Thực hiện chủ trương của Tập đoàn TKV về đẩy mạnh ứng dụng tin học hóa, tự động hóa trong sản xuất kinh doanh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030, Công ty CP Công nghiệp Ôtô – Vinacomin (VMIC) đã có các giải pháp tích cực, tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, tăng cường tự động hóa trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.
Tự động hóa dây chuyền sản xuất
Là đơn vị sản xuất cơ khí trong điều kiện sản xuất cơ khí có nhiều khó khăn, giá cả vật tư đầu vào biến động tăng, sự cạnh tranh giữa các sản phẩm cơ khí TKV với các sản phẩm cơ khí nước ngoài và cơ khí tư nhân ngày càng gay gắt cùng với khó khăn về lao động có tay nghề cao, thiết bị máy móc cũ…; song, Công ty CP Công nghiệp Ôtô đã có nhiều đổi mới, đề ra các chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Cùng với thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp tổ chức sản xuất, giảm lao động quản lý, phụ trợ theo hướng tinh gọn và có cơ chế chính sách khuyến khích người lao động, trả lương gắn với trách nhiệm và hiệu quả công việc, Công ty đã tích cực đổi mới công nghệ, thiết bị, ứng dụng tin học hóa, tự động hóa trong quản lý và sản xuất mang lại hiệu quả cao.
Công nhân lập trình cho hệ thống Robot vận hành các máy CNC
Giám đốc Công ty Phạm Xuân Phi cho biết, thực hiện chương trình tự động hóa, trong các năm vừa qua và năm 2017-2018, Công ty đã tích cực đổi mới, lựa chọn công nghệ mới, thiết bị hiện đại để đầu tư, tự động hóa dây chuyền sản xuất cơ khí như các máy gia công cơ khí CNC, các thiết bị robot được trang bị hệ thống điều khiển tiên tiến, tự động hóa cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm nhân công, giảm giá thành, mang lại hiệu quả trong SXKD.
Đến nay, Công ty đã đầu tư thiết bị nung phôi tự động; lò thấm cacbon có trang bị hệ thống kiểm soát và điều khiển tự động các quá trình và điều khiển nhiệt độ chính xác giúp đảm bảo sản phẩm chất lượng tốt và đồng đều trong khâu nhiệt luyện; đầu tư 9 thiết bị gia công cơ khí tự động (CNC) như máy tiện, máy phay, máy khoan, máy tarô CNC thế hệ mới chế tạo hàng loạt các chi tiết, sản phẩm như các loại bi chao, rôtuyn, các loại van thủy lực… và các sản phẩm có yêu cầu độ chính xác cao, phức tạp. Đồng thời, đầu tư mới máy quang phổ phân tích thành phần kim loại, điều khiển quá trình phân tích bằng máy tính được trang bị phần mềm phân tích tự động; đầu tư máy đo độ cứng ứng dụng công nghệ số; thiết bị thử kim phun điện tử phục vụ cho sửa chữa động cơ được điều khiển tự động… đáp ứng cho công tác chế tạo phụ tùng, phục hồi sửa chữa các loại ôtô có trọng tải lớn, các thiết bị máy mỏ hiện đại của các hãng KOMATSU, HITACHI, CAT, VOLVO, SCANIA…, và đầu tư máy hàn Robot hàn tự động các sản phẩm cơ khí, hàn kết cấu thép thay thế cho hàn thủ công cho năng suất cao và đảm bảo chất lượng sản phẩm…
Nhanh chóng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0
Thực hiện chương trình tự động hóa trong năm 2018 và các năm tiếp theo, VMIC tiếp tục đầu tư trung tâm gia công đứng CNC 4 trục với hệ điều hành tiên tiến và hệ thống thay dao tự động 24 trạm, phục vụ chế tạo các sản phẩm phức tạp, có độ chính xác cao, kết hợp nhiều nguyên công trên một lần gá. Đồng thời, đầu tư hệ thống Robot dùng gắp, gá phôi cho các máy gia công cơ khí CNC được điều khiển hoàn toàn tự động, thay thế cho con người vận hành các máy công cụ CNC theo tiêu chuẩn công nghệ 4.0. Hệ thống Robot cộng tác thông minh áp dụng trí tuệ nhân tạo, cho phép thực hiện các thao tác phức tạp thay thế cho con người, xây dựng hoàn toàn trên nền tảng Ethernet I/P cho phép các tính năng điều khiển tiên tiến hiện đại nhất hiện nay và dễ dàng mở rộng, tích hợp vào các hệ thống phần cứng – phần mềm tương lai.
Công nhân điều khiển máy khoan tự động CNC
Tại Phân xưởng Cơ khí, đơn vị sản xuất chủ lực, có nhiệm vụ gia công, chế tạo phụ tùng, phục hồi sửa chữa các loại ôtô, thiết bị máy mỏ, chế tạo phục hồi các thiết bị cho các đơn vị sản xuất hầm lò, sàng tuyển, nhiệt điện… Quản đốc Đặng Xuân Mải phấn khởi chia sẻ: “Được sự quan tâm của Công ty, phân xưởng được đầu tư nhiều thiết bị gia công cơ khí CNC, thiết bị robot hiện đại, tự động hóa cao. Bên cạnh đó, chú trọng tuyển dụng, đào tạo xây dựng đội ngũ lao động có trình độ nên đã nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng tự động hóa vào sản xuất. Như hệ thống Robot thay thế con người vận hành máy tiện CNC sẽ giúp tự động hóa toàn bộ việc vận hành máy, công nhân chỉ lập trình các bước gia công ban đầu, sau đó Robot tự động sản xuất hàng loạt, giảm 1/3 nhân công vận hành máy so với trước”.
Với việc chú trọng đẩy mạnh tự động hóa trong sản xuất cơ khí, luôn đổi mới, chủ động, mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư ứng dụng tự động hóa, đã mang lại hiệu quả trong SXKD, giảm nhân công, giảm sức lao động cho công nhân, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, thực hiện chủ trương của Tập đoàn về đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào quản lý và sản xuất, góp phần quan trọng thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch SXKD hàng năm của VMIC.
Chế tạo hệ thống cốp pha điều khiển bằng thủy lực dùng trong thi công các công trình ngầm quốc phòng
Về thực hiện chương trình tự động hóa trong thời gian tới, theo Giám đốc Phạm Xuân Phi, Công ty tiếp tục đầu tư mới các máy tiện CNC tích hợp một số tính năng gia công kết hợp để tăng năng lực sản xuất gia công các sản phẩm cơ khí chính xác và thực hiện tự động hóa hoàn toàn dây chuyền chế tạo con lăn băng tải. Trong năm 2019, Công ty sẽ đầu tư hệ thống hàn tổ hợp toa xe, hệ thống hàn tổ hợp cabin và hệ thống tự động cấp phôi cho máy mài vô tâm; tiếp tục nghiên cứu đầu tư các máy gia công CNC có hệ thống cấp phôi tự động và hệ thống cấp phôi liên hoàn giữa các nguyên công, nâng cao mức độ tự động hóa các dây chuyền sản xuất; giai đoạn 2019-2020, Công ty sẽ phối hợp với các đối tác có năng lực để nghiên cứu thiết kế phần mềm điều hành sản xuất theo công nghệ 4.0…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hieu-qua-tu-thuc-hien-tu-dong-hoa-201811081056405183.htm” button=”Theo vinacomin”]