Ở vùng Mỏ bất khuất kiên cường, nơi những gia đình thợ mỏ nhiều thế hệ thay nhau nâng giữ “vàng đen”, truyền thống gia đình đã được nâng lên thành truyền thống của cả một giai cấp, cả một quê hương…
Những gia đình thợ mỏ
Tìm đến địa chỉ một gia đình thợ mỏ đã trải qua ba thế hệ, phóng viên được lắng nghe câu chuyện về công cuộc kiến thiết vùng Mỏ thời kỳ đầu và sự tiếp nối truyền thống cha ông của những người con trưởng thành nơi “Những Cọc, Hòn vùng lên thành ban mai”.
Ông Trần Văn Giáo (sinh năm 1940), quê xã Phúc Phú, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam là một trong những thợ mỏ thuộc thế hệ đầu tiên khai phá vùng mỏ Cẩm Phả. Năm 1964, khi mới 24 tuổi, cũng như bao thanh niên trẻ tuổi thời kỳ ấy, ông sớm thoát ly khỏi gia đình thuần nông để tập kết ra vùng mỏ Thống Nhất (thuộc Công ty than Thống Nhất ngày nay). Tại đây ông được dạy nghề tại Trường Công nhân Kỹ thuật Than Thống Nhất trong thời gian 6 tháng, sau khi ra trường ông đã đạt 85% bậc thợ 4 và trở thành công nhân chính thức của Mỏ than Thống Nhất. Hai năm sau, xí nghiệp cử ông đi tu nghiệp trong khóa đào tạo phục hồi giếng mỏ ở Liên Xô với thời hạn 18 tháng, quy mô đào tạo chú trọng các lĩnh vực khai thác, cơ điện, lái máy… Kết thúc khóa học, trở về nước, ông được cử về Mỏ than Mông Dương. Lúc bấy giờ khai trường này vẫn là mỏ than ngập nước, công cuộc sản xuất tiến hành song song với bối cảnh chiến tranh những năm 1969 – 1972. Đến năm 1973 đình chiến, Mỏ than Mông Dương bắt đầu xây dựng giếng phụ. Thời điểm đó, Mỏ có khoảng hơn 200 thợ mỏ, bao gồm những người tham gia khóa đào tạo nghề ở Liên Xô và công nhân được điều chuyển từ Công ty Gang Thép Thái Nguyên. Mỏ tập trung lực lượng tham gia tất cả các công việc từ khai hoang, phát rừng, xây dựng các công trình cơ sở, thăm dò địa chất, địa mạo…
Ông say sưa hồi tưởng lại những câu chuyện của một thời đã qua, không quên nhắc đến vụ tai nạn lao động nghiêm trọng của Mỏ năm 1971 với thiệt hại lớn về nhân lực.
Câu chuyện của ông có lúc tươi vui như tái hiện lại không khí sôi nổi khẩn trương của thời kỳ phục hồi và xây dựng kinh tế miền Bắc nhưng cũng có những nốt trầm lặng khi nhắc về hoàn cảnh và người thân. Ông chia sẻ: “Ngày ấy nhiều khó khăn lắm, vợ tôi mắc chứng tâm thần, con cái còn nhỏ, mọi sinh hoạt đều là trở ngại. Tôi đã dự định bỏ việc để về quê chăm lo cho vợ con nhưng ngày ấy thiếu công nhân, thợ lò bậc cao không được duyệt cho về. Tôi nhớ lúc ấy có làm đơn đề xuất lên Bí thư Đảng Ủy là đồng chí Vũ Văn Hiệp, nhưng quy định khó thay đổi, điều kiện lúc đó buộc tôi phải chuyển cả gia đình ra Quảng Ninh”.
Thời kỳ đầu thành lập Mỏ, cùng với bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu lương thực vẫn là vấn đề nan giải. Ông Giáo đã từng trải qua những ngày tháng sáng đi làm, chiều đạp xe từ Mông Dương lên Hòn Gai để lĩnh lương thực bao cấp, dẫu nhiều khó khăn nhưng cũng là những ngày được sống trong niềm vui lao động, góp sức kiến thiết vùng Mỏ, xây dựng đất nước.
Sau năm 1968, công cuộc xây dựng cơ sở sản xuất bước đầu hoàn thiện, mỏ đề xuất cắt giảm nhân lực, ông Giáo về nghỉ chế độ sau 32 năm lao động cống hiến, hưởng 78% lương. Điều đặc biệt ở người thợ mỏ thời kỳ đầu này là quá trình công tác của ông luôn có sự phấn đấu và nỗ lực không ngừng. Ông từng được bổ nhiệm làm cán bộ, Phó Quản Đốc Công trường Đào lò 2 (cũ) và đạt bậc thợ cao nhất 6/6. Ông cũng từng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua năm 1982 và Huy chương Vì sự nghiệp phát triển Công nghiệp Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống, các thế hệ sau trong gia đình ông cũng gắn bó với vùng Mỏ. Con gái lớn của ông chị Trần Thị Kíp (sinh năm 1965) đã từng phục vụ cấp dưỡng ở Công trường Đào lò 1 (TMD) và đã nghỉ hưu. Con trai cả là Trần Quốc Nguyện (sinh năm 1969) và con trai thứ Trần Trọng Điển (1971) đều theo học tại Trường Cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm (CĐNMHC) và về làm việc tại Mỏ than Mông Dương từ những năm 2000 và gắn bó đến thời điểm hiện tại. Đến thế hệ thứ ba, cháu gái ông là Hà Thị Mỹ Xuân (sinh năm 1987, con gái chị Kíp) cũng đang làm việc tại Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò – Vinacomin từ năm 2011.
