Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp hỗ trợ và “giải cứu” doanh nghiệp của Nhà nước, Chính phủ, trung tuần tháng 5 vừa qua, Đoàn công tác của Quốc hội với sự tham gia của nguyên Phó chủ tịch Quốc hội- Nguyễn Đức Kiên; Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Quốc hội – Nguyễn Văn Giàu; đại diện các Bộ: Tài chính, Công thương; Văn phòng Chính phủ cùng nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước đã có chuyến khảo sát, kiểm tra và làm việc với Vinacomin.
Khi vừa đặt chân đến Vùng Than, các đại biểu của ủy ban Kinh tế, ủy ban Các vấn đề Xã hội đã quyết định đi lò Vàng Danh để tìm hiểu công việc đặc thù của sản xuất than hầm lò. Trong Đoàn, có đại biểu đã nhiều lần làm việc với Vinacomin, nhưng đi lò, trực tiếp đến tận gương than lò chợ nơi những người lao động ngày đêm vất vả làm ra từng hòn than góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thì là lần đầu tiên và hoàn toàn mới mẻ với tất cả mọi người trong Đoàn. Cũng có ý kiến cho rằng, phải đi để “thực mục sở thị” tại sao mức lương bình quân là 9,5 triệu đồng/tháng như ở Công ty CP than Vàng Danh Vinacomin, vẫn không đủ sức thu hút người lao động và khủng hoảng thiếu thợ lò đang là nỗi lo của ngành Than tới đây.
Vận trang phục như những thợ lò, nào quần áo, mũ, ủng, đèn, nào bình tự cứu…và những thiết bị an toàn đi kèm, cả Đoàn tiến nhanh về phía cửa lò. “Những bước chân đầu tiên đầy khí thế, đường lò rộng thênh thênh, cứ như đi trong metro của Liên Xô thời trước”, anh N.D.Việt, một thành viên của ủy ban Kinh tế QH chia sẻ cảm nghĩ. Càng đi sâu vào lò, không khí như ngột ngạt hơn, độ ẩm tăng lên, tốc độ đi giảm dần. Mặc dù, đa phần đoạn đường đi tới khu vực khai thác than ở mức +0 so với mặt nước biển, Than Vàng Danh đã bố trí song loan, tàu điện hỗ trợ, nhưng ngoảnh nhìn mọi người, ai cũng mướt mượt mồ hôi.
Đi chừng 30 phút, Đoàn tới lò chợ khai thác bằng công nghệ chống thủy lực ZH của Phân xưởng Khai thác 7. Nghe cán bộ kỹ thuật của Vàng Danh giới thiệu về công nghệ, cách nổ mìn, khấu than, vận chuyển than ở nơi mà đường lò dốc đến 25 độ, rộng chỉ vừa lọt người qua, nhiều đại biểu không khỏi băn khoăn, làm thế nào mà ngành Than đạt được từng ấy triệu tấn than mỗi năm, làm sao để tăng năng suất, sản lượng trong một môi trường lao động khắc nghiệt, tiềm ẩn nguy hiểm như thế. Lại có ý kiến lao xao, 15 triệu, 20 triệu một tháng, anh có làm được không?
Thợ mỏ vào ca như người chiến sỹ vào trận. “Quanh năm thiếu ánh sáng, thiếu khí trời, thèm gió “tươi”. Trong điều kiện làm việc đó, 20 triệu, mà phải hơn nữa mới xứng đáng với sức lao động của thợ lò, một đại biểu của ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội lên tiếng.
