Trong tiết thu Hà Nội, cái thời khắc khiến con người ta dễ rung động trước cuộc sống và vạn vật xung quanh, câu chuyện giữa chúng tôi với những nhà khoa học chân lấm tay bùn ngành Mỏ dường như không có điểm dừng. Nơi đây – Viện Khoa học công nghệ Mỏ – Vinacomin, chính người trong cuộc cũng không nhớ nổi bao nhiêu lẫn nữa những khát vọng đã vỡ òa, những trái tim đã rung lên vì sung sướng sau những trăn trở, giằng co, vắt kiệt cả sức lực, trí tuệ, chất xám để đổi lấy sự thành công của những công t
TỪ CHUYỆN “XOAY MÂM”…
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện KHCN Mỏ và các cộng sự của anh đang tất bật cho Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện và đón nhận phần thưởng cao quý – Huân chương Độc lập hạng Nhì bỗng ai đó nhắc đến thời gian, mọi người trùng lại, bâng khuâng. Nhanh quá! mới đó đã 15 năm rồi kể từ khi có câu chuyện “xoay mâm” làm nên cục diện mới của Viện. Câu chuyện ấy ở Viện ai ai cũng biết, cũng nhớ, cũng tự hào bởi đó chính là dấu ấn quan trọng tạo tiền đề cho những bước nhảy vọt, bứt phá của Viện, của những nhà khoa học Mỏ. Có một điều mà ai cũng thấm thía rằng, thời gian bao giờ cũng là phép thử. Thành công của hôm nay, của ngày mai không gì khác phải bắt đầu từ chính khó khăn vất vả của ngày hôm qua. Một cái tên, một biểu tượng định vị được trong nền kinh tế trí thức đâu phải dễ dàng. Nó là cả một quá trình tìm tòi sáng tạo, nỗ lực hết mình với một sự gắn bó máu thịt của mấy thế hệ kế tiếp nhau giống như sự “truyền lửa” để qua mùa đông vươn tới mùa xuân…
Viện trưởng – Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn
Năm 1995 khi Tổng Công ty Than Việt Nam vừa thành lập cũng là lúc Viện KHCN Mỏ được chuyển từ Bộ Năng lượng về TVN. Từ “Bộ” về “Tổng” khiến ai cũng lo lắng và cả ngao ngán vì dẫu sao nghe Bộ to hơn, “nhà nước” hơn và liên quan đến ngân sách, với đơn vị khoa học thì càng cần “nhà nước” để có ngân sách hoạt động, đó là thực tế, là tư duy lúc bấy giờ…
Khi ấy, trong bối cảnh đất nước khó khăn, ngành Than cũng rất khó khăn và Viện cũng chìm đắm trôi nổi trong dòng chảy ấy. Đã vậy, Viện còn phải loay hoay giữa những ngã ba, ngã tư đường, không biết chọn cho mình con đường nào. Băn khoăn trước sự thay đổi của tổ chức và lúng túng khi đang từ sự quản lý bao cấp 100% của nhà nước sang doanh nghiệp quản lý. Và đương nhiên, không thể mãi trông đợi ở sự “giúp đỡ” của đơn vị kinh tế cho nghiên cứu khoa học. Bao nhiêu lo toan, trăn trở lại phải đối mặt với hàng loạt biểu hiện cục bộ, vấn đề đoàn kết nội bộ, người giỏi người kém, người ra đi, người ở lại, cơ chế… Cuộc sống mưu sinh bắt buộc các viện sĩ phải lao vào cuộc làm ăn mới. Họ tổ chức thành từng nhóm, nghiên cứu, chạy theo các hợp đồng theo kiểu mạnh ai nấy chạy, lẻ tẻ, manh mún, không tập trung được sức mạnh. Những chiến lược dài hơi cho sự phát triển của một Viện khoa học đầu ngành như cơ ngơi, phòng thí nghiệm, đào tạo nhân lực… chẳng có điều kiện để nghĩ đến. Và cái nhìn của lãnh đạo ngành cũng như các nhà sản xuất (mỏ) khi ấy về Viện cũng chưa thuyết phục, đúng thôi bởi chưa có niềm tin!
