong-ngung-no-luc-201801111009054876.htm” button=”Theo vinacomin”]