Thương cảng Vân Đồn nổi tiếng thịnh vượng suốt 3 triều đại nhà Lý, Trần và Hậu Lê. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tên gọi Vân Đồn vẫn được nhắc đến như một địa danh còn ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển. Ước mơ, khát khao một lần nữa Vân Đồn lấy lại vị thế thịnh vượng, trở thành đầu tàu kinh tế của Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung đang dần trở thành hiện thực.
Thương cảng quốc tế đầu tiên của Đại Việt
Thương cảng cổ Vân Đồn được hình thành năm 1149, là thương cảng biển đầu tiên của Việt Nam. Lúc đầu, thương cảng chỉ có thương thuyền một số nước trong vùng Đông Nam Á đến buôn bán. Về sau, có thêm thuyền buôn của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Trung Cận Đông đến giao thương. Từ đó hoạt động kinh tế của Vân Đồn ngày càng phát triển, đạt đến sự hưng thịnh trong các thế kỷ XII – XVII. Mặc dù Vân Đồn đã kết thúc vai trò là một thương cảng vào thế kỷ XIX, nhưng hiện nay di tích về thương cảng cổ Vân Đồn vẫn thu hút sự quan tâm của rất nhiều thế hệ vì cảm hứng tìm về cội nguồn dựng xây non sông đất nước của cha ông.
Vân Đồn hiện đang đứng trước một cơ hội rất lớn để có thể biến ước mơ thành hiện thực, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Quảng Ninh tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và lập lại quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Sẵn sàng cho một “Khu Hành chính – Kinh tế đặc biệt”
Ngày 17/3/2017, Bộ Chính trị đã có kết luận “đồng ý cho thành lập ba đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hoà) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Nắm chắc thời cơ, Quảng Ninh đã sẵn sàng các điều kiện để thành lập Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
-Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh-
Có lẽ đến thời điểm này chưa có đề án nào của tỉnh có sự chuẩn bị công phu, có chiều sâu như Đề án Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Đề án được Quảng Ninh chuẩn bị từ năm 2012 với trên 50 hội nghị, hội thảo và các buổi làm việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học. Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vân Đồn sẽ là khu kinh tế tổng hợp và du lịch biển đảo chất lượng cao với tổng diện tích tương đương với quốc đảo Singapore.
Mới đây, báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tỉnh Quảng Ninh cho biết, đã thu hút được 36.000 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD) đầu tư hạ tầng cho đặc khu kinh tế Vân Đồn, trong đó có nhiều dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000 đến 7.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp đầu tư trong nước và ngoài nước để có thể biến Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc – ASEAN.
Có thể thấy, những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc xây dựng Vân Đồn trở thành 1 trong 3 đặc khu kinh tế của cả nước đang có những bước tiến triển vững chắc. Kỳ vọng về một thương hiệu kinh tế Vân Đồn sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực, Vân Đồn sẽ cất cánh bay lên trở thành vùng kinh tế phát triển, năng động mang tầm quốc tế, một khi nó được chắp đôi cánh thể chế, cơ chế thực sự khác biệt và nổi trội, xứng tầm đặc khu kinh tế của cả nước.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hien-thuc-hoa-giac-mo-cat-canh-201709201701511095.htm” button=”Theo vinacomin”]