“Thanh toán sau”, “trả chậm”, “nợ” là những thuật ngữ quen thuộc trong sản xuất, kinh doanh mà dù muốn hay không mọi doanh nghiệp cũng đều phải đối mặt. Trong bối cảnh khó khăn, lạm phát, lãi suất cao như hiện nay, doanh nghiệp nào cũng mong muốn sớm thu hồi được công nợ. Song không phải lúc nào mong muốn cũng có thể trở thành hiện thực vì công nợ luôn là câu chuyện mâu thuẫn dài kỳ không có hồi kết giữa một bên luôn muốn thu hồi thật nhanh và một bên luôn muốn kéo dài, càng lâu càng tốt!
Công ty Vật tư vận tải và xếp dỡ hiện đang bị nợ khoảng 1.000 tỉ đồng thuộc diện nợ gối đầu. Theo một vị lãnh đạo của Công ty, mặc dù đơn vị đã có nhiều biện pháp quyết liệt để thu hồi nhưng hiện giờ số tiền trên vẫn chưa hề có một suy suyển tích cực nào.
Ông Phan Trí Dũng, Giám đốc Công ty CN Hóa chất mỏ Bạch Thái Bưởi, cho biết, thị phần cho xi măng chiếm 40% doanh thu toàn Công ty. Tuy nhiên do tình hình khó khăn chung nên năm nay sản lượng cho thị trường này chỉ bằng 2/3 năm ngoái. Thêm vào đó, tiền bán hàng vẫn chưa thu hồi hết được. “Có đến hơn 60% khách hàng lâm vào tình trạng khó khăn, đề nghị cho trả chậm một chút. Bản thân mình cũng hiểu ách tắc trong thu hồi công nợ là chuyện không thể tránh được”, ông Dũng nói.
Một đơn vị kinh doanh than trong Tập đoàn cũng đang “đau đầu” về chuyện nợ khó đòi. “Không bán cũng không được nhưng bán lại sợ chuyện đòi nợ” – một thành viên của Ban thu hồi công nợ của Công ty này cho biết. Kinh nghiệm bán hàng của doanh nghiệp này là gia hạn thời hạn thanh toán ở mức có thể cho khách hàng cũng như “chọn mặt để bán than”. Dù thế, số nợ của đơn vị cũng xấp xỉ con số 100 tỷ đồng.
Một số biện pháp tạm thời
Năn nỉ, gọi điện mỗi ngày thúc hối trả nợ, ngưng giao hàng, hỗ trợ khách chậm trả nợ để thúc đẩy sản xuất… là những biện pháp đang được nhiều doanh nghiệp trong Tập đoàn áp dụng, nhằm sớm thu hồi nợ từ khách hàng. Tùy vào từng khách hàng mà doanh nghiệp có giải pháp thu được tiền nợ nhằm tránh “gây sốc” cho họ. Nói như thành viên của Ban thu hồi công nợ của Công ty kinh doanh Than trên thì nếu làm không tốt, “có khi doanh nghiệp mất cả chì lẫn chài”.
Người này cho biết, để kiểm soát tốt công nợ từ khách hàng, Công ty đã thành lập hẳn một Ban thu hồi công nợ đứng đầu là Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh, giao nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên. Công ty cũng quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi của các thành viên trong Ban.
Ông cho biết thêm, ngoài mức lương cố định hàng tháng, nhân viên thu hồi nợ của Công ty còn được hưởng mức thù lao dựa trên tỷ lệ phần trăm số nợ thu được theo từng tháng. Công ty cũng giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban, đặc biệt là các Trạm trưởng. Trong quy chế quản trị chi phí giá thành của Công ty, các Trạm trưởng có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng về cho Công ty. Trong quá trình đó, các trạm trưởng phải tìm hiểu tường tận tình hình sản xuất kinh doanh cũng như tình trạng tài chính của đối tác để có thể tham mưu cho Giám đốc ra quyết định ngưng việc giao hàng nếu khách hàng không thanh toán các khoản nợ trong một khoảng thời gian nhất định. Họ cũng có trách nhiệm báo cáo về Công ty nếu khách hàng có những dấu hiệu bất thường trong thanh toán hoặc việc kinh doanh của khách hàng có dấu hiệu bất ổn trong thời gian dài. Việc quy định trách nhiệm rõ ràng, giúp các thành viên trong Ban chủ động trong những tình huống xử lý thực tế sẽ giúp công ty tránh thất thoát những số tiền lớn, không bị chiếm dụng vốn từ khách hàng.
Kiểm tra kỹ đối tác và có những chế độ bán hàng khác nhau là cách làm hay của Công ty kinh doanh Than trên. Bên cạnh đó, việc xem xét cấp hạn mức tín dụng cho mỗi khách hàng cũng giúp Công ty tránh bị chiếm dụng vốn từ đối tác. Đối với những khách hàng quen và có thâm niên giao dịch, công ty sẽ cấp hạn mức tín dụng nhiều hơn, với thời gian dài hơn. Tuy nhiên, Công ty cũng có những chính sách hỗ trợ và chế độ kiểm tra thường xuyên thông qua doanh số bán, lượng hàng hóa giao định kỳ mỗi tháng, quí của họ.
Cần giải pháp căn cơ
Dù áp dụng nhiều giải pháp để giải quyết công nợ, doanh nghiệp vẫn bị đối tác chiếm dụng vốn. Theo họ, “tất cả những giải pháp thu hồi nợ chỉ là tạm thời, bởi nếu không bán hàng được, việc thu hồi nợ đúng hạn là bất khả thi”.
Những giải pháp thu hồi nợ trên của doanh nghiệp chỉ có tác dụng giúp kiểm soát tình hình tài chính ở ngưỡng an toàn trong một khoảng thời gian nhất định. Về lâu dài, những giải pháp đó sẽ không còn tác dụng, khi nền kinh tế vẫn khó khăn.
Trong khi đó, giải pháp của doanh nghiệp hiện nay chủ yếu tập trung đánh giá, phân tích đối tác để bán hàng dựa trên kinh nghiệm cá nhân trong những mối quan hệ kinh doanh có từ trước nhằm hạn chế rủi ro. Theo nhiều doanh nghiệp, về lâu dài, giải pháp căn cơ nhất để giải quyết công nợ là “cần có những giải pháp thúc đẩy nền kinh tế sớm ổn định trở lại trong dài hạn, giảm thiểu những rủi ro từ bất ổn của nền kinh tế sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn”. Khi bức tranh của nền kinh tế “sáng lên”, vấn đề công nợ của doanh nghiệp cũng sẽ chuyển biến theo hướng tích cực hơn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/kho-khan-nhu-thu-hoi-cong-no-2302.htm” button=”Theo vinacomin”]