Là đơn vị hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trong TKV, thời gian qua, Viện KHCN mỏ – Vinacomin đã không ngừng cố gắng và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận trong hoạt động KHCN, xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác KHCN có kỹ năng và kiến thức tốt, xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường tiềm lực KHCN của Viện ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của ngành, của các đơn vị sản xuất cũng như như chính cầu phát triển của Viện.
Tăng cường hoạt động nghiên cứu triển khai
Theo Viện trưởng, TS. Trần Tú Ba, thời gian qua, Viện đã triển khai nhiều nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tập đoàn và hàng trăm hợp đồng KHCN với các đơn vị sản xuất. Các đề tài, công trình nghiên cứu của Viện đều hướng tới giải quyết các vấn đề nổi cộm của thực tế sản xuất, đưa ra các giải pháp KHCN nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn trong sản xuất. Hầu hết các đề tài, công trình của Viện đều được áp dụng vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả, được các đơn vị đón nhận, được hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao.
Trong lĩnh vực công nghệ khai thác hầm lò, các công trình nghiên cứu đã bám theo định hướng nâng cao mức độ cơ giới hóa và hiện đại hóa, áp dụng các công nghệ khai thác hợp lý có sử dụng cơ giới cho các điều kiện vỉa phức tạp, đã nghiên cứu đề xuất được các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để nâng cao mức độ cơ giới hóa và hiện đại hóa trong quá trình sản xuất, phát triển cơ giới hóa và hiện đại hóa các mỏ hầm lò nhằm tăng sản lượng khai thác, nâng cao mức độ an toàn và đáp ứng nhu cầu sản lượng ngày càng tăng của ngành. Một số giải pháp cơ giới hóa khai thác cụ thể đã được áp dụng như áp dụng công nghệ khấu than bằng thiết bị đồng bộ; sử dụng đồng bộ thiết bị giàn khoan, máy xúc, dây chuyền vận tải đồng bộ; phát triển sử dụng các loại vì neo bê tông cốt thép, bê tông phun, neo dẻo trong các đường lò… Đặc biệt, các công trình triển khai áp dụng công nghệ vào thực tế sản xuất cho kết quả khả quan, mở ra hướng mới trong việc áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác các vỉa than mỏng và các vỉa than có độ dốc lớn. Công trình áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác các vỉa than có độ dày đến 2,0m dốc thoải đến nghiêng triển khai tại Công ty than Quang Hanh cho kết quả tốt, đạt năng suất cao gấp hơn 3 lần so với trước đây, khi phải sử dụng cột thủy lực đơn khai thác các vỉa than có điều kiện tương tự. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ cũng cho phép giảm khối lượng khấu đá vách, tiết kiệm chi phí, nâng cao mức độ an toàn so với công nghệ đang sử dụng trước đây.
Trong lĩnh vực khai thác lộ thiên, các công trình nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ khai thác, tổ chức quản lý nhằm nâng cao mức độ cơ giới hoá, hiện đại hóa quá trình sản xuất tại các mỏ than lộ thiên, đồng thời nâng cao hiệu quả và mức độ an toàn các mỏ than lộ thiên công suất lớn khi khai thác xuống sâu. Các mỏ than và khoáng sản lộ thiên, đã áp dụng đồng bộ thiết bị cơ giới hóa công suất lớn như máy khoan thủy lực đường kính 230-250mm; các máy xúc dung tích gàu 8-12 m3; các ô tô tải trọng 75-120 tấn, vận tải liên tục bằng băng tải…
Các chuyên gia Ba Lan và Viện KHCN Mỏ khảo sát trực tiếp tại lò chợ ngang nghiêng Phân xưởng Khai thác 14, Công ty than Nam Mẫu (Ảnh Tư liệu)
Trong lĩnh vực sàng tuyển, chế biến than – khoáng sản, nhiều công nghệ mới đã được áp dụng tại nhiều công trình như hệ thống xử lý bùn nước Nhà máy tuyển than – Vàng Danh; hệ thống sàng tuyển than Công ty than Quang Hanh; dây chuyền tuyển than cục trong than don xô Công ty than Uông Bí; dây chuyền tuyển than cục tại xưởng sàng +130 – Công ty than Nam Mẫu… Trong lĩnh vực chế biến khoáng sản, các công trình nghiên cứu công nghệ tuyển tận thu các loại quặng sắt, thiếc, chì kẽm từ quặng đuôi hoặc từ bãi thải; tư vấn thiết kế, chuyển giao công nghệ các Nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai Lâm Đồng, Nhà máy tuyển quặng bauxite Nhân Cơ… cũng cho các kết quả khả quan.