Năm 1997, thời điểm cuối năm thì phải, khi ấy anh Phùng Mạnh Đắc mới được bổ nhiệm Viện trưởng thay anh Trần Trọng Kiên nghỉ hưu, Lãnh đạo TVN về họp với Viện, anh Đoàn Văn Kiển khi ấy là TGĐ đã có cuộc trao đổi, tâm sự, góp ý, định hướng, chỉ đạo thật quyết liệt với các nhà khoa học Mỏ. Trong đó có những câu đại ý thế này: Viện phải thay đổi cục diện đi, phải nghĩ những điều lớn lao hơn vài cái hợp đồng vụn vặt kiếm dăm ba triệu đút túi. Cuộc sống cần những cái đó để tồn tại nhưng lâu dài phải nghĩ những điều lớn hơn, chất xám của các nhà khoa học cần phải được đặt đúng chỗ. Đừng nghĩ sắp xếp lại cái bát, cái đũa, bát nước chấm trên mâm mà phải tìm cách xoay cái mâm, không xoay được thì phải đặt nó sang chỗ khác…
Một buổi giao ban của các nhà khoa học
Nhà khoa học là những con người của trí thức, ưa nhẹ nhàng tình cảm, tâm hồn rất mong manh dễ vỡ, dễ bị tổn thương lắm. Lời Lãnh đạo không gay gắt mà sao lòng tự trọng của những nhà khoa học như bị thức tỉnh vỡ òa. Và Viện đã quyết tâm “xoay cái mâm”! Từ suy nghĩ phải sống một cách đàng hoàng bằng chính sức lực, trí tuệ của mình Viện đã nhanh chóng tìm được một hướng đi đúng, rồi như có phép màu nhanh chóng biến sự lúng túng sang thích ứng với cung cách làm ăn mới. Với phương thức hoạt động được củng cố chặt chẽ hơn từ chính trong cơ quan Viện, sắp xếp hợp lý nguồn nhân lực, tuyển dụng những kỹ sư thật sự có tài về Viện công tác. Chủ động vào cuộc, đầu tư trọng điểm cho mũi nhọn để đột phá vào những nơi mà mỏ đang cần như thực hiện cơ giới hoá khai thác than hầm lò là biểu hiện rõ nét nhất của tư duy đột phá. Sự đơm hoa kết trái của những công trình khoa học mà đỉnh cao là công nghệ cơ giới hóa đồng bộ khai thác than hầm lò và sàng tuyển huyền phù là động lực lớn lao để họ vươn tới. Có phải những công nghệ ấy những nhà khoa học trước đó chưa nghĩ ra không? Không đâu, từ vài chục năm trước người ta đã nghĩ đến công nghệ đó. Nhưng với cơ chế và điều kiện nhiều công trình chấp nhận hai chữ dở dang. Thật may mắn khi Tập đoàn đã nhìn ra và tạo điều kiện hết mình cho các nhà khoa học thỏa sức cống hiến bằng những cơ chế thật uyển chuyển. Song chung quy lại phải có niềm tin mà niềm tin ấy chỉ có được bằng uy tín, bằng những cống hiến đóng góp nhìn thấy, bằng mô hôi và cả những giọt nước mắt đắng cay. Ai đó cho rằng tiến sỹ, nhà khoa học thì phải ngồi bàn giấy, máy lạnh, chẳng bao giờ chân lấm tay bùn thì người đó nhầm. Các viện sỹ ngành Mỏ vẫn thường xuyên lăn lộn, nhem nhuốc như thợ lò. Không vậy sao hiểu được sản xuất cần gì, cột thủy lực, giàn thủy lực, giàn tự hành làm ra sao? Những vụ sự cố mỏ bao giờ họ cũng là những người đến chỉ sau cấp cứu mỏ. Lăn xả vào sản xuất, cộng đồng trách nhiệm cao bằng những công trình chất lượng hiệu quả, không “chắc lép” trong làm ăn, Viện đã nhanh chóng có được chỗ đứng trong làng mỏ mà dự án liên kết chuyển giao công nghệ Nam Mẫu là minh chứng hết sức hùng hồn. Rồi những mô hình ấy được nhân rộng ra, Viện trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ đủ sức đảm đương được cả những hợp đồng tổng thầu EPC từ công tác nghiên cứu, tư vấn thiết kế, cung ứng vật tư, thiết bị, công nghệ mới, xây dựng, lắp đặt và đào tạo hướng dẫn chuyển giao công nghệ trên nền tảng các sản phẩm KHCN của chính mình.
