Các Giám đốc mỏ, đặc biệt là các mỏ hầm lò, luôn quan tâm đặc biệt tới công tác điều hành sản xuất, đảm bảo an toàn và sản lượng. Vì vậy, ngoài quản lí điều hành các công việc khác, Giám đốc mỏ thường xuyên phải đi lò để chỉ đạo sản xuất và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của công nhân. Tuy nhiên, cá biệt, một số giám đốc mỏ vẫn… ngại đi lò…
Ông Nguyễn Công Minh, Giám đốc Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 2 kiểm tra tiến độ
đào lò Dự án xuống sâu mỏ Tràng Khê
Khi chúng tôi xuống lò thì Giám đốc Minh cùng một số cán bộ kỹ thuật đã mỗi người một chiếc tay móc, bám vào tời trợ lực cho người đi bộ, đi từ dưới lò lên, ai nấy quần áo ướt sũng. Lò giếng này có chiều dài gần một cây số, dốc tới 23 độ vậy mà ông Minh cứ leo phăm phăm. Ông Minh cho hay, diện sản xuất của công ty Xây dựng mỏ hầm lò 2 rải rác khắp các đơn vị trong vùng; tận trong Đồng Rì, tới Mạo Khê và cả trên Khánh Hòa (Thái Nguyên) v.v. Nhưng Công ty vẫn bố trí lãnh đạo luôn bám công trình để chỉ đạo sản xuất.
Tiếp xúc với Thượng tá Đoàn Văn Thuần, Giám đốc Công ty TNHH 1TV than 35 (Tổng công ty Đông Bắc), ông cũng tâm sự: Hiện nay, Công ty quản lý 4 khu vực khai thác hầm lò nằm rải rác khắp vùng Cẩm Phả. Mỗi khu lại có mấy khoảnh với nhiều gương lò, các khu cách nhau mấy chục ki lô mét. Nếu cứ tính một tuần, Giám đốc đi kiểm tra hai lượt thì cũng phải hàng tháng mới hết một lượt của toàn Công ty. Việc kiểm tra lò mất khá nhiều thời gian của Giám đốc, mà không kiểm tra thì làm sao mà điều hành được. Do vậy, ông Thuần lên lịch chặt chẽ cho mình suốt tuần, suốt tháng, ngày nào đi kiểm tra vị trí nào đã có lịch, trừ trường hợp đột xuất các điểm nóng thì tăng cường kiểm tra hơn.
Nhiều ông giám đốc mỏ còn đi lò, đi công trường đột xuất vào ban đêm, thậm chí có ông còn “nhập vai” công nhân để nắm tình hình thực tế. Bây giờ, đến Công ty than Cọc Sáu, nhiều người vẫn kể chuyện về ông K., Giám đốc mỏ ngày ấy, nay làm lãnh đạo Tập đoàn. Chuyện rằng, nghe công nhân phản ánh các xe tưới nước chống bụi hoạt động không đều. Đầu ca hai, ông không đi xe con mà nhảy xe than lên tầng. Ông ngồi ở một lùm cây tránh nắng và theo dõi. Quả nhiên, đúng như công nhân đã phản ánh. Từ đó, việc tưới nước trên tầng được chấn chỉnh. Lại có chuyện, ông “nhập vai” vào chiếu “phỏm” đến nỗi không ai nhận ra ông là Giám đốc mỏ.Trong các buổi gặp mặt công nhân các công trường, phân xưởng, nghe ông nói vanh vách về tên ai, hay có thói quen gì, mọi người mới kinh ngạc. Thì ra, ông Giám đốc đã cập nhật quá rõ mọi tình hình diễn ra trong mỏ, thậm chí cả những biểu hiện tiêu cực như đánh phỏm trong giờ làm việc. Từ đó tình trạng công nhân, tài xế đánh phỏm được ngăn chặn.
Ở vùng than Cẩm Phả cũng có vị Giám đốc công ty than hầm lò, nay đã nghỉ hưu từng nhiều lần “vi hành”. Lần ấy, trời mưa lất phất, ông khoác chiếc áo tơi, đi ủng, đội chiếc mũ cối. Dáng ông cao gầy, nhìn như một bác nông dân. Mấy anh cán bộ KCS nhận than tại khu vực quang lật mặt bằng sân công nghiệp mỏ trú mưa ngồi trong một chiếc chòi gác, nhân thể làm ván cờ cho vui. Các anh này có nhiệm vụ chỉ cho công nhân đổ quang lật tách các goòng than và các goòng đá khi vận hành quang lật. Tuy nhiên, do tắc trách nên cứ để lẫn lộn than, đất. Ông đến và hỏi nhỏ:
– Xin lỗi bác đây là than hay đá ạ?
