Hàng năm cứ mỗi dịp Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, những người làm báo, những người đọc báo, và có lẽ tất cả những ai có liên quan đến báo chí, quan tâm đến báo chí Việt Nam đều nhớ đến một con người, một cái tên: Hồ Chí Minh – Người khai sinh nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Người là nhà báo cống hiến cho cách mạng Việt Nam nhiều nhất, là Người thầy của nhiều thế hệ nhà báo Việt Nam… Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn có thể học được nhiều điều từ văn phong độc đáo tỏa ra từ những bài nói
Đọc lại những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh người ta dễ nhận ra sự trong sáng về văn phong, sự giản dị trong cách trình bày và dễ hiểu với người nghe, người đọc. Nhiều quan điểm, nhiều nhiệm vụ cách mạng đã được Người truyền tải đến với mọi người qua những bài báo bằng những ngôn từ quen thuộc – dù đó là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hằng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại – không tỏ ra cao siêu, khó hiểu mà gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.
Thông qua các tác phẩm của Bác đều thấy hiện thực sinh động từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc. Những bài báo của Người đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Tính chân thực đã làm nên sức thuyết phục cao của những bài viết của Người đối với người đọc. Chân thực là yêu cầu đầu tiên Bác Hồ đặt ra không chỉ với các nhà báo mà với tất cả cán bộ, đảng viên khi nói, khi viết. Bác thường nhắc nhở cán bộ: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “không nên nói ẩu”; “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”…
Theo Hồ Chí Minh “ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”. Bác Hồ cũng căn dặn: Cần tuyệt đối tránh viết dài mà sáo rỗng. Đặc tính ngắn gọn, hàm súc trong các bài nói, bài viết của Bác Hồ kế thừa và phát triển phong cách hiền triết phương Đông – ghi ít, nhớ nhiều, ý tại ngôn ngoại. Đây là đặc trưng nổi bật dễ nhận thấy trong cách nói, cách viết Hồ Chí Minh. Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường được viết rất ngắn, chặt chẽ như châm ngôn: Dĩ bất biến ứng vạn biến; Không có gì quý hơn độc lập tự do; Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình… Viết giản dị không phải là đơn giản hóa những điều phức tạp mà do Người đã thâu tóm được những gì tinh hoa, cốt yếu nhất trong tiếng nói của quần chúng để có cách truyền đạt gần gũi và hiệu quả nhất… – “Đó là cái khó nhất ở trên đời. Đó là giới hạn tột cùng của sự từng trải và là nỗ lực cuối cùng của thiên tài”.
Để viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu theo nhà báo Hồ Chí Minh, trước hết phải gần gũi quần chúng, phải học tập nhân dân để có cách nói, cách viết được quần chúng chấp nhận như những gì của chính họ. Sự giản dị, trong sáng trong văn phong của Người bắt nguồn từ sự gần dân, từ sự hiểu biết thấu đáo bản chất của sự vật, sự am hiểu tường tận truyền thống dân tộc trong nếp cảm, nếp nghĩ… Để viết và nói được trong sáng giản dị, dễ hiểu, Bác Hồ cũng chỉ ra rằng phải chống lại bệnh hay nói chữ, bệnh ham dùng chữ nước ngoài. Những tiếng nước ngoài nào đã quen thuộc, đã “hóa thành chữ ta” mà không dùng thì không đúng. Bác nêu ví dụ: ta nói độc lập chứ không nói đứng một; nói du kích chứ không nói đánh chơi;… Còn với bệnh lạm dụng chữ nước ngoài thì dù dùng đúng cũng đã chẳng có lợi nhiều, nếu dùng sai theo kiểu dốt hay nói chữ thì cái hại càng to… Những sai sót kiểu đó đến nay vẫn còn dễ gặp trong nhiều bài, nhiều tin trên các loại hình báo chí: lẫn lộn giữa yếu điểm và điểm yếu, tưởng cứu cánh là một cách cứu giúp (!)…
Những bài báo của Bác Hồ luôn sinh động với bút pháp biến hóa, đa dạng, đanh thép khi tố cáo tội ác của đế quốc thực dân, sôi nổi khi tranh luận, bình dị khi giải thích, thuyết phục… Người hay kết hợp, đan xen đúng lúc những đoạn thơ, câu ca có vần điệu trong những bài báo cách mạng tưởng như khô khan, khó đọc. Văn phong báo chí của Bác Hồ còn toát lên sự lạc quan, hóm hỉnh của một trí tuệ lớn. Văn phong báo chí độc đáo của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh luôn hướng đến nhân dân, phục vụ nhân dân. Những giá trị độc đáo và sâu sắc trong văn phong báo chí và nghệ thuật làm báo, viết báo của Bác Hồ không ngoài mục đích làm cho bài viết sinh động hơn, hấp dẫn hơn, để truyền tải tốt hơn những nội dung cách mạng đến từng cá nhân đối tượng của bài báo. Bằng văn phong báo chí độc đáo của mình, Bác Hồ đã dạy những người làm báo nhiều điều khi viết, khi nói. Nay vẫn còn đó những điều Người căn dặn và một tấm gương tỏa sáng – Hồ Chí Minh.
Văn không chỉ là văn. Văn chính là người. Học nói, học viết cũng là từng bước hoàn thiện trí tuệ và nhân cách của mình… Đọc lời khuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhớ lời khuyên của học giả Lê Quý Đôn về Đi, Đọc, Nghĩ, Viết. Cụ nói: “Trong bụng phải có hàng vạn cuốn sách”, chân phải “đi muôn dặm đường”, mắt “phải có sức sống kỳ lạ của thiên hạ” thì hãy cầm bút.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hoc-van-phong-bao-chi-doc-dao-cua-bac-ho-1962.htm” button=”Theo vinacomin”]