Kiêm nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT TKV gần 2 năm, nhưng có nhiều năm phụ trách Tập đoàn trên cương vị Thứ trưởng Bộ Công Thương. Hiện nay ông Lê Dương Quang đã được nghỉ chế độ nhưng vẫn luôn quan tâm đến sự phát triển của Tập đoàn. Dưới đây là một số chia sẻ của ông về hoạt động của ngành Than – Khoáng sản Việt Nam.
*Xin ông đánh giá một cách khái quát về những đóng góp, vai trò và vị trí của ngành Than đối với nền kinh tế đất nước?
Có thể nói rằng ngành Than là một trong những ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu, có vai trò không thể thay thế được trong sự nghiệp công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH), là một trong 3 trụ cột về năng lượng của đất nước. Nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế – xã hội đang ngày càng tăng, than chắc chắn sẽ trở thành nhân tố chính đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong nhiều năm nữa.
Nói về đóng góp của Ngành cho đất nước thì theo tôi, trước hết phải nói đến việc ngành Than chính là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, là nơi đào tạo, rèn luyện, thử thách, trưởng thành của nhiều thế hệ cán bộ, chuyên gia, nhà quản lý của đất nước nói chung và ngành công nghiệp nói riêng, trong đó không ít đồng chí là cán bộ cao cấp, đã hoặc đang giữ những trọng trách lớn của Đảng và Nhà nước. Ngành Than có quyền tự hào về điều đó. Ngành Than chưa bao giờ để thiếu than cho đất nước, kể cả trong những năm tháng chiến tranh ác liệt hay ở thời kỳ đầu chuyển sang nền kinh tế định hướng thị trường khó khăn. Những năm tới, khi nhu cầu than tăng nhanh, ngành Than lại được giao thêm trọng trách làm đầu mối nhập khẩu than và hiện Ngành đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị để làm tốt nhiệm vụ đó. Ngoài ra, CBCNV LĐ toàn Ngành đều phát huy tốt truyền thống vẻ vang, góp phần trực tiếp tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần to lớn cho đất nước, có những đóng góp lớn lao đối với địa phương, xã hội.
*Trước khi đảm nhận (kiêm nhiệm) Chủ tịch HĐQT TKV, với trách nhiệm Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông đã tham gia quản lý, chỉ đạo hoạt động của TKV; Gần 2 năm trên cương vị “trực tiếp” hơn, ông đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực; cơ chế điều hành cũng như phương hướng phát triển của TKV?
Trước khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch Tập đoàn TKV tôi đã có một thời gian khá dài được phân công theo dõi, chỉ đạo hoạt động của Tập đoàn. Tuy nhiên, công việc của tôi lúc đó được giới hạn trong phạm vi theo đúng chức năng quản lý Nhà nước. Theo đánh giá của tôi, TKV đã và đang phát triển đúng hướng trên con đường trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, tập trung vào các lĩnh vực chính và các ngành nghề trọng tâm, theo đúng Điều lệ đã được Thủ tướng CP phê duyệt.
Đối với nguồn nhân lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân ngành Than về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ giai đoạn đẩy nhanh CNH, HĐH. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý từ Tập đoàn đến đơn vị sản xuất nhìn chung đều được đào tạo bài bản, được thử thách qua thực tế, có trình độ khá đồng đều, thích nghi nhanh với yêu cầu của thời kỳ đổi mới. Đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất hầu hết đều ý thức được trách nhiệm của mình, giữ vững và phát huy truyền thống “Thợ mỏ anh hùng”, làm việc cần cù, gắn bó với nghề nghiệp. Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ thì chất lượng cán bộ, công nhân cần phải tiếp tục được cải thiện, nâng cao như làm chủ công nghệ mới, quản lý đầu tư, kỹ năng quản trị rủi ro, quản trị chi phí, quản trị chất lượng, năng lực độc lập ra quyết định, nhất là khi phải ứng phó với tình huống bất lợi… Lãnh đạo Tập đoàn nhận thức rất rõ chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn đối với sự phát triển của Tập đoàn và đã có kế hoạch, giải pháp cụ thể – cả dài hạn và ngắn hạn, để đáp ứng theo yêu cầu mới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khang-dinh-vi-tri-doanh-nghiep-tru-cot-cua-nen-kinh-te-201611121902487957.htm” button=”Theo vinacomin”]