Hội thi Thợ giỏi các cấp bắt đầu diễn ra từ tháng 3/2011 trên quy mô lớn, thu hút 3.505 thí sinh trên tổng số 60.000 công nhân có tay nghề bậc cao trong toàn Tập đoàn tham gia. Từ cấp cơ sở, Ban Tổ chức đã chọn lựa được 723 thí sinh đến từ 38 đơn vị, tham dự hội thi thợ giỏi cấp Tập đoàn ở 29 nghề, diễn ra từ tháng 7 đến hết tháng 10/2011. Hội thi năm nay có gì mới và kết quả ra sao?
Năm 2011 là lần thứ 8 Vinacomin tổ chức Hội thi Thợ giỏi nhằm nâng cao trình độ, tay nghề, đồng thời khơi dậy tình yêu lao động cho những người thợ. Nét mới trong khâu tổ chức Hội thi thợ giỏi năm nay là không chọn những người thợ đã đoạt giải lần trước. Hội thi lần này, Tập đoàn đã thí điểm tổ chức thi phần lý thuyết theo phương thức đề thi trắc nghiệm khách quan đối với các nghề thuộc nhóm nghề khai thác hầm lò. ở 7 kỳ thi trước, việc thi lý thuyết hoàn toàn được đánh giá bằng hình thức thi tự luận. Phần thi thực hành và tác phong công nghiệp đã thống nhất được quy định biểu mẫu chung.
Cùng với đó, công tác chấm thi, coi thi được tiến hành nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tập đoàn cũng đã tăng cường, bổ sung những giám khảo có kinh nghiệm như các đồng chí lãnh đạo các Ban, các chuyên gia đầu ngành của Tập đoàn và giáo viên các trường Cao đẳng nghề để thực hiện chấm chéo và giám sát hội thi để đảm bảo tính công tâm.
Năm nay, để động viên các đơn vị tích cực hưởng ứng tham gia phong trào thi chọn thợ giỏi do Tập đoàn phát động, ngay từ đầu năm Vinacomin đã ra Công văn số 1139/TKV – LĐTL hướng dẫn cụ thể về cách thức tổ chức cuộc thi; hội đồng thi; tiêu chuẩn và quyền lợi của thợ giỏi; kinh phí tổ chức hội thi; tiến độ thực hiện; các nhóm nghề và các nghề thi chọn thợ giỏi cấp công ty, cấp Tập đoàn; hướng dẫn biểu chấm điểm thi chọn thợ giỏi; dự kiến số lượng đội tuyển và thợ giỏi đăng ký dự thi. Trên cơ sở đó, tất cả các khối sản xuất như công nghiệp Than, Khoáng sản, Cơ khí…đã phát động thi thợ giỏi rộng khắp các công trường, phân xưởng, nhà máy sàng tuyển… Thi thợ giỏi đã thực sự trở thành ngày hội biểu dương tinh thần đua tài của những người thợ mỏ hướng tới mục tiêu “An toàn, chất lượng, hiệu quả”.
Phần lý thuyết được tổ chức tập trung tại Phân hiệu Hoành Bồ – trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm. Thi thực hành được thực hiện tại khai trường của các đơn vị. Riêng nhóm nghề cơ khí được tiến hành tại hai đơn vị là Công ty Chế tạo máy và trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm; nhóm nghề lái xe chở công nhân đi làm thi tại Công ty CP vật tư Đưa đón thợ mỏ – Vinacomin. Tất cả các điểm thi dù ngoài khai trường hay trong nhà máy đều được chuẩn bị chu đáo, trọng thể với không khí sôi nổi, phấn khởi.
Kết quả, có 604 thí sinh đạt loại giỏi và giỏi xuất sắc, chiếm 83,42% trong tổng số thí sinh tham gia dự thi cấp Tập đoàn, tăng 143,46% so với Hội thi thợ giỏi lần thứ 7 năm 2009. Trong đó, nhóm nghề khai thác hầm lò có 407 thí sinh, nhóm nghề khai thác lộ thiên có 111 thí sinh, nhóm nghề cơ khí có 49 thí sinh, nhóm nghề lái xe chở công nhân đi làm có 13 thí sinh, nhóm nghề chế biến kim loại mầu có 21 thí sinh, 120 thí sinh đạt tối đa 30 điểm. Các đơn vị có thí sinh đạt điểm tối đa cao có thể kể đến là Công ty than Vàng Danh, Dương Huy, Quang Hanh, Hà Lầm…
Đánh giá về kết quả hội thi, Phó Tổng giám đốc Phùng Mạnh Đắc nhấn mạnh, Hội thi đã phần nào phản ánh sự quan tâm và trách nhiệm của lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo các doanh nghiệp với chất lượng nguồn nhân lực nói chung. Đồng thời, phản ánh đúng mức độ chú trọng đầu tư cho công tác “ôn lý thuyết, luyện tay nghề” ở các đơn vị trong Vinacomin. Qua hội thi, chất lượng đội ngũ công nhân, trình độ tay nghề của người thợ được kiểm định thường xuyên. Tính chuyên nghiệp trong tổ chức các hội thi ở từng đơn vị thành viên cũng được nâng lên. Đây là việc làm ý nghĩa, được tập thể CNCB các doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng, từ đó mang lại hiệu quả thiết thực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Từ thắng lợi của Hội thi năm nay, có thể khẳng định, việc ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi là một sân chơi bổ ích của CNCB Ngành Than – Khoáng sản Việt Nam. Đối với người thợ, đây là cơ hội củng cố kiến thức, rèn luyện tay nghề phấn đấu và ghi danh thợ giỏi của Ngành. Với các nhà quản lý, đây còn là dịp kiểm định lại phương thức tổ chức sản xuất, năng suất của các thiết bị mà đơn vị quản lý, đồng thời kịp thời điều chỉnh bổ sung những khiếm khuyết trong điều hành sản xuất, không ngừng nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, cải tiến phương thức và duy trì tổ chức hội thi thợ giỏi, đáp ứng nguyện vọng nâng cao trình độ của công nhân và sự nghiệp phát triển bền vững của Tập đoàn.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hoi-thi-tho-gioi-nam-nay-co-gi-moi-797.htm” button=”Theo vinacomin”]