Không chỉ làm tròn nghĩa vụ hậu phương vững chắc nơi tổ ấm của mình, các chị còn tích cực đảm nhận và hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của một cán bộ Công đoàn nơi đơn vị mình công tác – một công việc đòi hỏi cần có sự nhiệt thành và tâm huyết. Không chỉ thế, các chị còn tự tin khi đón nhận những thử thách khi làm cán bộ Công đoàn của các mỏ khai thác than hầm lò với môi trường đặc thù nhiều vất vả, gian nan. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ và tâm sự của các chị đối với cái “nghiệp” mà nhiều người vẫn ví von là “người vác tù và hàng tổng”…
Đồng chí Vũ Thị Hằng – Chủ tịch Công đoàn Công ty than Thống Nhất: “Điểm thiệt thòi nhưng lại là điều may mắn”
Bố tôi nguyên là thợ lò, sau đó là quản đốc lò và nghỉ hưu từ năm 1989. Là con của thợ mỏ, tiếp nối truyền thống của Cha, tôi đã vào Mỏ than Thống Nhất làm việc. Trải qua nhiều vị trí công tác, đến tháng 9/2000, được sự tín nhiệm của cán bộ đoàn viên công đoàn cũng như lãnh đạo Công ty, tôi được bầu là UV BCH Công đoàn Công ty, đảm nhận chức Trưởng ban Nữ công Công ty than Thống Nhất và gắn bó với tổ chức công đoàn từ đó đến nay.
Với tôi, mỗi cương vị, mỗi lĩnh vực công tác đều có những ý nghĩa riêng, song 18 năm qua làm công tác công đoàn có biết bao kỷ niệm vui buồn cùng người thợ thực sự đã đem đến cho tôi những đam mê, nhiệt huyết và sự gắn bó với công việc cũng như đơn vị mình đang công tác. Bởi lẽ, tôi nhận thức tổ chức công đoàn không chỉ có nhiệm vụ hàng đầu là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động mà còn phải tham gia quản lý, đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp ngay cả những lúc khó khăn nhất, góp phần vào kết quả SXKD chung của đơn vị. Trên thực tế, những năm qua, cá nhân tôi cũng như các cán bộ công đoàn của Công ty than Thống Nhất đã luôn nỗ lực lắng nghe, hiểu và kịp thời động viên anh em công nhân, mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo chuyên môn, các tổ chức đoàn thể trong Công ty những cách làm hay, hoạt động sáng tạo; tham mưu và hoàn thiện các quy chế dân chủ cơ sở nhằm khuyến khích thợ lò đạt ngày công cao, có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động; giúp đỡ người lao động những lúc khó khăn hoạn nạn…
Bản thân là nữ lại trên cương vị là người đứng đầu tổ chức Công đoàn của một đơn vị khai thác than hầm lò như Công ty than Thống Nhất, với tôi có điểm thiệt thòi nhưng lại là điều may mắn. Nếu như nam giới có thể thường xuyên vào lò, được tiếp cận và giám sát trực tiếp hoạt động sản xuất than thì nữ giới như tôi chỉ có thể vào lò theo lịch trình, còn nắm bắt thông tin sẽ thông qua anh em trong BCH Công đoàn. Tuy nhiên “phái yếu” như chúng tôi lại có “điểm mạnh” riêng – đó là có thể gần gũi chia sẻ, dễ dàng đồng cảm và đi sâu vào đời sống vật chất, tinh thần của anh em thợ lò hơn.
Có người ví von “Làm Công đoàn chỉ là vỗ tay vào”, tôi không đồng ý với quan điểm này. Thậm chí, có một vài ý kiến cho rằng “thủ lĩnh” công đoàn của một đơn vị khai thác hầm lò nếu là nữ thì sẽ rất vất vả nhưng tôi khẳng định và tự tin bản thân mình sẽ làm tốt và sẽ phấn đấu phải làm tốt hơn nữa vai trò của một “thủ lĩnh” công đoàn.
Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty CP than Hà Lầm Nguyễn Thị Huế: “Hạnh phúc của người lao động là món quà quý nhất”
“Trải qua nhiều vị trí công tác tại Công ty CP than Hà Lầm từ năm 1993 đến nay, tôi “bén duyên” với “nghiệp” Công đoàn thật ngẫu nhiên bởi nhờ có sự tin tưởng, tín nhiệm của lãnh đạo và tập thể CNVCLĐ.
Là cán bộ Công đoàn nữ, lại ở đơn vị sản xuất than hầm lò lớn với gần 3.300 CNVCLĐ, trong đó có 641 lao động nữ, công việc không hề đơn giản như có người vẫn nghĩ “cán bộ công đoàn thì có việc gì mà làm”. Trước đây làm chuyên môn, công việc đơn thuần nhưng “nghề công đoàn” thì bất kể giờ giấc, cả việc “có tên” và “không tên”. Nếu có sự đam mê, tâm huyết thì không lúc nào hết việc. Tôi thường tâm niệm “không để người khác đánh giá mình là kém”, do vậy khi làm công đoàn, tôi càng nỗ lực phấn đấu, tìm tòi cách làm sáng tạo, khoa học để hoàn thành tốt nhất công việc được giao.
