Có người nói “Học thầy không tày học bạn”, hoặc “Học thầy không tầy học bạn”. Cuốn “Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam” của GS. Nguyễn Lân, NXB Văn học, 2003, giải thích, “Học thầy chẳng tày học bạn” nói lên sự cần thiết của bạn bè giúp nhau trong học tập. Như vậy, trong thành ngữ trên, theo GS. Nguyễn Lân là “chẳng tày”
Năm đó, nhân Đại hội CNVC Xí nghiệp L., nhiều ý kiến đề nghị ông Giám đốc cho người xuống Xí nghiệp K. mượn bộ video về phục vụ Đại hội. Ông Giám đốc nổi cáu rằng, cái video to tát gì mà các anh hoắng lên thế! Các anh thích thì xuống mà thuê, đây không thèm mượn! Bị sức ép từ phía công nhân, ông Chánh Văn phòng lóc cóc đạp xe xuống Xí nghiệp K. xin được thuê video. Đến lượt ông Giám đốc Xí nghiệp K. nổi cáu rằng, các anh coi chúng tôi như thế nào mà lại đặt vấn đề thuê? Cái video to tát gì mà các anh thuê! Các anh thích, tôi cho người mang video lên chiếu phục vụ công nhân mà không cần điều kiện gì. Đây không cho mượn! Ông Chánh văn phòng lại lóc cóc đạp xe về báo cáo tình hình với ông Giám đốc. Ông Giám đốc Xí nghiệp L. nổi khùng, tinh tướng, tinh tướng quá! Tôi chỉ thuê, không thèm mượn. Các anh không thuê được thì dẹp, dẹp!
Chuyện nhỏ, nhưng công nhân thừa biết, đằng sau nó là chuyện gì. Họ bình luận, sự hành xử không mấy tốt đẹp giữa 2 ông giám đốc trong vụ này bắt nguồn từ sự bảo thủ, sự tự phụ; họ không tôn trọng nhau; không công nhận nhau. Thấy bạn hơn mình, sợ lép vế, sợ bộc lộ sự kém cỏi v.v.
Chuyện trên khiến chúng tôi nghĩ đến sự “học bạn” hiện nay ở trong Tập đoàn. Thời gian gần đây, một số công ty lớn, nhưng khi thấy đơn vị bạn áp dụng mô hình hay, cách làm mới, mang lại hiệu quả cao, đã cử đoàn cán bộ đến học tập đơn vị bạn. Ví như Tổng Công ty Khoáng sản; Công ty than Hà Lầm học mô hình Văn hóa An toàn của Than Hòn Gai; ví như một số đơn vị trong Tập đoàn đã cử cán bộ học kinh nghiệm quản lý nhà ăn tự chọn ở Công ty than Mông Dương v.v.
Tuy nhiên, sự “học tập đội bạn” như nêu trên không nhiều. Một số ông giám đốc doanh nghiệp có lẽ ưa cử người đi tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, ở những đơn vị ngoài ngành hơn là học tập đơn vị bạn trong Tập đoàn. Dường như, những kinh nghiệm sản xuất, những mô hình quản lí mới ngay cạnh ta, của chính đồng đội ta nhưng vẫn ít người quan tâm. Những năm gần đây, chỉ riêng Tạp chí Vinacomin đã phát hiện và giới thiệu khá nhiều nhân tố mới, mô hình quản lí mới, hiệu quả cao, nhưng ít thấy các đơn vị trong ngành đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Chẳng hạn, ở Than Mông Dương, ngoài cách quản lí nhà ăn tự chọn văn minh, hiện đại còn có cách quản lí lao động, tiền lương, quản lí vật tư v.v. cũng rất đáng để nhiều nơi tham khảo. Than Hòn Gai, vài năm nay nổi lên như “hiện tượng” trong đó nhờ áp dụng rất nhiều mô hình quản lí mới như: Mô hình Tổ sản xuất 5 tốt; Mô hình sản xuất 3 ca 4 tổ v.v. nhưng cũng ít đơn vị đến tìm hiểu. Cách tổ chức sản xuất, 4 kíp; tổ chức đội lò nhanh của Hầm lò 2 cũng đáng để nhiều nơi quan quan tâm. Nhiều đơn vị khác như Than Cao Sơn, Than Cọc Sáu, Than Vàng Danh v.v. cũng có nhiều cách làm hay trong các lĩnh vực quản lí.
Có thể, những mô hình quản lí mới ấy, bên cạnh những mặt tích cực còn bộc lộ những hạn chế, cần hoàn thiện; hoặc áp dụng hiệu quả ở nơi này nhưng khó áp dụng ở đơn vị khác. Bởi vậy, các đơn vị trong Tập đoàn cần đến với nhau để tìm hiểu, trao đổi, tham góp ý kiến cho nhau với mục đích hoàn thiện, nhân rộng mô hình. Cách làm này không những tiện lợi, đỡ tốn kém mà còn là dịp để chia sẻ, cảm thông cho nhau, thắt chặt tình đoàn kết giữa các đơn vị trong ngành. Các cụ dạy “học thầy chẳng tày học bạn” là thế.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hoc-thay-chang-tay-hoc-ban-2017.htm” button=”Theo vinacomin”]