Kỷ niệm ngày giải phóng Miền nam 30 – 4 (1975 – 2013), những ngày này, gần 14 vạn thợ mỏ lại bồi hồi nhớ lại 46 năm trước, gần 2.000 công nhân đã tạm gác tay máy, tay búa, tay choòng thay mặt cho đội ngũ thợ mỏ Quảng Ninh lên đường vào chiến trường Miền Nam chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Binh đoàn Than xuất quân thần tốc và có mặt trên khắc các trận địa chiến trường Miền Nam khói lửa, lập nhiều chiến công hiển hách góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng Miền Nam thống nhất giang sơn về một dải.
Binh đoàn Than đã hành quân bộ quãng đường cũng gần vạn km, qua sông Bến Hải, Binh đoàn Than “nếm” trận bom Mỹ đầu tiên. Chúng đã theo dõi “Quả đấm thép” của thợ mỏ Quảng Ninh vào chi viện cho chiến trường Miền Nam. Đã có thương vong nhưng không làm nhụt ý chí của người lính – thợ mỏ. Trận đầu tiên Binh đoàn Than được chiến đấu đánh cao điểm 833 ở Tây Bắc Tà Cơn – Làng Vây. Hành quân bộ về huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, Binh đoàn Than chia quân, bổ sung cho nhiều đơn vị Quân giải phóng suốt từ Miền Trung đến đồng bằng Nam Bộ. Tiếp đó, Binh đoàn Than tham gia chiến đấu các trận đánh Plây Cần, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ngọc bờ biên, Kon Tum…dọc Tây Nguyên, chiến dịch Xuân Hè 69, chiến dịch Thu Đông 1970 – 1971, chiến dịch Xuân 1972, các năm 1973 – 1974 đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng của ta sau Hiệp định Pari 1972… rồi vượt đèo Phượng Hoàng, đánh sân bay Chư Cúc, giải phóng Nha Trang, tiến quân thần tốc giải phóng các tỉnh Miền Trung, tiến vào sài gòn.
Ông Đa tự hào kể, 11giờ 15 ngày 30/4/1975 có một chiến sĩ của Binh đoàn Than tham gia đánh chiếm Bộ tổng tham mưu Ngụy quân Sài Gòn. Đó là ông Bùi Duy Thinh hiện là Trưởng Ban liên lạc CCB Binh đoàn Than. Đúng 6 giờ 30 ngày 30/4/1975 đơn vị của ông đã có mặt ở Ngã tư Bảy Hiền, Sài Gòn, đánh chiếm Trường hạ sĩ quan Ngụy. Được cô Vân – biệt động Sài Gòn – sau này là hình tượng nhân vật chính trong phim Cô Nhíp – dẫn đường vượt qua cây cầu gẫy, không kịp đánh sân bay Tân Sơn Nhất theo lệnh của Sư đoàn mà linh hoạt đánh chiếm trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy quân Sài Gòn. Khi lá cờ Mặt trận Giải phóng cắm trên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy quân Sài gòn là 11 giờ 15, chỉ trước sư đoàn bạn đánh vào cổng hậu có 7 hàng rào kẽm gai muộn hơn ít phút. Như vậy, 11 giờ15 ngày 30/4/1975 chỉ còn một người của Binh đoàn Than có mặt tại Bộ Tổng tham mưu Ngụy chứng kiến giờ phút lịch sử Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng. Ông Thinh là thợ lái máy xúc Mỏ Hà Tu. Khi đó ông đang lái chiếc máy xúc E2 (loại E 250 của Tiệp Khắc). Từ biệt máy xúc, ông xung phong vào đoàn quân của những người thợ mỏ Quảng Ninh chi viện cho chiến trường Miền Nam.
Binh đoàn Than ra trận và lập lên nhiều chiến công hiển hách là sự kết hợp của chủ nghĩa yêu nước với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân mỏ. Nhớ lại hào khí Binh đoàn Than, mỗi chúng ta thêm tự hào được đứng trong hàng ngũ những người thợ mỏ kiên cường, bất khuất, thêm tự hào và biết ơn về một thời cha anh đã chiến đấu oanh liệt cho chúng ta có cuộc sống tự do hôm nay.
Trở về với đời thường, các CCB Binh đoàn Than Quảng Ninh luôn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của thợ mỏ, là tấm gương sáng trong lao động, học tập, là nòng cốt trong tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tham gia giáo dục thế hệ trẻ tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng gia đình văn hoá, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hao-khi-binh-doan-than-di-danh-my-4833.htm” button=”Theo vinacomin”]