Ngay sau chuyến đi khảo sát tại một số đơn vị của Vinacomin, Đoàn công tác của Quốc Hội đã tham dự tọa đàm “Ngành Than với vai trò đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”. Qua tâm tư, nguyện vọng của người lao động và những kiến nghị, đề xuất của Vinacomin, Đoàn công tác đã tổng quát được những nghịch lý, bất cập đã và đang “đẩy” ngành Than vào thế khó. Nói một cách hình tượng, Vinacomin đang bị “bó chân, bó tay” trong khi phải “gồng mình” thực hiện trọng trách là 1 trong 3 trụ cột chính bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, mà trước mắt là triển khai Quy hoạch chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ nhất về giá than, theo quy định của Pháp lệnh giá, giá than được vận hành theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, Chính phủ đã cho phép thị trường hóa giá than trong nước từ cuối năm 2009 với mức giá thấp hơn giá xuất khẩu tối đa 10%, riêng giá than cho điện đảm bảo đến năm 2010 theo cơ chế thị trường (Thông báo số 244/TB-VPCP ngày 11/8/2009). Tuy nhiên thực tế, lộ trình này đang thực hiện chậm hơn so với dự kiến. Đến nay, giá than trong nước vẫn thấp hơn nhiều so với giá xuất khẩu, riêng than bán cho điện vẫn thấp hơn giá thành, kéo theo việc Vinacomin phải bù chéo cho các hộ trong nước mỗi năm một tăng. Bù chéo riêng cho điện năm 2009 khoảng 1.400 tỷ đồng, năm 2011 khoảng 5.000 tỷ đồng. Nếu tính theo mức chênh lệch với giá than xuất khẩu, năm 2011, Vinacomin phải bù cho ngành điện khoảng 900 triệu USD. Việc bù chéo này ảnh hưởng rất lớn tới khả năng cân đối tài chính, huy động vốn đầu tư phát triển của Vinacomin. Đồng thời, làm cho việc sử dụng năng lượng lãng phí, hiệu quả hoạt động của các DN bị sai lệch, các quan hệ kinh tế- tài chính bị bóp méo, việc đáp ứng nhu cầu than trong nước theo đó sẽ càng hạn chế.
Thứ hai, trong khi giá than trong nước bị khống chế bán giá thấp, thì ngược lại, các chính sách: thuế, phí ngày càng cao. Những chính sách trên không những ảnh hưởng đến cân đối tài chính và quá trình tái sản xuất của ngành Than, mà còn gián tiếp tác động làm cho tổn thất tài nguyên tăng lên do phải bỏ lại phần tài nguyên có điều kiện khai thác khó khăn, giá thành cao.
Thứ ba, theo Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sản lượng than thương phẩm dự kiến đến năm 2015 đạt 55- 58 triệu tấn, năm 2020: 60-65 triệu tấn, năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện các mỏ than lộ thiên đã vào thời kỳ giảm sản lượng do trữ lượng các mức trên dần cạn kiệt, nên việc tăng sản lượng chỉ dựa vào các dự án khai thác than hầm lò. Các dự án này có tính chất đặc thù, phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình, khí mỏ, nước mỏ, phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về phòng nổ, an toàn mỏ, thời gian xây dựng dài (từ 5 – 7 năm, thậm chí hơn), nhu cầu đầu tư vốn lớn (mỏ công suất 3 – 4 triệu tấn/ năm, mức đầu tư lên tới 12 – 15 nghìn tỷ đồng). Trong khi theo quy định, công trình khai thác mỏ phải có vốn chủ sở hữu bằng 30% tổng mức đầu tư. Với giá than trong nước thấp như hiện nay, Vinacomin rất khó khăn trong việc cân đối vốn cho đầu tư mỏ hầm lò.
Cùng với đó là những khó khăn do việc cấp phép thăm dò tài nguyên quá chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị tài nguyên cho đầu tư phát triển trong tương lai như Đề án phát triển Bể than đồng bằng sông Hồng, Vinacomin đã hoàn chỉnh hồ sơ theo Thông báo 76/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép…
Hầu hết ý kiến của các đại biểu đều đi đến thống nhất: những bất cập nêu trên, nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong những năm tới.
Từ bức xúc đến “hiến kế”
Với mong muốn sớm tháo gỡ những khó khăn, bất cập cho Vinacomin, các đại biểu ủy ban Kinh tế, ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, cũng như các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành đã đưa ra những ý kiến đánh giá, cùng với đó là nhiều giải pháp hữu ích xung quanh kiến nghị của Vinacomin về việc giải quyết gấp 10 vấn đề nổi cộm của ngành Than hiện nay.
Nguyên Phó chủ tịch Quốc hội – ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trong điều kiện suy giảm kinh tế như hiện nay, ngân sách nhà nước lại bé “con con”, cái gì cũng trông vào ngân sách là không thể. Phải dựa vào dân, vào xã hội. “Người khôn ngoan vẫn là tìm cơ chế. Theo tôi, ngành Than nên xin cơ chế. Chính sách tạo ra tiền…” .
