Họ là những người có số phận thật trớ trêu, định mệnh nghiệt ngã đã khiến cuộc đời họ bước vào những ngã rẽ bước ngoặt. Nhưng đáng trân trọng biết bao khi những người thợ mỏ ấy đã không chịu khuất phục, vẫn vươn lên bằng nghị lực của bản thân như hình ảnh những bông hoa tươi thắm dù trong đá sỏi khắc nghiệt.
Len lỏi vào một con ngõ nhỏ gần Quảng trường 12 – 11 (Cẩm Phả), chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Thắng, thợ lò Công ty Than Quang Hanh. Có lẽ bất cứ ai khi nhìn vào nơi ăn chốn ở của anh cũng động lòng thương cảm. Cả hai vợ chồng, hai đứa con chen chúc trong căn nhà chưa đầy 9 m2, lụp xụp và đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước đây anh là thợ lò Phân xưởng Khai thác 6, làm được 6 năm thì không may bị tai nạn rủi ro, sức khỏe giảm sút khá nhiều, xương tay trái yếu, không cầm mang được đồ nặng. Để tạo điều kiện cho anh Thắng, Lãnh đạo Công ty đã bố trí anh chuyển sang làm việc tại Phân xưởng vận tải lò 2. Gia cảnh nhà anh thực sự khó khăn vì con cái đang tuổi ăn, tuổi học, vợ lại không có việc làm, tất cả chỉ trông vào đồng lương của anh ở đơn vị, đấy là chưa kể, hàng tháng anh còn phải gửi tiền về nuôi bố mẹ già và anh trai trí tuệ không minh mẫn ở quê. Vất vả là vậy nhưng chưa khi nào anh có ý định bỏ cuộc. Được sự động viên, tạo điều kiện của anh chị em trong Công ty, anh đã khắc phục mọi khó khăn, đi làm đều, chăm chỉ để có tiền trang trải cuộc sống. Nói về anh Thắng, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty chia sẻ, hoàn cảnh vậy nhưng Thắng luôn là công nhân có ngày công cao, tiêu biểu của phân xưởng, trong công việc rất chịu khó. Công ty đang đề nghị Công đoàn TKV hỗ trợ xây nhà cho Thắng từ Quỹ mái ấm công đoàn.
Hành trình ngược lên Bát Xát, Lào Cai – nơi có Mỏ tuyển đồng Sin Quyền (Tổng Công ty Khoáng sản – Vinacomin) đứng chân, chúng tôi cũng được gặp những gia cảnh như thế. Chị Giáp Thị Long là cấp dưỡng bếp ăn của Công ty. Những tưởng chị sẽ có một gia đình hạnh phúc khi hai vợ chồng đều có công việc ổn định ở Mỏ tuyển, đứa con trai đáng yêu, ngoan ngoãn. Nhưng thật không may, do một tai nạn rủi ro, chồng chị đã ra đi mãi mãi. Thế là mọi cực nhọc của cuộc sống đè nặng lên vai người phụ nữ có dáng hình bé nhỏ ấy. Chị vừa phải làm mẹ, làm bố để lo cho con, anh em họ hàng đều ở xa, hoàn cảnh cũng không dư giả hơn nên không giúp đỡ được gì nhiều. Hai mẹ con ở trong khu tập thể của Công ty, với đồng lương chưa đầy 3 triệu một tháng, chị phải chi tiêu tằn tiện mới đủ tiền trang trải. May mắn cho chị, con trai là nguồn động viên lớn nhất rất biết thương mẹ và học giỏi. Anh chị em đồng nghiệp cũng luôn quan tâm những khi ốm đau hay khi mưa bão, nhà dột, mọi người lại xúm vào giúp đỡ. Làm cấp dưỡng – “nghề làm dâu trăm họ” nên có những phức tạp riêng. Nhưng không vì vậy mà chị nản lòng, chị vẫn hoàn thành tốt công việc, cần mẫn, học hỏi để có những món ăn ngon, thái độ phục vụ tốt, chăm sóc mọi người như những người thân trong gia đình mình.
ở Mỏ Tuyển, ai cũng biết anh Phạm Văn Dương làm ở phòng bảo vệ quân sự bởi anh là cá nhân tiêu biểu, làm việc rất có trách nhiệm. Anh cũng chính là người luôn mạnh dạn, thẳng thắn đấu tranh với mọi tiêu cực, góp phần xây dựng Công ty. Chỉ khi đến thăm, chúng tôi mới biết hoàn cảnh gia đình anh cũng thật thương cảm. Đứa con trai thứ hai của anh từ bé đã bị bệnh chậm phát triển trí tuệ, vợ chồng anh đã gom góp hết tiền đi chạy chữa ở nhiều nơi vẫn không có kết quả. Sinh năm 2006 nhưng đến nay cháu vẫn chưa biết nói, mọi sinh hoạt đều phải mẹ hỗ trợ. Hàng tháng riêng tiền thuốc cho cháu đã mất vài triệu, chưa kể hai tháng một lần, hai vợ chồng anh lại phải xin nghỉ việc đưa cháu xuống Hà Nội để chạy chữa.
Đây chỉ là ba trong số rất nhiều những hoàn cảnh gia đình thợ mỏ thương tâm. Với tinh thần “kỷ luật – đồng tâm” của những người thợ mỏ, nhiều năm nay, Vinacomin đã luôn quan tâm, chia sẻ, động viên với những đối tượng này. Đặc biệt, với quỹ “Mái ấm công đoàn” đã giúp ước mơ của nhiều công nhân nghèo thành hiện thực. Và sẽ còn mong lắm những tấm lòng nhân ái, những trái tim nhân hậu biết sẻ chia….
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hoa-trong-da-2654.htm” button=”Theo vinacomin”]