Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam hiện có 10 phân hiệu, trung tâm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và Thái Nguyên, là một trong những trường đào tạo nghề hàng đầu trong toàn quốc. Nhà trường đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thực hiện nhiệm vụ đào tạo các nghề mỏ hầm lò, đáp ứng cho sản xuất của Tập đoàn TKV và ngày càng khẳng định thương hiệu, uy tín trong lĩnh vực đào tạo nghề mỏ.
Trong mô hình hoạt động mới từ năm 2015, thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn TKV, Nhà trường đã nhanh chóng kiện toàn mô hình, bộ máy tổ chức, tái cơ cấu số lượng và chất lượng lao động; ban hành các quy chế, quy định phù hợp với mô hình mới; phân cấp quản lý cho các phân hiệu, trung tâm. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong công tác tuyển sinh và đào tạo xã hội, tăng cường quản trị chi phí, đảm bảo thu nhập và chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên, CNVC…, Nhà trường đã chú trọng phát huy dân chủ, tinh thần đoàn kết, đồng thuận, đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm với quyền lợi của người lao động là những yếu tố quan trọng để tạo nên những thành công của Nhà trường.
Hoạt động của Nhà trường đã nhanh chóng ổn định và có sự tăng trưởng cao, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2015, đảm bảo đủ việc làm, thu nhập của người lao động tăng hơn so với trước khi sáp nhập 3 trường. Đặc biệt, công tác tuyển sinh đào tạo các nghề mỏ hầm lò (hệ A) đạt mức cao nhất trong 3 năm gần đây và tăng 43,8% so với kết quả tuyển sinh của cả 3 trường thực hiện được trong năm 2014. Kết quả đó bước đầu mang lại thành công, niềm tin cho cán bộ, giáo viên, CNVC về chủ trương tái cơ cấu và sự phát triển của Nhà trường trong mô hình mới.
Năm 2016, trong bối cảnh công tác tuyển sinh đào tạo nghề trong cả nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức cùng với những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ của ngành Than và những yếu tố khác như sức hút của nghề mỏ kém hấp dẫn, người lao động có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp, cạnh tranh trong đào tạo nghề ngày càng cao… đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh, đào tạo của Nhà trường.
Phát huy những kết quả, thành tích của 56 năm xây dựng, phát triển và những thành công trong công tác tái cơ cấu, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Cao đẳng nghề TKV đã nhận định tình hình và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, có những giải pháp quyết liệt, tập trung chỉ đạo, điều hành hoàn thành nhiệm vụ.
Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Nhà trường: “Công tác tuyển sinh đào tạo nghề mỏ hầm lò luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của Nhà trường. Thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập các trường nghề, thành lập Trường Cao đẳng nghề TKV đã tạo được sự thống nhất trong công tác tuyển sinh, đào tạo các nghề mỏ hầm lò trong TKV. Nhà trường đã nhanh chóng kiện toàn, thống nhất hệ thống tuyển sinh tập trung về một đầu mối và có chiến lược rõ ràng. Với mô hình tổ chức công tác tuyển sinh như hiện nay đã phát huy được tính chuyên nghiệp hóa, khai thác tối đa hiệu quả tuyển sinh của các đơn vị, đẩy mạnh công tác tuyển sinh tỉnh ngoài và các doanh nghiệp, góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nhà trường”.
Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tuyển sinh tại địa bàn tỉnh ngoài và với các doanh nghiệp của TKV trong việc tuyển lao động chưa qua đào tạo để đưa đi học nghề mỏ hầm lò. Chú trọng xây dựng thương hiệu thợ mỏ TKV, xây dựng mạng lưới tuyển sinh theo hệ thống mang thương hiệu TKV tại các tỉnh, thành, từ Sở Lao động, TB&XH đến hệ thống các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể của huyện, xã. Chủ động công tác truyền thông đến nhân dân địa phương, nâng cao thương hiệu, uy tín của TKV để tuyển dụng lao động thêm hiệu quả. Có thể khẳng định, thương hiệu thợ mỏ TKV đã và đang được xây dựng tại các địa phương một cách bài bản, có đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, không còn nhỏ lẻ, chồng chéo như trước đây. Các doanh nghiệp đã ngày càng quan tâm đến công tác tuyển sinh, chuẩn bị nguồn nhân lực, cùng phối hợp chỉ đạo, tăng cường thực hiện công tác tuyển sinh đào tạo. Ngay từ đầu năm, Nhà trường đã tổ chức hội nghị tuyển sinh, ký hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp trên cơ sở kế hoạch SXKD được Tập đoàn giao và nhu cầu nhân lực để tuyển sinh, đào tạo các nghề mỏ hầm lò. Một số đơn vị như Công ty XDM Hầm lò 1, Hầm lò 2, Nhà trường đảm nhận tuyển sinh 70%; Công ty than Núi Béo, Nhà trường nhận đảm bảo tỷ lệ tuyển sinh đến 90%. Các đơn vị đã cùng với Nhà trường phối hợp thực hiện đạt hiệu quả công tác tuyển sinh như Than Quang Hanh, Khe Chàm, Thống Nhất, Vàng Danh, Mạo Khê… Mặt khác, Nhà trường thực hiện đào tạo gắn với thực tế sản xuất, nâng cao kỹ năng nghề, đảm bảo chất lượng đào tạo, khi học sinh ra trường đáp ứng được sản xuất.
Kết quả, mặc dù gặp nhiều khó khăn gay gắt trong công tác tuyển sinh, tính đến ngày 20/11 đã tuyển đạt 3.003 HSSV, bằng 82% kế hoạch; tuyển sinh các hệ ngắn hạn và đào tạo lái xe tăng cao so với cùng kỳ; công tác đào tạo bồi dưỡng thợ bậc cao, bồi dưỡng cán bộ chỉ huy sản xuất, sư phạm nghề, huấn luyện ATLĐ… và đánh giá kỹ năng nghề cho các nghề mỏ hầm lò; giám định khối lượng, chất lượng than; điện công nghiệp đạt kết quả tốt; số lượng HSSV toàn trường hiện nay là 12.066 HSSV. Dự kiến năm 2016, tuyển sinh các nghề mỏ hầm lò đạt 3.110 học sinh, trong đó Nhà trường tuyển vượt tỷ lệ chỉ tiêu cam kết với các doanh nghiệp (thực hiện đạt 86% so với chỉ tiêu cam kết là 70%); đảm bảo các chỉ tiêu doanh thu, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, giáo viên, CNVC với mức thu nhập đạt trên 7,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 4,2% so với năm 2015. Nhà trường được Bộ Công Thương tặng Cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt” năm học 2015-2016.
Những thành tích đó là kết quả của sự phấn đấu không ngừng, là công sức của tập thể cán bộ, giáo viên, CNVC Nhà trường, sự năng động, sáng tạo, vượt lên phía trước để xây dựng nên một Nhà trường phát triển bền vững, trở thành trường đào tạo nghề có uy tín của Tập đoàn TKV.
Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Tuấn khẳng định, kế thừa và phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của thợ mỏ, truyền thống 56 năm xây dựng và phát triển của Nhà trường, với quan điểm phát triển hài hòa và bền vững, Nhà trường tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất đào tạo nghề, tạo ra giá trị chất lượng khác biệt hơn hẳn so với các cơ sở khác. Nhà trường cũng sẽ quy hoạch tổng thể về ngành nghề đào tạo, thị trường tuyển sinh…, từng bước nâng tầm hệ thống tuyển sinh kết nối toàn quốc tiến tới khu vực sau năm 2020. Đặc biệt, tổ chức tốt việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia cho 6 nghề gồm 3 nghề mỏ hầm lò, nghề Điện công nghiệp, nghề Giám định khối lượng và chất lượng than (KCS) và nghề Hàn cho người lao động thuộc TKV và các doanh nghiệp trên địa bàn, đáp ứng nguồn nhân lực nghề mỏ hầm lò và các ngành nghề khác cho sự phát triển của TKV, xây dựng Trường Cao đẳng nghề Than – Khoáng sản Việt Nam trở thành địa chỉ đào tạo tin cậy của người học và các doanh nghiệp, từng bước hội nhập và tham gia đào tạo cho thị trường lao động ASEAN với định hướng phát triển thành Viện đào tạo trực thuộc Tập đoàn TKV.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khang-dinh-thuong-hieu-dao-tao-nghe-mo-201701161022213259.htm” button=”Theo vinacomin”]