ĐẾN ƯỚC MƠ VÀ NHỮNG KHÁT VỌNG VƯƠN TỚI…
Có một câu chuyện thật giản dị mà khiến người nghe cảm động, nể phục. Rằng 20 năm về trước có đám kỹ sư trẻ của Viện ham nghiên cứu khoa học, ham học chuyên môn, ngoại ngữ vô cùng. Nhưng khi ấy Viện còn khó khăn lắm, mọi thứ đều phải thắt lưng buộc bụng. Bằng những đồng tiền ít ỏi có được từ một đề tài, cánh kỹ sư đã bàn đi bàn lại rồi quyết định gác lại mọi nhu cầu dồn tất mua một chiếc máy vi tính để tập làm. Máy vi tính thời ấy như một cái gì đó xa xỉ nên mua được nó là cả ước mơ. Từ một ước mơ thành hiện thực ấy họ nhận ra rằng sống trên đời không biết ước mơ thì nghèo nàn lắm. Để rồi họ cùng nhau dệt lên biết bao ước mơ và kiên trì phấn đấu biến ước mơ trở thành hiện thực với những khát vọng vươn tới. Hai trong số những người ấy chính là tiến sỹ Phùng Mạnh Đắc – Phó TGĐ Tập đoàn và tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện KHCN Mỏ hôm nay. Điều này cho thấy không phải cái gì cũng ngẫu nhiên mà có được. Những chuyến công tác nước ngoài làm các nhà khoa học Viện luôn trăn trở đau đáu suy tư, chui vào lò của bạn càng hiện đại bao nhiêu càng thương công nhân mình bấy nhiêu, lại khát vọng nghĩ ngay đến thời cơ đưa công nghệ hiện đại vào trong điều kiện có thể. Trung tâm An toàn mỏ ra đời đúng lúc ngành Than và thợ mỏ mong đợi chính từ sự tâm huyết trách nhiệm của những nhà khoa học mỏ. Thử hỏi nếu cứ thụ động trông chờ cấp trên rót kinh phí biết đến bao giờ mới có một Trung tâm quản lý khí để thợ mỏ yên tâm trong lĩnh vực an toàn khí hầm lò? Còn nhớ hôm đón những tấn than đầu tiên tại lò chợ cơ giới đồng bộ ở Vỉa 6 Than Thùng – Công ty Than Nam Mẫu (khấu than bằng máy combain; vận tải than bằng máng cào, băng tải; vận chuyển người, vật liệu bằng monoray; chống bằng dàn chống Vinaalta do Vinacomin chế tạo) gặp những công nhân trực tiếp làm việc trong lò mừng vui bao nhiêu thì thấy mắt những nhà khoa học rực sáng bấy nhiêu. Nhiều thợ lò tâm sự họ rất cảm động vì sự quan tâm đến điều kiện làm việc của mình. Vì rằng, với hệ thống chống lò này, người lao động có thể vững tâm hơn về chuyện an toàn lao động. Từ đó năng suất lao động tăng lên. Họ mong rằng Vinaalta sẽ sớm có mặt ở tất cả những nơi có điều kiện phù hợp…
Câu chuyện cái máy tính hôm qua giờ đã thành cổ tích, những giá trị của ước mơ và ý chí khát vọng thì vẫn còn nguyên. Hôm nay mua cái máy tiền tỷ phục vụ nghiên cứu khoa học cũng đơn giản rồi. Giờ thì không còn gì băn khoăn về nguồn kinh phí cho nghiên cứu nữa. Viện sẵn sàng chủ động chi ngay khi nó là khả quan, có tính ứng dụng cao. Chẳng vậy mà hàng loạt các đề tài nhiều năm được cất giấu cũng đang lần lượt mở ra áp dụng song với quy mô lớn hơn, hoành tráng hơn, đóng góp đắc lực cho sản xuất. Sướng nhất là xuống mỏ nhìn thấy những thành quả lao động sáng tạo của mình thực sự đem lại hiệu quả, nâng giá trị cho hòn than, anh em mỏ chào đón những nhà khoa học bằng sự niềm nở, yêu quý, trân trọng, nhiều đơn vị sản xuất đã chủ động tìm đến Viện nhờ giúp đỡ, hợp tác. Điều góp phần tạo nên vị thế của Viện hôm nay cũng thể hiện rất rõ nét là sự thành công trong lĩnh vực hợp tác quốc tế của Viện. 40 năm qua nếu chỉ nói hợp tác tốt với các đối tác Trung Quốc, Nhật, Nga… là hợp tác trong nhiều lĩnh vực thì khoảng chục năm trở lại đây Viện đã chủ động hợp tác theo các dự án, những công trình trọng điểm mà đích danh các cán bộ có năng lực được cử đi