Bánh mỳ mỏ tuy giản dị nhưng là một món đặc sản rất riêng của Thợ mỏ. Hiện nay, bánh mỳ mỏ không những được phục vụ tại các đơn vị khai thác than, mà đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân Vùng Mỏ, được rao bán ở nhiều nơi. Những người con Quảng Ninh khi đi xa vẫn thường nhớ về món bánh mỳ mỏ mang đậm hương vị Vùng Than…
Khu sản xuất bánh mỳ của Công ty CP than Hà Tu
Không ngon sao được khi chính những người thợ làm bánh là những người vợ làm cho chồng; mẹ làm cho con trai, con rể; chị làm cho em; em làm cho anh… là thợ lò đang ngày đêm làm việc dưới lòng đất. Thử hỏi, giữa ca hoặc cuối ca lao động, người thợ lấm lem bụi than, mồ hôi ướt sũng, năng lượng cơ thể đã truyền cả vào những dòng than… mà ăn chiếc bánh mỳ khô khan, chỉ có bột mỳ với bột nở thì khó có thể nuốt được, làm việc làm sao có được năng suất cao. Do vậy, bánh mỳ mỏ cứ cải tiến dần theo yêu cầu của chính thợ lò. Thợ lò các đơn vị ăn, cảm nhận rồi phản ánh thế nào lại được cải tiến thế ấy. Từ trọng lượng cho đến chất lượng. Nếu trọng lượng thiếu sẽ tăng lên. Chị Nguyễn Thị Ngân, công nhân làm bánh mỳ lâu năm cho biết, trước đây Công ty chỉ làm bánh mỳ có trọng lượng hơn một lạng, nay tăng lên đến gần lạng rưỡi một cái. Còn thành phần trong bánh, cứ bổ sung dần, từ bơ, sữa, trứng, đường… tăng dần để đảm bảo đủ độ ngậy cũng như dễ ăn và đặc biệt là đảm bảo nguồn năng lượng. Bánh mỳ mỏ chứa đựng không chỉ dinh dưỡng cho cơ thể thợ mỏ vào mỗi ca lao động, mà nó còn chứa đựng những tình cảm đặc biệt từ bàn tay khéo léo, từ tình yêu thương vô bờ của những người mẹ, người vợ, người chị, người em làm cho con, cho chồng, cho anh em của mình làm thợ mỏ.
Người Quảng Ninh hầu như ai cũng biết đến bánh mỳ mỏ. Nhưng người Quảng Ninh luôn ý thức được rằng, những thứ bánh mỳ ngon, bổ và dễ ăn làm từ các mỏ là một đặc cách, đặc ân dành riêng cho những người thợ vất vả trong hầm lò. Chị Nguyễn Thị Khuyên có chồng làm thợ mỏ kể chuyện, chồng chị lần nào đi làm mỏ về cũng mang theo một chiếc bánh mỳ cho con vì anh biết rằng con gái mình đặc biệt thích ăn bánh mỳ mỏ. Lâu ngày thành quen, hôm nào đi làm về không có bánh là con bé lại nhõng nhẽo hờn bố. Chị đã mắng con một trận, vì chị biết, để nhường chiếc bánh mỳ cho con là anh đã phải bớt đi khẩu phần trong ca lao động mệt nhọc của mình. Con khóc mà giọt nước mắt của mẹ cũng lăn dài trên má. Tôi hiểu rằng, không chỉ riêng chị Khuyên, mà bất cứ ai có người thân làm thợ mỏ đều tâm niệm thợ mỏ cần phải được ăn đảm bảo định lượng mà đơn vị đã tính toán để đảm bảo sức khỏe tái sản xuất sức lao động. Nhưng đây cũng là lý do mà nhiều người cho rằng nên đưa thương hiệu bánh mỳ mỏ mở rộng ra thị trường ngoài. Và hiện nay, đơn vị đầu tiên đưa thương hiệu bánh mỳ mỏ đến với người dân là Công ty CP than Hà Tu.