Một vị cán bộ KCS giơ quân cờ lên dáng cái bịch xuống, nói lớn:
– Chiếu tướng!
Rồi không ngẩng lên, anh này khoái chí vừa nói vừa rung đùi:
– Thích là than thì là than, thích là đá thì là đá!
Ông lại hỏi:
– Xin lỗi bác tên là gì? Số thẻ bao nhiêu?
Lúc này vị cán bộ KCS mới ngẩng lên, lúng túng và lí nhí… Ông nhấc điện thoại gọi về phòng Tổ chức cán bộ, bảo ra ngay quyết định điều chuyển vị cán bộ này về phân xưởng gia công than cục. Khi nói tên, số thẻ thì đầu dây bên kia, vị Trưởng phòng tổ chức cho biết đó là “Con trai của… em”. Ông quả quyết, con trai anh lại càng phải nghiêm khắc.
Lần khác, ông đi kiểm tra lò. Thấy một công nhân gác mìn đang ngồi mơ màng, ông đi qua một đoạn mới biết và ngăn lại. Ông hỏi, đã nạp xong mìn chưa, tớ vào kiểm tra vài phút rồi ra ngay. Anh công nhân gác mìn thấy Giám đốc nói vậy đồng ý. Đi được vài bước, ông quay lại hỏi họ tên và số thẻ. Rồi ông nói với anh trưởng phòng Lao động tiền lương ra quyết định điều chuyển công nhân này đi làm việc khác ngay. Công nhân gác mìn mà như vậy thì nguy hiểm. Rồi ra lò, mặc nguyên quần áo bảo hộ, ông lại đi đến nơi chị em công nhân sàng than, gia công than cục… Ông hỏi han công việc có vất vả không, thu nhập thế nào, tư tưởng ra sao? v.v. Trong tiếng máy ầm ầm của một khu nhà sàng, mấy chị công nhân giọng nói cứ oang oang. Khi được ông hỏi về việc ăn công nghiệp tại nhà ăn, các chị không ngần ngại:
– Bác chưa ăn trong nhà ăn bao giờ à? à bác là thợ lò nên ăn ở bếp khác không biết đấy chứ, bếp phụ trợ (tức là bếp dành cho công nhân làm việc ngoài khu vực hầm lò TG) dạo này thịt lợn nuôi thế nào toàn là mỡ thôi! Mấy chị bóng gió về việc bếp ăn phục vụ không đạt yêu cầu.
Mấy chị công nhân suốt ngày trên các bãi than, nhà sàng, còn không nhận ra vị Giám đốc của mình, hỏi bác làm nghề gì? Ông bảo, ông là thợ lò. Thấy ông rửa tay, bàn tay trắng đẹp chẳng giống mấy bác thợ lò, mới sinh nghi, hỏi thăm đồng nghiệp, lúc đó mới hay mình vừa nói chuyện với Giám đốc. Mấy ngày sau, bếp ăn dành cho công nhân phụ trợ thay đổi hẳn. Ông cho người vào kiểm tra chất lượng bữa ăn, thay đổi thực đơn các ngày trong tuần. Rồi ông yêu cầu nhà ăn phải thường xuyên tham khảo ý kiến của người lao động để phục vụ cho tốt.
Làm Giám đốc một mỏ than, để điều hành tổng thể các công việc với tính chất phức tạp quả là không hề đơn giản. Nhiều vị Giám đốc đã không quản ngại khó khăn, trực tiếp đi vào các vị trí “nóng”, kiểm tra để điều hành. Tuy nhiên, gần đây, trong một hội nghị giao ban sản xuất, đồng chí Tổng Giám đốc có nói đến vấn đề này và nhấn mạnh, vẫn còn có những Giám đốc thiếu thực tế, ủy quyền cho cấp dưới quá lớn dẫn đến công tác điều hành sản xuất còn chưa sâu sát. Những ông giám đốc mỏ như thế, không nêu tên, chắc công nhân họ biết cả.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khi-giam-doc-ban-di-lo-801.htm” button=”Theo vinacomin”]