Trong lĩnh vực nội địa hóa sản phẩm, đã nghiên cứu thiết kế và chế tạo được các sản phẩm cơ khí và điện tử như các loại băng tải treo, băng tải co dãn; tời hỗ trợ người đi bộ, tời vô cực vận chuyển người; mônôray kết hợp đầu tàu điêzen; giá khung thủy lực di động; máy chuyển tải, máng cào uốn; một số loại xi lanh thủy lực đường kính lớn, van thủy lực, giàn chống tự hành; hệ thống trục tải giếng đứng; hệ thống quan trắc tập trung mỏ hầm lò với các loại đầu đo khí CH4, khí CO nhằm thay thế thiết bị nhập khẩu.
Nhìn chung, kết quả các công trình nghiên cứu đã góp phần đẩy mạnh công tác ứng dụng cơ giới hoá, hiện đại hoá trong ngành công nghiệp khai thác than, khoáng sản Việt Nam, tăng tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm cơ khí chế tạo, các sản phẩm điện tử, tự động hóa. Các kết quả nghiên cứu, các sản phẩm KHCN đều được thử nghiệm trong thực tế, cho kết quả tốt và được các đơn vị sản xuất đón nhận đưa vào áp dụng trong thực tế.
Con người – yếu tố quan trọng nhất
Xác định con người là yếu tố quan trọng nhất, là chìa khóa thúc đẩy cho sự phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực KHCN, Viện luôn coi trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, tạo ra một nguồn nhân lực tri thức có đủ năng lực để giải quyết các nhiệm vụ KHCN trọng điểm của ngành. Viện đã tập trung phát triển nguồn nhân lực, coi việc phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa để thành công trong phát triển KHCN. Lực lượng lao động của Viện hiện nay có 444 cán bộ viên chức, trong đó có 30 tiến sỹ đạt tỷ lệ 6,8%, 93 thạc sỹ đạt tỷ lệ 20,9% và 228 kỹ sư đạt tỷ lệ 51,4%. Trong thời gian tới, Viện tiếp tục chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho cán bộ ở trong và ngoài nước, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật của Viện ngày càng vững mạnh.
Bên cạnh đó, Viện đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất bao gồm trụ sở làm việc, các phòng thí nghiệm, các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu hiện đại. Cơ sở làm việc, nghiên cứu của Viện có trụ sở chính đặt tại Hà Nội, khu thí nghiệm đặt tại quận Long Biên, các đơn vị trực thuộc có văn phòng và phòng thí nghiệm đặt tại TP. Uông Bí, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Trong những năm qua, Viện đã xây dựng được hệ thống phòng thí nghiệm đa dạng, gồm 13 phòng thí nghiệm chuyên phục vụ công tác nghiên cứu, tư vấn thiết kế đào tạo chuyển giao công nghệ, trong đó có nhiều phòng thí nghiệm hiện đại, được cấp chứng nhận hợp chuẩn ISO/IEC 17025:2005, LAS-XD1395, VIMCERT…
Trong tiến trình phát triển, để thực sự là “đòn bẩy” phát triển ngành Than – Khoáng sản, theo Viện trưởng, TS. Trần Tú Ba, Viện sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại, phù hợp với điều kiện tự nhiên và quy mô sản xuất của các mỏ, nâng cao mức độ cơ giới hóa, tự động hóa trong khai thác than và khoáng sản. Các đề tài, công trình nghiên cứu của Viện sẽ tập trung hướng tới giải quyết các vấn đề từ thực tế sản xuất, đưa ra các giải pháp khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, nâng cao mức độ an toàn trong sản xuất.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khi-cac-nha-khoa-hoc-vao-cuoc-201807041911401976.htm” button=”Theo vinacomin”]