Ông Nguyễn Văn Phi – Vụ Quản lý ngành (Văn phòng Chính phủ) nhấn mạnh, vai trò đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của Vinacomin ngày càng quan trọng. Trong cân đối năng lượng chung hiện nay, than cung cấp khoảng 20%, còn lại 80% là dầu, khí đốt, thủy điện và một phần các dạng năng lượng khác. Nhưng đến năm 2020, theo tính toán, than chiếm tỷ trọng 38% và đến năm 2030 là trên 50%. Riêng về cân đối điện, theo Quy hoạch điện VII mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ trọng than trong điện cũng sẽ tăng. Hiện, tỷ trọng than trong điện năm 2011 chiếm khoảng 17%, đến năm 2020 chiếm khoảng 45% và 58% vào năm 2030.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam- ông Trần Viết Ngãi nêu vấn đề: “Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Vinacomin phải thực hiện cùng lúc nhiều việc. Cụ thể như: Đầu tư 28 mỏ mới và 61 dự án mở rộng, nâng công suất các mỏ hiện có, với tổng kinh phí đầu tư mỗi năm phải hàng chục ngàn tỷ vốn đối ứng. Đây có thể xem là các giải pháp hiệu quả, khi mà ngành Than hiện đang phải xây dựng các dự án điện và lo than cho các nhà máy điện. Trong khi, lo tiền để nhập khẩu than lúc này đối với Việt Nam là cực khó.
Nhưng làm thế nào để ngành Than có tiền đầu tư làm 2 việc trên? Theo ông Ngãi, “Vinacomin phải có sự cân đối chính xác, báo cáo gấp với Chính phủ, để làm sao vay được tiền ngân hàng trong thời gian sớm nhất”.
Từ chỗ bức xúc, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, ngành Than phải làm ăn có lãi, tỷ suất lợi nhuận phải cao, đồng nghĩa với vấn đề “làm giá”. Nhưng than bán cho ngành Điện, ngành Than đã phải bao cấp từ mấy chục năm nay, nên khốn khó bủa vây. Trước thực trạng cần phải có vốn đầu tư, ông Ngãi đề nghị “Quốc hội và Chính phủ cần phải hỗ trợ, giúp đỡ điều chỉnh ngay giá bán, để giúp ngành Than vượt qua thử thách, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước”.
Cùng quan điểm trên, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – Lê Xuân Bá – khẳng định, phải nhanh chóng điều chỉnh giá than theo giá thị trường. Chúng ta càng sợ, càng để lâu thì vấn đề tích tụ lại càng lớn, càng khó giải quyết.
“Chính phủ giao cho Vinacomin nhiệm vụ là một trong ba trụ cột an ninh năng lượng. Đồng ý đây là nhiệm vụ Nhà nước giao, nhưng giao thì phải có điều kiện cụ thể, có cơ chế đi cùng, nếu không thì khó có thể làm được”- chuyên gia kinh tế – Phạm Chi Lan nhìn nhận. Bà Lan cũng cho rằng: “Việc cung ứng than cho điện của ngành Than quá lớn, trong khi điện cứ coi câu chuyện cung ứng là “automatic”, là chuyện phải làm. Tôi nghĩ như vậy là không hợp lý”.
Tổng hợp các ý kiến tại diễn đàn này, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội – Nguyễn Văn Giàu khẳng định: sẽ cùng với các đồng chí thường trực của ủy ban Kinh tế Quốc hội tiếp thu các ý kiến, chọn lọc và xem như đây là buổi làm việc giám sát. Việc gì làm được ngay thì làm, để các cơ quan có thẩm quyền trả lời ngay từ kỳ họp Quốc hội này”.
Vẫn biết, để thay đổi được một chính sách, không phải dễ dàng ngày một ngày hai. Hiện tại, Tập đoàn của những người Thợ mỏ vẫn đang bộn bề khó khăn. Nhưng rõ ràng, niềm tin đã lóe sáng, theo đánh giá của nhiều đồng chí giám đốc các công ty than.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khi-cac-dai-bieu-quoc-hoi-tham-gia-hien-ke-phat-trien-nganh-than-1991.htm” button=”Theo vinacomin”]