Ngày 20/12/1965, với sự kiện thành lập Kho III (trực thuộc Cục Vật tư – Bộ Công nghiệp nặng) – đơn vị tiền thân của Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ – Vinacomin ngày nay, đánh dấu mốc son ra đời của ngành Hóa chất mỏ.
Ngày 1/4/1995, căn cứ vào ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 44/ TB ngày 29/3/1995, Công ty Hóa chất mỏ được thành lập theo Quyết định số 204/NL-TCCB – LĐ của Bộ trưởng Bộ Năng lượng, chính thức tách khỏi Công ty Coalimex và trở thành đơn vị trực thuộc Tổng Côn
Thời kỳ mới thành lập, Kho III có chức năng chủ yếu là tiếp nhận VLNCN từ các nước XHCN để cung ứng cho các ngành kinh tế trong nước. Hệ thống kho chứa VLNCN ban đầu được đặt tại Hữu Lũng, Lạng Sơn. Tổng sức chứa của Kho III vào cuối năm 1965 là 2.400 tấn.
Năm 1969, Bộ Công nghiệp nặng quyết định thành lập Tổng Kho III, trên cơ sở sáp nhập Kho III và đoàn xe III gồm 20 xe vận tải của Cục Vật tư. Tổng Kho III trực thuộc Công ty Vật tư – Bộ Điện và Than (được tách ra từ Bộ Công nghiệp nặng cuối năm 1969). Ngày 29/12/1981, Công ty Vật tư được đổi tên thành Công ty Xuất Nhập khẩu Than và cung ứng Vật tư (Coalimex).
Năm 1975, Bộ trưởng Bộ Điện và Than ban hành Quyết định số 49/ĐT-QLKT ngày 7/1/1975, nâng cấp Tổng Kho III thành Xí nghiệp Hóa chất mỏ thuộc Công ty Vật tư – Bộ Điện và Than. Xí nghiệp được bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, phối chế VLNCN.
Trong giai đoạn từ 1975 đến năm trước 1/4/1995, các cơ sở sản xuất kinh doanh, kho chứa của Xí nghiệp được mở rộng và có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước:
Về hệ thống kho, bao gồm các kho: Kho Cái Đá, Kho Ba mỏ, Kho Đông Triều (Quảng Ninh); Kho Đồng Giao (Ninh Bình); Kho Hòa Vang (Quảng Nam); Kho Bà Rịa – Vũng Tàu…
Về hệ thống cảng nội địa xếp dỡ VLNCN, bao gồm: Khu vực cảng Mông Dương, Cảng Cái Đá, Cảng Bạch Thái Bưởi, đồng thời tham gia quy hoạch 4 cảng: Điền Công, Ninh Phúc II, Tiên Sa, Gò Dầu.
Về hệ thống phương tiện vận tải: Xí nghiệp đã đầu tư đoàn xe chuyên chở VLNCN với số lượng gần 100 xe, trong đó có nhiều xe mua mới.
Về hoạt động nghiên cứu, sản xuất thuốc nổ công nghiệp: Xí nghiệp đã nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc nổ ANFO năm 1980; Thuốc nổ Zecno (79/21) năm 1991; Thuốc nổ an toàn AH1 năm 1993.
Từ năm 1965 đến đầu những năm 1995, chỉ trong một thời gian ngắn Xí nghiệp Hóa chất mỏ vừa phải di chuyển một cơ sở vật chất lớn, vừa phải đáp ứng VLNCN cho sản xuất, trong hoàn cảnh quá thiếu thốn về cơ sở vật chất. Nhưng cũng chính khó khăn này đã tạo đà cho Hóa chất mỏ mở rộng được hệ thống kho, kéo các kho chứa về vùng công nghiệp than và các vùng công nghiệp trong cả nước có nhu cầu sử dụng VLNCN.
Từ Xí nghiệp trở thành Công ty Hoá chất mỏ (1/4/1995); Tổng Công ty Công nghiệp Hoá chất mỏ – Vinacomin (01/01/2011)
Ngày 01/4/1995, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã ban hành Quyết định số 204-NL/TCCB-LĐ thành lập Công ty Hóa chất mỏ trực thuộc Tổng Công ty Than Việt Nam. Hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, cung ứng VLNCN được tách khỏi chức năng nhiệm vụ của Coalimex để giao cho Công ty Hóa chất mỏ.
Nhiệm vụ của Công ty Hóa chất mỏ được mở rộng, bao gồm: Sản xuất, phối chế, thử nghiệm VLNCN; Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, hóa chất để sản xuất kinh doanh VLNCN; Bảo quản, cung ứng, dự trữ quốc gia về VLNCN; Sản xuất dây nổ mìn, dây điện dân dụng, giấy và bao bì VLN, may hàng bảo hộ lao động, hàng may mặc xuất khẩu; Sản xuất VLXD, than sinh hoạt; Vận tải đường bộ, đường thủy; Dịch vụ khoan nổ mìn; Dịch vụ vận chuyển VLNCN quá cảnh.
Công ty đã thiết kế logo với thương hiệu MICCO của mình, đăng ký bảo hộ với Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ. Thương hiệu này của Công ty cũng đã được đăng ký bảo hộ tại Lào và Campuchia.
