Trong thời buổi công nghệ, chỉ cần một cái click chuột, hay một cái chạm nhẹ trên smartphone là con người có thể cập nhật đầy đủ mọi thông tin chi tiết mình quan tâm một cách hết sức dễ dàng, nhanh chóng. Những tưởng việc đọc sách ngày nay không còn được coi trọng, là nhu cầu cần thiết như trước kia nữa…
Thế nhưng bước chân vào không gian sách cũ Hà Nội, tôi lại thấy một điều khác hẳn. Ngay từ sáng khi chợ mới bắt đầu mở cửa, rất đông người từ các cụ ông, cụ bà, những người trung niên đến các bạn thanh niên, sinh viên học sinh háo hức lật tìm những tác phẩm mà mình yêu thích. Những tác phẩm mà có lẽ không chỉ chứa đựng những câu chuyện hay, những kiến thức cần thiết. Những người đang mải mê bới tìm trong những đống sách xưa cũ kia như đang kiếm tìm những kỷ niệm, kiếm tìm về cái thời kí ức xa xưa, cái thời mà cuộc sống của họ gắn liền với những giai đoạn thăng trầm của Hà Nội, của đất nước qua các tác phẩm văn học. Phải rồi! Cái thời mà cả Hà Nội như lên cơn sốt khi có một tác phẩm mới xuất bản. Người ta truyền tai nhau chỗ này đang bán chỗ kia lại đang cho thuê mượn. Người người nhờ nhau mua hộ, mượn hộ rồi thì “cậu đọc nhanh nhanh xong rồi cho tớ mượn nhé”. Để rồi hôm nay, trong khu chợ sách cũ, khi tìm lại được những quyển sách yêu thích ngày xưa thì họ cực kỳ vui sướng, nếu đi cùng bè bạn thì quay sang chia sẻ ngay lập tức. Và thường câu chuyện là về những kỷ niệm xưa, về cuộc sống của người Hà Nội. Thế hệ những người 4X, 5X chắc chẳng thể nào quên được những tác phẩm văn học lừng danh thời đó. Những tác phẩm mà mỗi khi ai đó gợi lại, làm ta nhớ về cái thời mà cả nước sục sôi trong cuộc chiến thống nhất đất nước. Cái thời mà thanh niên Hà Nội rời bỏ ghế nhà trường nô nức lên đường nhập ngũ, vinh quang lắm, hào hùng lắm và trong hành trang ra trận của các chàng trai cô gái Hà Nội thời đó không thể thiếu những tác phẩm văn học như: “Cuốn theo chiều gió, Thép đã tôi thế đấy, Bông hồng vàng của Pautopsky, hay những vần thơ của Efgheni, của Puskin…”. Ngày đó, tôi, thế hệ 6X vẫn còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Thế nhưng cũng không thể nào quên những tháng ngày gian khổ đó, và những tác phẩm văn học như: Mẫn và tôi, Nắng đồng bằng, Dấu chân người lính hoặc như cuốn Chiến sĩ…Tôi chẳng phải là nhà văn, nhà thơ, nhưng với tôi, những tác phẩm văn học đó có sức hút lạ kỳ. Dường như nó tác động rất mạnh vào những suy nghĩ, vào cách nhìn nhận, thậm chí như là định hướng về cuộc sống của mỗi con người, nhất là thế hệ thanh niên học sinh thời bấy giờ. Văn học, nói rộng ra là sách báo thời nào cũng vậy. Nó luôn mang trong mình sứ mạng của lịch sử. Vì vậy, nó phản ánh rất trung thực thực trạng của cuộc sống xã hội và mang cả hơi thở của thời đại.
Ngày nay khi mà người người rảnh ra chút nào là lại cắm cúi vùi đầu vào lướt mạng bằng những chiếc smartphone hiện đại. Họ tìm riêng cho mình cách giải trí tân thời. Với tôi, thú vui đọc sách báo, đặc biệt là tìm đọc những tác phẩm văn học vẫn là niềm đam mê thích thú bất tận. Thật thư thái và hạnh phúc biết bao sau mỗi ngày lao động mệt nhọc, khi mà ta đã hoàn thành mọi trách nhiệm trong ngày, được vùi mình vào những trang sách được lãng đãng du dương trong thanh âm của một bản tình ca bên ly cà phê đặc sánh. Đời còn gì hơn thế…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hoai-niem-sach-cu-201704011547430298.htm” button=”Theo vinacomin”]