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, công nhân làm bánh mỳ mỏ Công ty CP than Hà Tu cho biết, bánh được làm bằng nhiều nguyên liệu ngoài bột mỳ như trứng, đường, sữa, bơ… với trọng lượng của một chiếc bánh khoảng một lạng tư. Một công nhân giữa ca ăn một cái bánh mỳ gần no bụng. Trước đây, Công ty chỉ làm bánh cho công nhân mỏ. Sau thấy nhiều người hỏi mua, tổ phục vụ bánh mỳ đề nghị Ban Giám đốc cho sản xuất tăng lên để bán cho nhân dân. Chưa quảng cáo gì mà nhiều người biết, không chỉ vùng Quảng Ninh như Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Cẩm Phả, Đông Triều… mà còn cả khách Hà Nội, Hải Phòng cũng đến mua. Nhiều người quen rồi cứ gọi điện đặt hàng. Hiện nay, tổ sản xuất bánh mỳ của Công ty có 7 chị em. Mỗi ngày tổ sản xuất và bán ra thị trường ngoài trung bình hơn 700 cái. Ngày cao điểm có thể lên đến hàng ngàn cái nhưng vẫn không đủ cho khách đặt. Vì hiện nay, Công ty mới bố trí 1 lò điện. Chị Nguyễn Thị Nga, Phó Quản đốc Phân xưởng Dịch vụ Tổng hợp Công ty CP than Hà Tu cho biết, bánh mỳ mỏ, ngoài việc cung cấp cho công nhân mỏ, được người dân địa phương rất thích và truyền nhau mua. Nhiều người ngày nào cũng thấy mua. Khách từ xa cũng truyền tai nhau mua. Nếu quảng cáo thành thương hiệu rộng rãi, chắc sẽ phải nâng công suất lò mới đáp ứng được.
Xách trên tay gần chục cái bánh mỳ mỏ, chị Trịnh Thị Hoài, người dân phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long cho biết, chị mua về cho con ăn sáng để đi học. Các con chị thích ăn bánh mỳ mỏ vì bánh mỳ mỏ rất mềm mà đặc ruột, ăn ngọt và ngậy hơn nhiều loại bánh mỳ trên thị trường. Chị biết đến bánh mỳ mỏ thông qua những người bạn và từ lâu đã thích rồi…
Trên nhiều trang báo giới thiệu về du lịch Việt Nam đã viết về bánh mỳ mỏ: “Ngoài những món ăn được chế biến từ hải sản tươi ngon đậm chất miền biển, đất Quảng Ninh còn có một món ăn có cái tên dân dã, đã đồng hành cùng người dân nơi đây cũng như được nhiều du khách yêu thích từ khá lâu, đó là món Bánh mỳ mỏ”. Tờ báo này giới thiệu khá chi tiết và cho rằng, đặc sản bánh mỳ mỏ được người dân nơi đây kế thừa từ cách làm của người Pháp, đặc biệt rất thơm ngon với vỏ ngoài giòn rụm nhưng vẫn giữ được sự mềm mịn của ruột bánh bên trong. Sở dĩ được gọi là Bánh mỳ mỏ bởi đây là sản phẩm do chính tay những người thợ mỏ tại các phân xưởng trong ngành Than của Quảng Ninh làm nên. Do một phần ăn giữa ca của thợ mỏ thường được cấp một ổ bánh mỳ và sữa đậu nành; để tiết kiệm và tiện lợi hơn, các chủ phân xưởng đã quyết định “chuyển giao công nghệ” nướng bánh mỳ về ngay trong đơn vị, bánh mỳ mới được nướng nóng giòn mỗi ngày để kịp thời phục vụ bữa ăn của công nhân. Những ổ bánh mỳ được những người thợ mỏ khéo léo làm nên luôn đầy đặn, làm no lòng những người dân lao động. Cứ thế bánh mỳ mỏ đồng hành cùng nhịp sống giản dị của người dân đất mỏ, trở thành một trong những “đặc sản” bình dân nhưng rất đặc trưng của địa phương đối với du khách, khi đến thăm vùng đất này…
Chưa quảng cáo đã có thương hiệu và được thị trường đón nhận như thế. Vậy tại sao các đơn vị không đưa bánh mỳ mỏ mở rộng ra thị trường?!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khong-chi-la-banh-my-201512101114240404.htm” button=”Theo vinacomin”]