Khi phóng viên đặt câu hỏi cho ông Giáo về những định hướng nghề nghiệp với con cháu, ông cười: “Việc chọn nghề thì tôi cũng không tạo áp lực cho con cháu, tuy nhiên hoàn cảnh, điều kiện khu vực này như thế, theo nghề mỏ sẽ có nhiều cơ hội, rất phấn khởi là con tôi cháu tôi cũng hợp nghề này và xác định gắn bó lâu dài”.
Năm 1966, cùng tham gia khóa học nghề ở Liên Xô cùng ông Giáo còn có rất nhiều thợ mỏ vùng than ưu tú khác. Trong đó có ông Đào Quang Ký (sinh năm 1938) đồng hương Lý Nhân, Hà Nam. Ông tham gia khóa học hai năm sau ngày trở thành công nhân chính thức của Xí nghiệp Xây lắp mỏ than Mông Dương. Học tập xong, trở về nước, ông Ký làm việc ở ban kiến thiết mỏ, tham gia khôi phục công trình giếng lò thời Pháp, bao gồm: đào sâu thêm 32m xuống giếng chính, ngăn định lượng, xây dựng sân ga, trạm bơm, sau đó tiến hành đào giếng phụ. Đến năm 1982, công cuộc xây dựng hoàn thành, sau khi bàn giao cơ sở vật chất cho bên sản xuất, ông Ký về nghỉ hưu với bậc thợ 5/6, hưởng 100% lương.
Là một gia đình thợ mỏ nhiều thế hệ điển hình, các thành viên lớp sau trong gia đình ông Ký cũng theo nghề mỏ. Anh Đào Quang Kỷ (sinh năm 1966), con trai thứ của ông tốt nghiệp trường CĐNMHC và về làm việc tại Công ty than Mông Dương ở Phân xưởng Thông gió Thoát nước, thợ bậc 5/7. Con trai anh Kỷ, cháu Đào Quang Hải (sinh năm 1996) cũng đang theo học nghề mỏ tại trường ĐH Mỏ – Địa chất để nối nghiệp cha ông.
Vững vàng như thợ mỏ ngành Than!
Bản thân những người thợ như ông Giáo, ông Ký là những thợ mỏ bậc cao, không chỉ phát huy kỹ năng trong quá trình công tác mà ở họ còn chất chứa tinh thần thợ mỏ bất khuất cùng những phẩm chất biểu hiện đáng quý. Sau khi về nghỉ chế độ những năm 80, ông Giáo tham gia công tác chính trị ở địa phương, ông giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường và tham gia Ban Thanh tra Đảng Ủy tại địa phương. Người bạn của ông, ông Ký cũng có thời gian tham gia công tác dân vận tại khu phố.
Có thể nhận thấy rằng, những người thợ mỏ vùng than, dù còn tham gia sản xuất hay đã nghỉ chế độ, trong họ vẫn sáng mãi những phẩm chất chính trực, đề cao tính kỷ luật, khao khát cống hiến, đóng góp sức mình dù ở cương vị nhỏ nhất cho sự tiến bộ, văn minh của quê hương. Tinh thần và phẩm chất người thợ mỏ không chỉ sáng lên trong đường lò, tổ máy mà nó còn được người thợ mang theo về chính cuộc sống thường nhật. Như người lính can trường sau xuất ngũ, phẩm chất thép vẫn còn đó không phai.
Giá trị tương lai bắt nguồn từ truyền thống
Ở vùng mỏ Quảng Ninh, những gia đình thợ mỏ nhiều thế hệ như gia đình ông Giáo, ông Ký có thể xem như những vườn ươm “hoa đất” cống hiến và làm giàu đẹp cho quê hương bằng sự lao động miệt mài không quản ngại gian khổ. Những người thợ thế hệ đầu tiên ấy khai phá vùng mỏ, truyền lửa cho con cháu tiếp nối truyền thống cha ông, kế nghiệp xây dựng và phát triển vùng Mỏ giàu mạnh hơn nữa.
Gia đình thợ mỏ nhiều thế hệ là một minh chứng rõ ràng cho ý thức phát huy truyền thống và làm tròn trách nhiệm cá nhân đối với nhiệm vụ phát triển tiềm năng quê hương. Giá trị ngày mai luôn là sự nối dài những tiền đề ngày hôm nay. Trân trọng và gìn giữ truyền thống là điều kiện cần thiết cho sự tiến bước quyết đoán, hiệu quả và gặt hái thành công. Xin được mượn hai câu thơ của tác giả Trần Nhuận Minh làm cái kết cho bài viết này: “Không có Than suốt đời tôi sẽ thiếu/ Một cái gì có thể tạo thành tôi”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hoa-dat-tren-vung-mo-201608031429311012.htm” button=”Theo vinacomin”]