Làm công đoàn khó nhất là phải được sự tín nhiệm của đoàn viên, người lao động. Trong công việc, người cán bộ Công đoàn phải công tâm, có bản lĩnh, không bị chi phối khi quyết định những vấn đề về chế độ, chính sách, quyền lợi của CNLĐ. Và để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ công đoàn cần sát sao, gần gũi, lắng nghe tâm tư tình cảm, tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của từng người lao động, nhất là lao động nữ. Đồng thời, phải có trình độ, kiến thức, hiểu biết pháp luật, thường xuyên cập nhật những vấn đề mới, liên quan đến người lao động để để từ đó tham mưu, vận dụng, thực hiện chế độ chính sách cho người lao động tốt nhất.
Niềm vui, hạnh phúc của người lao động là món quà quý nhất đối với tôi. Ví như khi bàn giao nhà “Mái ấm công đoàn” cho công nhân, cảm nhận được niềm hạnh phúc của họ, không chỉ riêng tôi mà tất cả cán bộ lãnh đạo Công ty chứng kiến đều vui và xúc động. Đó cũng là động lực để tôi thấy yêu và nỗ lực với công việc hơn…”
Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban Nữ công Công đoàn Công ty than Nam Mẫu Đỗ Thị Thoan: “Sự mềm mại, chân thành của phái nữ cũng là một lợi thế”
“Từ khi còn đi học, tôi đã thích các hoạt động xã hội và tích cực tham gia làm cán bộ Đoàn. Năm 2005, thời điểm đang làm Phó quản đốc một phân xưởng tại Than Nam Mẫu, khi được lựa chọn giữa công việc chuyên môn và cán bộ công đoàn chuyên trách, tôi chọn làm cán bộ công đoàn vì cảm thấy hợp với khả năng, tính cách của mình.
Quá trình công tác của tôi có biết bao kỷ niệm vui, buồn, nhưng có lẽ nhớ nhất, để lại nhiều cảm xúc nhất là những chuyến đi thăm các gia đình công nhân có người thân hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than và các gia đình công nhân đặc biệt khó khăn. Mặc dù có những mất mát, khó khăn nhưng nhận được sự quan tâm chia sẻ của Lãnh đạo và tập thể người lao động Công ty, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt đã vơi bớt buồn đau, giúp họ có thêm động lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Tôi cũng cảm nhận được sự lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống của họ và tình người ấm áp trong khó khăn hoạn nạn đã thành truyền thống tốt đẹp của những người thợ mỏ. Niềm vui với tôi giản dị lắm, đó là khi nhận được những tin vui từ người lao động như: Chị ơi, con em năm nay đạt học sinh giỏi; Chị ơi, em xây được nhà chắc chắn rồi hôm nào chị về chơi nhé… hoặc được nhận những món quà như con gà, chục trứng, rau quả hay cân gạo nếp từ quê của người lao động gửi biếu… Đó là những tình cảm trân quý mà mọi người dành cho mình nên thật sự thấy vui và trân trọng lắm.
Tuy làm công tác công đoàn ở đơn vị khai thác than hầm lò lớn, nhưng tôi gặp rất nhiều thuận lợi trong công việc bởi có sự tin tưởng, tạo điều kiện từ Lãnh đạo Công ty đến sự đồng thuận của đoàn viên và người lao động. Là đơn vị đông đoàn viên và người lao động, trong đó trên 90% là nam giới, nhưng tôi nghĩ sự mềm mại, chân thành của phái nữ cũng là một lợi thế giúp việc trao đổi, lắng nghe và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của anh em thợ lò cởi mở hơn.
Ngoài các phẩm chất, kỹ năng cần thiết, tôi nghĩ cán bộ công đoàn phải hòa đồng, có khả năng giao tiếp tốt, thuyết phục, nhiệt tình và tâm huyết trong công việc. Khi cần thiết bảo vệ quyền lợi cho người lao động phải cương quyết, nhất quán có quan điểm rõ ràng. Có như vậy, cán bộ công đoàn mới nhận được sự tin tưởng, mới thực sự là điểm tựa vững chắc của người lao động.
Mọi người cứ nói vui, làm cán bộ công đoàn như “người vác tù hàng tổng”, nhưng với tôi, được làm công việc mình yêu thích, đam mê, đó là niềm hạnh phúc”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khi-phai-yeu-vac-tu-va-hang-tong-201808051020021711.htm” button=”Theo vinacomin”]