Trong khuôn khổ hoạt động khoa học thường xuyên hàng năm, tại TP. Đà Nẵng, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đáp ứng nhu cầu than của nền kinh tế – Hiện trạng và giải pháp”. GS.VS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; TS Trần Xuân Hoà, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam và PGS.TS Phùng Mạnh Đắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Trên thực tế, than là nguồn năng lượng không thể tái tạo và có một vai trò quan trọng trong chính sách Năng lượng quốc gia của Việt Nam. Chính vì vậy, phát triển bền vững ngành Than luôn là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Để đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế quốc dân, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Quá trình triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng và thực tế sản xuất, cung ứng than cho các ngành kinh tế trong 1-2 năm trở lại đây đang đặt ra những vấn đề hết sức mấu chốt và căn bản, đòi hỏi sự giải quyết và tháo gỡ khó khăn không chỉ đơn thuần trong phạm vi khuôn khổ của các doanh nghiệp ngành Than mà cần được xem xét thấu đáo ở tầm chính sách vĩ mô của Chính phủ, đó là: thị trường than trong nước có những biến động lớn không chỉ về số lượng, mà cả chủng loại và nhà cung cấp; tình trạng tồn kho than lớn; giá than trong nước cao hơn nhập khẩu; các bất cập về thuế và phí trong lĩnh vực khoáng sản; những vấn đề liên quan đến phát triển nhiệt điện và nhu cầu nhập than từ nước ngoài; vai trò của Nhà nước trong vấn đề phát triển bền vững công nghiệp than với tư cách như là một trụ cột của an ninh năng lượng quốc gia…
Hội thảo khoa học lần này tập trung thảo luận về các vấn đề nóng xoay quanh hòn than. Theo TS. Nguyễn Bình, Uỷ viên Thường trực Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam, đã có gần 100 báo cáo của các nhà khoa học, các nhà quản lý từ các viện nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng… gửi đến tham gia Hội thảo nhằm làm rõ tình hình sản xuất, cung ứng và những bất cập hiện nay trong chính sách phát triển công nghiệp than; đồng thời thống nhất đề xuất các ý kiến và giải pháp để kiến nghị với Nhà nước và các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng than nhằm phát triển ngành Than một cách bền vững.
Tại diễn đàn Hội thảo, nhiều báo cáo tham luận trực tiếp nhận được sự chú ý và đánh giá cao của giới chuyên môn. Điển hình là báo cáo đề dẫn Hội thảo do Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải trình bày với chủ đề “Một số vấn đề về cung cầu than cho nền kinh tế và đề xuất giải pháp thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Than theo Quyết định 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ”; báo cáo tham luận của ThS. Đỗ Hồng Nguyên, Giám đốc Công ty CP Tư vấn, Đầu tư mỏ và Công nghiệp – Vinacomin về “Khái quát Quy hoạch than 403/2016 và cập nhật nhu cầu than cho nền kinh tế đến 2030, những khó khăn và thách thức, đề xuất các giải pháp”; báo cáo tham luận của ThS. Võ Hồng Thái, Viện Dầu khí Việt Nam về “Nhu cầu và thách thức trong việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện đốt than của PVN”; báo cáo tham luận của TS. Nghiêm Gia, Hội KHKT Đúc Việt Nam về “Giải pháp đảm bảo nhu cầu than cho luyện gang lò cao của ngành Thép Việt Nam”; báo cáo tham luận của PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, Hội KH&CN Mỏ Việt Nam về “Tổng quan tình hình trữ lượng, khai thác, tiêu thụ và sử dụng than trên thế giới”; báo cáo tham luận của TS Nguyễn Tiến Chỉnh, Công ty CP Tư vấn Đầu tư mỏ và Công nghiệp về “Thực trạng giá thành, giá bán than và dự báo than trong nước và nhập khẩu về Việt Nam”…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hoi-thao-cua-nhung-van-de-nong-xoay-quanh-hon-than-201709011426212642.htm” button=”Theo vinacomin”]