Khách sạn Alumin nằm trên đường Quang Trung, thị xã Gia Nghĩa – thủ phủ của tỉnh Đăk Nông, đang là khách sạn duy nhất của Vinacomin ở vùng Tây Nguyên.
Khách sạn về với Vinacomin từ tháng 8 năm 2008. Nó nguyên là một khách sạn loại nhỏ, 22 phòng, của tư nhân, Tập đoàn mua lại làm nhà khách, giao cho Công ty CP Alumin Nhân Cơ quản lý. Khách của Tập đoàn vào đó công tác, có chỗ nghỉ chân khá đàng hoàng và yên tâm ăn nghỉ bởi nó là của “nhà”. Từ đầu năm nay, Khách sạn được chuyển giao cho Công ty xây lắp-môi trường – Vinacomin đưa vào kinh doanh. Giá phòng, tùy hạng, từ 200 đến 350 ngàn đồng/ ngày đêm. Giường đôi. Phòng có đủ tiện nghi, điều hòa, quạt tường, ti vi, tắm nóng lạnh. Có dịch vụ giặt là, đặt vé máy bay…
Điều đọng lại trong chúng tôi khi đến nghỉ tại Khách sạn lại là những con người làm việc ở đây.
Khách sạn chỉ có 3 người làm, 1 nam, 2 nữ. Nam, anh Trương Văn Tú, làm bảo vệ, có gia đình riêng ở gần đó. 2 nữ, chị Cao Thị Bình, người Hải Dương và chị Ngô Thị Soa, người Hà Tĩnh, làm các công việc của khách sạn, lễ tân, phục vụ buồng, bàn, giặt là… Các chị thuê luôn phòng tầng trệt ở và làm việc, giá thuê 500 ngàn/ tháng.
Chỉ việc ra, thì rạch ròi như thế. Song thực chất cả ba người đều cùng giúp đỡ nhau trong mọi công việc, nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách.
Bởi, khách đến nghỉ, có thể đặt ăn tại khách sạn. Thị xã Gia Nghĩa không thiếu những quán ăn, nhà hàng, song đi công tác, được ăn một bữa nấu nướng theo kiểu gia đình, vẫn thấy ấm cúng và tươm tất hơn. Vả lại, đến các quán ăn, nhà hàng kia vừa đi lại không tiện, vừa thật tốn kém.
Lúc vào việc làm bữa ăn, cả ba người, người đi chợ, người chuẩn bị bếp núc, sau đó là chế biến rồi cùng nấu nướng. Chị Soa cho biết, chỉ với 3 người, bọn họ đã từng nấu những bữa tiệc đãi tới 70-80 thực khách một lúc. Hôm chúng tôi đến, Ban quản lý dự án Alumin Nhân Cơ có hai đoàn khách của tỉnh Đăk Nông đến làm việc, khá đông, họ đã được mời cơm tại khách sạn, do ba người nấu.
Chúng tôi cũng được ăn một bữa ở khách sạn, một bữa ăn rất đậm chất gia đình . Bữa ăn có thịt gà, cá rán, rau xào, canh rau cải nấu thịt và rượu đựng trong những cái hũ nhỏ của người Đăk Nông, thoảng mùi thơm của men, uống êm và không nặng.
Bữa cơm ấm cúng, thân mật, trò chuyện với nhau nho nhỏ, tưởng như đang dùng bữa cơm ở gia đình mình. Tôi nhớ mãi hình ảnh, anh Bùi Quang Tiến-Giám đốc ban quản lý dự án Alumin Nhân Cơ, khi bắt đầu vào mâm, anh bứt bỏ cọng của những trái ớt chỉ thiên, xanh có, chín có, cho đầy vào bát nước chấm. Thấy tôi chú ý, anh khe khẽ giải thích: Trước không ăn ớt, nhưng từ khi vào Tây Nguyên, tôi sợ sốt rét, phải tập ăn ớt, cay lắm, nhưng cố chịu. Nay đâm quen, có thể nhai được cả quả, mà lại thấy ngon.
Thế đấy! Vùng đất mới còn gian khổ, nghèo khó. Đến đây để mở mang nền công nghiệp cho vùng đất này, những người như anh Tiến hay các anh chị ở Khách sạn Alumin và nhiều người khác nữa đang đứng chân trên vùng đất Tây Nguyên, xa quê hương, xa gia đình. Dù vậy, họ vẫn có những giây phút ấm áp bên nhau, đầy không khí gia đình như chúng tôi từng được chứng kiến và may mắn hưởng thụ ở khách sạn Alumin – nơi tưởng xa mà không xa.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/khach-san-gia-dinh-448.htm” button=”Theo vinacomin”]