tiếp nhận, có khả năng điều hành dự án, biết biến nó thành của mình để rồi nhân rộng ra. Vinaalta- Vàng Danh cũng là một minh chứng cụ thể nhất bởi chính ở đó nó thể hiện một tư duy táo bạo, bản lĩnh và ý chí sắt đá của các nhà khoa học trong cuộc hành trình đi tìm hiệu quả cao nhất từ hòn than. Song không phải công trình nào, dự án nào cũng cho một kết quả như mong muốn, thậm chí đôi khi những cố gắng của nhà khoa học còn bị nhìn nhận một cách sai bản chất. Thế mới là cuộc sống, tiến sỹ Tuấn quan niệm như vậy và anh cho rằng Viện luôn trân trọng những lời phản biện, kể cả khi nó còn thiếu khách quan bởi từ ấy mình mới có cơ hội để nhìn nhận lại mình, qua đó trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn. Như đoán được hai câu hỏi tôi sẽ dành cho: Kỷ niệm đáng nhớ và những điều tâm đắc? Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn kết thúc câu chuyện đầy ấn tượng: “Cũng giản dị thôi nhà báo ạ. Năm 1994, khi ấy tôi là một trong số cán bộ của Viện tham gia vào dự án đưa công nghệ giàn dẻo vào một đơn vị, lúc đầu vui lắm, họ tạo mọi điều kiện hợp tác để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả lấy thành tích. Chúng tôi cũng đam mê hết mình. Công đoàn, Thanh niên, phân xưởng… đơn vị ấy đều lấy đó làm công trình thi đua, sôi nổi vô cùng. Đùng một cái, tai nạn sự cố xảy ra, thôi thì tất cả do Viện. Chấp nhận và tìm cách ứng phó, căng thẳng quá, tối hôm ấy anh Đắc, Phó Viện trưởng bảo tôi ra Vịnh Hạ Long thư giãn để suy nghĩ. Nhà báo biết không, đó là lần đầu tiên tôi được ở khách sạn đấy và cũng là lần đầu tiên được ngắm kỳ quan thiên nhiên thế giới…”
Còn điều tâm đắc ư? Dù có khiêm tốn cũng phải tự hào thấy rằng Viện đã thực sự trưởng thành và bứt phá nhất là từ khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. Viện đã luôn đổi mới, đẩy mạnh đưa kết quả nghiên cứu KHCN vào sản xuất kinh doanh, kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu với triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tăng cường tiềm lực khoa học và đào tạo nguồn nhân lực. Nhờ vậy, đến nay, Viện đã ứng dụng các tiến bộ của KH và CN vào hầu hết các lĩnh vực trong khai thác hầm lò; khai thác lộ thiên; sàng tuyển, chế biến than; điện – tự động hóa; an toàn mỏ; điều kiện tự nhiên và môi trường; vật liệu nổ công nghiệp… và đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, nhiên liệu, đưa KHCN vào ngành cơ khí đẩy nhanh chế tạo. Nhưng có lẽ tài sản lớn nhất mà Viện đã có trong tay là một lực lượng hùng hậu những con người có chuyên môn, học vị cao lại thích nghi với cơ chế thị trường do được lăn lộn, rèn rũa. Một bầu không khí đoàn kết dân chủ và hứng khởi luôn bao trùm lên tập thể những nhà khoa học, những ý tưởng mới liên tục được đưa ra. Hiểu biết, tôn trọng nhau, hợp tác và biết vì những điều lớn lao…
Dù đã làm được nhiều việc lớn, nhưng tất cả thành tích đã lùi lại phía sau. Trong câu chuyện với Viện trưởng Tuấn và các nhà khoa học mỏ, chúng tôi thấy trong các anh còn đau đáu bao điều. Đó là những bước đi dài hơi hơn để đón trước đáp ứng yêu cầu đổi mới như vũ bão của khoa học công nghệ bởi họ chính là những con người có trí thức, có tự trọng, biết đồng kham cộng khổ với thợ mỏ, biết hòa một nhịp đập chung của những con tim yêu cuộc sống, khát vọng cống hiến cho đời.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khat-vong-su-but-pha-3086.htm” button=”Theo vinacomin”]