Cuối cùng, sau 7 năm đeo đuổi, CNCB Công ty khoáng sản và luyện kim Cao Bằng đã thở phào nhẹ nhõm khi mới đây Bộ Tài nguyên và môi trường đã cấp phép khai thác khu Đông Mỏ thiếc Tĩnh Túc. Sự kiện này với họ chẳng khác nào “người cày” có “ruộng”.
Sau nhiều năm khai thác, nguồn tài nguyên Mỏ thiếc Tĩnh Túc cạn kiệt. Để duy trì phát triển nghề sản xuất thiếc truyền thống, phát huy kinh nghiệm khai thác chế biến thiếc của đội ngũ công nhân và tận dụng hệ thống hạ tầng do Liên Xô xây dựng, năm 2005, Công ty khoáng sản và luyện kim Cao Bằng đã lập dự án đầu tư cải tạo khai thác lộ thiên khu Đông Mỏ thiếc Tĩnh Túc.
Việc cấp phép khai thác chậm trễ có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân chính là do Luật Khoáng sản (sửa đổi năm 2005) phải qua nhiều thủ tục, với nhiều cấp thẩm định phê duyệt… Tuy nhiên, thật may mắn cho đơn vị khi quyết định cấp phép trên ban hành trước một ngày so với thời hiệu của Luật Khoáng sản sửa đổi (năm 2011) chính thức có hiệu lực (ngày 1/7/2011). Theo quyết định trên, Công ty khoáng sản và luyện kim Cao Bằng được phép khai thác thiếc lộ thiên trên diện tích 17,7 ha, mức sâu tới 647 mét với trữ lượng 1.108 tấn, công suất lhai thác 146 tấn/năm, thời hạn khai thác 7 năm 8 tháng.
Ông Đàm Trung Kỳ, Giám đốc Công ty không giấu nổi sự mừng vui. Ông tâm sự, nếu việc cấp phép chỉ chậm một ngày, Công ty phải mất rất nhiều thời gian, công sức để hoàn thành các thủ tục theo quy định của Luật Khoáng sản sửa đổi. Rồi ông cho biết, tại Tĩnh Túc, Công ty đã có sẵn khai trường, có đầy đủ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho khai thác như đường, điện, nước… Riêng nguồn điện, sử dụng điện năng từ 4 nhà máy thủy điện của Công ty, vừa chủ động trong sản xuất, vừa rẻ so với điện lưới quốc gia. Tại đây, Công ty còn có sẵn lò luyện thiếc, công suất 300 tấn năm, có một số dây chuyền tuyển… Đội ngũ công nhân sản xuất thiếc ở Tĩnh Túc hiện có hơn 200 người. Đây là lực lượng có nhiều kinh nghiệm khai thác, tuyển và luyện thiếc đạt chất lượng 99,75%.
Trước khi có “ruộng” (được cấp phép khai thác), Công ty đã chủ động xây dựng hệ thống tuyển, công suất 120 nghìn m3, với giá trị đầu tư trên 7 tỷ đồng để phục vụ khai thác tận thu trước mắt và đón đầu phục vụ khai thác khu Đông Tĩnh Túc lâu dài. Sau khi có “ruộng”, những “người cày” sẽ đầu tư xây dựng tiếp một số dây chuyền tuyển hiện đại hơn để thay thế 3 dây chuyền cũ, thô sơ và xuống cấp. Công ty đã có thể yên tâm tiếp tục đầu tư các phương tiện khai thác, vận tải như máy xúc, máy gạt, ô tô… tổng mức đầu tư năm nay khoảng 96 tỷ đồng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khi-nguoi-cay-co-ruong-435.htm” button=”Theo vinacomin”]