Để đạt được con số tiết giảm chi phí gần 1000 tỷ đồng năm 2012 trong toàn Tập đoàn, hiện nay các công ty con, đơn vị trực thuộc Tập đoàn đang có nhiều việc làm hết sức cụ thể. Cạnh đó, Tập đoàn cũng đang rà soát, chỉ đạo các đơn vị sử dụng tối đa công năng của các công trình phục vụ sản xuất, kiên quyết tạm dừng đầu tư những dự án chưa thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đối với Tập đoàn, có thể nói tiết kiệm chi phí trong sản xuất được lãnh đạo chỉ đạo thường xuyên hàng năm, đặc biệt là trong sản xuất than. Vì ai cũng biết, hiện nay giá than tiêu thụ cho một số hộ còn thấp hơn giá thành. Do vậy, theo kế hoạch đã lập từ trong năm 2011, khi chưa có Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, Tập đoàn đã đề ra mức tiết kiệm chi phí trong năm nay trên 736 tỷ đồng. Sau khi Chính phủ chỉ đạo, Tập đoàn rà soát và tiếp tục tăng mức tiết kiệm chi phí lên đến gần 1000 tỷ đồng. Đó là con số không nhỏ. Và để làm được điều đó, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quyết liệt thực hiện ngay từ những tháng đầu, quý đầu năm. Ngoài các biện pháp chung đã được triển khai để thực hiện kế hoạch chi phí giao khoán năm 2012, Tập đoàn sẽ tính toán, phân tích kỹ lưỡng hiệu quả các dự án đầu tư, có kế hoạch điều chỉnh, cắt giảm các dự án để trước mắt chỉ tập trung đầu tư các dự án phục vụ trực tiếp cho sản xuất. Cụ thể, quản lý chặt chẽ từ quá trình chuẩn bị đầu tư để lựa chọn phương án đầu tư, thiết bị đầu tư tiết kiệm nhất, đảm bảo hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư để sớm đưa vào hoạt động, tiết kiệm chi phí lãi vay. Mặt khác, Tập đoàn tìm hướng huy động vốn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư một cách hiệu quả; đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh thông qua các giải pháp vay, thuê mua, thuê gia công, thuê hoạt động v.v…
Mông Dương: Công nhân không vào lò muộn, ra lò sớm
Theo kế hoạch, năm nay, Công ty Cổ phần than Mông Dương có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty đang rà soát để tạm dừng hoặc cắt giảm một số hạng mục để tiết giảm đầu tư. Kỹ sư Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Quản lý dự án cho biết, trong dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác giai đoạn 2, một số hạng mục sẽ được tận dụng hoặc chỉ nâng cấp trên cơ sở các công trình xây dựng cũ như: Hạng mục tận dụng quạt BOK cũ phục vụ cho thông gió; nâng cấp các nhà giao ca, nhật lệnh, các công trình phụ trợ cũ thay vì xây dựng mới theo dự án đã lập. Kỹ sư Trần Đình ảnh, Trưởng phòng Lao động – Tiền lương thì nhấn mạnh, Công ty thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đặt ra yêu cầu đầu tiên là tăng năng suất lao động, sản xuất có hiệu quả từ mọi khâu. Đối với công tác tổ chức quản lý sản xuất, Công ty quản lý chặt ngày giờ công lao động. Công ty quy định công nhân các công trường, phân xưởng không vào lò muộn, ra lò sớm. Ngày công đối với thợ lò không thấp hơn 20 công/tháng, tuy nhiên cũng không vượt quá 24 công/tháng để đảm bảo sức khỏe cho công nhân. Đối với các phòng ban, Công ty đã thực hiện tinh giảm bộ máy. Chẳng hạn như phòng Lao động – Tiền lương trước đây 12 người, nay chỉ còn 10 người. Công ty cũng quy định các phòng ban làm việc trong giờ hành chính phát huy hiệu quả, hạn chế làm việc ngoài giờ để tiết kiệm chi phí văn phòng. Mặt khác, Công ty tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật và cải tiến trong dây chuyền sản xuất để tăng năng suất lao động và tiết giảm chi phí như: áp dụng thiết bị hiện đại trong đào lò, bốc xúc vận tải đất đá để tăng năng suất lao động; công nhân lấy dụng cụ, trang bị bảo hộ cá nhân bằng hình thức tự chủ thay vì cấp phát như trước để giảm số người phục vụ; quản lý hệ thống công văn giấy tờ bằng mạng portal thay cho in ấn trước đây để giảm chi phí văn phòng phẩm v.v. Với tổng thể các hoạt động đó, Công ty dự kiến sẽ đạt được chỉ tiêu tiết kiệm điện năng 10%, tiết kiệm định mức chi phí quản lý, chi phí chung 8%, nhiên liệu 1,5% và tăng năng suất lao động 5% theo chỉ đạo trong năm nay.
Cao Thắng: Khoán tất cả những gì có thể khoán
Tại Xí nghiệp than Cao Thắng (Công ty than Hòn Gai), Kỹ sư Bùi Xuân Vững, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Xí nghiệp đưa cho chúng tôi xem quyển sổ ghi lịch công tác tuần và lịch làm việc hàng ngày của các đồng chí lãnh đạo. Theo đó, lịch ghi khá đầy đủ và chi tiết. Trong tuần này, thứ hai, sáng đồng chí Phó giám đốc Vững làm những việc gì, Giám đốc Trung làm những việc gì. Thứ ba, thứ tư… cũng vậy. Bảng kế hoạch còn có một mục riêng, ghi lại tiến độ những phần việc đã thực hiện. Anh cho biết, làm như vậy sẽ tăng tính chủ động từ lãnh đạo Xí nghiệp đến công nhân, cán bộ các công trường, phân xưởng, sẽ kết hợp được nhiều việc, hợp lý hóa trong toàn bộ máy điều hành. Xí nghiệp chỉ đạo kiên quyết không làm những gì không có trong kế hoạch. Đó chính là một trong những biện pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí không đáng có trong sản xuất.
Kỹ sư Bùi Xuân Vững nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, đồng thời cũng là chỉ đạo của Công ty và Tập đoàn, Xí nghiệp thực hiện tiết kiệm tối đa có thể. Xí nghiệp thực hiện khoán đến tận người lao động. “Khoán tất cả những gì có thể khoán, từ những thứ nhỏ nhất” – Ông Vững nói. Ngoài ra, Xí nghiệp cũng sẽ rà soát nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng tăng tỷ lệ lao động trực tiếp lên trên 77%. Đồng thời, Xí nghiệp cũng tăng cường thu hồi, gia công tái sử dụng những vật tư cũ để giảm chi phí vật tư v.v.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khoan-tat-ca-nhung-gi-co-the-khoan-1253.htm” button=”Theo vinacomin”]