Với yêu cầu đặt ra là không được để một ngày ngành Than và các nhu cầu sử dụng trong nước thiếu thuốc nổ, Công ty đã tìm mọi biện pháp, tập trung nghiên cứu để tự sản xuất thuốc nổ trong nước. Đến hết năm 1997, Công ty đã nghiên cứu thành công và tổ chức sản xuất được thuốc nổ ANFO chịu nước, thay thế được thuốc nổ nhũ tương rời của ICI, đồng thời phối hợp với các nhà máy quốc phòng đảm bảo đủ thuốc nổ cho ngành Than và các ngành sản xuất khác.
Tổng Công ty Công nghiệp Hoá chất mỏ – Vinacomin (Từ 01/01/2011 đến nay)
Giai đoạn này đánh dấu bước phát triển vượt bậc của MICCO trong hoạt động sản xuất thuốc nổ. Các dây chuyền sản xuất hoạt động ổn định, phát huy được công suất. Tổng công ty đã đầu tư mới các dây chuyền sản xuất: Dây chuyền sản xuất chất nhũ tương nền để sản xuất thuốc nổ nhũ tương rời, Dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương hầm lò; Nhà máy amoni nitrat, công suất 200.000 tấn/năm tại tỉnh Thái Bình, …
Song song với đầu tư dây chuyền sản xuất chất nhũ tương nền, MICCO đã đầu tư xe chuyên dụng để trộn nạp thuốc nổ nhũ tương rời, thực hiện cơ giới hóa nạp mìn tại các mỏ lộ thiên.
Về dịch vụ nổ mìn: Hiện nay, MICCO đang áp dụng các hình thức dịch vụ nổ mìn, bao gồm: Dịch vụ nổ mìn trọn gói, nghiệm thu theo m3 đất đá nổ mìn và nghiệm thu theo khối lượng thuốc nổ sử dụng; Dịch vụ khoan nổ mìn trọn gói; Dịch vụ nổ mìn tính theo công dịch vụ.
Ngoài ra, MICCO còn thực hiện một số hình thức dịch vụ khác liên quan đến công tác khoan nổ mìn như: Dịch vụ khoan thuê; Dịch vụ tư vấn, đo giám sát các ảnh hưởng nổ mìn; Dịch vụ nổ mìn kỹ thuật cao (đào hầm, đào giếng điều áp trong thủy điện, phá dỡ công trình, nổ mìn nghệ thuật phục vụ lễ khởi công..v.v…).
Để bổ trợ cho hoạt động kinh doanh VLNCN, MICCO đang đẩy mạnh triển khai các dịch vụ tư vấn, giám sát nổ mìn và huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực VLNCN.
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh: Đầu tư chất xám và công nghệ, là những nhiệm vụ quan trọng của MICCO trong hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đến nay, MICCO đã có hai phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS đặt tại Trung tâm Vật liệu nổ Công nghiệp (Uông Bí – Quảng Ninh) và Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật và công nghệ – MICCO Nam Bộ (Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu).
Năm mươi năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt trong hai mươi năm kể thời điểm Xí nghiệp Hóa chất mỏ được tách từ Coalimex trở thành đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Than Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan quản lư Nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, sự hợp tác, chia sẻ của các đối tác, bạn hàng, MICCO đã có những bước phát triển vượt bậc trong hầu hết các lĩnh vực, bao gồm phát triển sản xuất, dịch vụ nổ mìn, bảo quản, tiêu hủy, dự trữ quốc gia và xuất nhập khẩu VLNCN, … Trong bối cảnh chung của thế giới, MICCO đã và đang có những chiến lược phát triển bền vững, góp phần đưa ngành VLNCN Việt Nam vững vàng trong tiến trình hội nhập, đồng thời vẫn giữ được bản sắc và vị thế của mình.
Kho III ngày ấy giờ đã trở thành một Tổng công ty lớn mạnh, đứng chân tại hầu hết các địa bàn tiêu thụ VLNCN trọng điểm trong cả nước, hoạt động VLNCN với một vòng khép kín từ sản xuất tiền chất thuốc nổ đến các dịch vụ sau cung ứng, ngày càng khẳng định vị thế và uy tín của mình trong hoạt động VLNCN, cùng chung tay góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành Than.
Một số Danh hiệu cao quý cho Tổng Công ty:
* Huân chương Độc lập Hạng Nhất (năm 2015)
* Huân chương Độc lập Hạng Nhất (năm 2010)
* Huân chương Độc lập Hạng Nhì (năm 2004)
* Huân chương Độc lập Hạng Ba (năm 1996)
* Huân chương Chiến công Hạng Ba (năm 1991)
* Huân chương Lao động Hạng Nhất (năm 1987)
* Huân chương Lao động Hạng Nhì (năm 1985)
* Huân chương Lao động Hạng Ba (năm 1968)
* Danh hiệu đơn vị anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2000)
Một số danh hiệu cao quý cho tổ chức Công đoàn:
* Huân chương Lao động Hạng Nhì (năm 2010)
* Huân chương Lao động Hạng Ba (năm 2005)
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hoa-chat-mo-50-nam-xay-dung-va-truong-thanh-9759.htm” button=”Theo vinacomin”]