Trong bài phát biểu trao đổi về việc ngành Than – Khoáng sản có ảnh hưởng gì khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội thương mại châu Á – Thái Bình Dương (TPP), ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán TPP cho rằng: Chúng ta cũng không nên quá vui mừng khi gia nhập Hiệp định TPP nhưng cũng không vì thế mà bi quan. Hãy chuẩn bị những gì cần thiết nhất để “ra khơi”…
Theo ông Trần Quốc Khánh thì những gì đã đàm phán để khi Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP sẽ không có ảnh hưởng lớn đến ngành khai thác than, khoáng sản. Bởi lẽ, trước hết, TPP thừa nhận và tôn trọng các doanh nghiệp Nhà nước do Chính phủ các nước điều hành, trong đó có Việt Nam. Hiệp định TPP chỉ yêu cầu nhưng không bắt buộc Chính phủ các nước cần minh bạch hoá các hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời đề xuất Chính phủ không trợ cấp quá mức cho các doanh nghiệp Nhà nước. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản, bởi không chỉ có Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Nhà nước các nước khác có tính chất quan trọng đều phải có sự điều hành của Chính phủ để đảm bảo cân bằng cho nền kinh tế quốc dân. Thứ hai, Hiệp định TPP cũng chỉ rõ, quyền thăm dò khai thác khoáng sản được duy trì chặt chẽ thuộc về Chính phủ. Khoáng sản luôn thuộc quyền quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Quốc Khánh, để hoạt động khai thác khoáng sản có hiệu quả, cần có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, kể cả các doanh nghiệp Nhà nước cũng tiến tới hoạt động theo thị trường. Hoạt động này không những làm giảm gánh nặng cho Chính phủ hay các doanh nghiệp Nhà nước mà còn phát huy được nguồn lực của toàn xã hội về vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến…
Về thuế nhập khẩu các loại khoáng sản, Hiệp định TPP ký kết sẽ giảm nhưng không giảm ngay khi Hiệp định có hiệu lực, mà sẽ được giảm dần trong vòng 10 năm. Như vậy, thuế nhập khẩu các loại khoáng sản phải đến năm 2027 mới ngang bằng các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Nguyên tắc này giúp các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trong nước có thời gian chuẩn bị để hoà nhập được an toàn hơn. Về thuế xuất khẩu khoáng sản, các nước trong Hiệp hội còn gọi đây là các khoản trợ cấp của Chính phủ. Theo đó, Hiệp hội quy định khá chi tiết mức thuế xuất khẩu cho từng loại khoáng sản. Trong đó, nhiều loại khoáng sản vẫn được giữ nguyên mức thuế xuất khẩu hoặc điều chỉnh theo từng thời kỳ để điều hành nền kinh tế. Một số loại khoáng sản sẽ được xoá bỏ thuế xuất khẩu, tuy nhiên cũng theo một lộ trình nhất định để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị…
Trong quá trình đàm phán, Chính phủ luôn chỉ đạo phải đạt được mục tiêu để các nước trong Hiệp hội chấp thuận nhưng đồng thời phải đạt được yêu cầu về thời gian để các doanh nghiệp trong nước có thời gian chuẩn bị, nhất là các ngành có nhiều nhân công. Đây là yêu cầu quan trọng vì, nhân công luôn là mục tiêu của hoạt động kinh tế. Nếu gia nhập Hiệp hội TPP mà để công nhân trong nước mất việc làm thì đó không phải là mục tiêu. Ngược lại, đàm phán luôn hướng tới để tạo thêm việc làm cho người lao động. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Ngành Than – Khoáng sản cũng là một ngành có số lượng công nhân đông và cũng nằm trong mục tiêu bảo vệ của đàm phán. Với những lý do trên, ông Trần Quốc Khánh nhận định, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, trong đó có Tập đoàn CN Than – Khoáng sản Việt Nam không ảnh hưởng nhiều khi Hiệp định TPP có hiệu lực. “Trước mắt, ngành Than – Khoáng sản sẽ còn gặp phải khó khăn trong một khoảng thời gian nữa do có sự tích tụ của những mất cân bằng trong nước kết hợp với những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu” – ông Trần Quốc Khánh nói.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hay-chuan-bi-nhung-gi-can-thiet-de-ra-khoi-201609281646394881.htm” button=”Theo vinacomin”]