“Bố mẹ đều là công nhân, vất vả, cực nhọc với đồng lương ít ỏi. Nhưng dù khó khăn đến mấy, dù phải nhịn ăn, nhịn mặc vẫn chắt chiu, lo cho các con học hành đến nơi, đến chốn. Hạnh phúc lớn nhất của mẹ chính là nhìn thấy các con học giỏi, trưởng thành” – Chị Đồng Thị Hương, vợ anh Nguyễn Ngọc Bẩy, công nhân Phân xưởng luyện bột kẽm (Công ty KLM Thái Nguyên) vẫn thường tâm sự, thủ thỉ và nhắn nhủ với các con như vậy. Nghe lời mẹ, hai đứa con của anh chị học rất giỏi, ngoan ngoãn và rất t
“Chồng phải đi làm ca kíp, bản thân mình cũng đi dạy từ sáng đến tối mịt mới về nên thời gian giành cho con không nhiều. Vì vậy mình tranh thủ mọi lúc, mọi nơi có điều kiện gần gũi là uốn nắn, dạy bảo các con. Được cái hai đứa nhà mình ngoan lắm, biết hoàn cảnh của bố mẹ nên có ý thức tự giác ngay từ nhỏ” – Chị Hương bộc bạch. Không chỉ các cô, các chú trong Công ty mà hàng xóm, láng giềng xung quanh đều không ngớt lời khen ngợi với những thành tích mà hai đứa con của anh chị đạt được. Cháu lớn là Nguyễn Thị Thu Hoài (sinh năm 1993), cháu bé là Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1998) từ khi đi học năm nào cũng đạt học sinh giỏi xuất sắc. Thu Hoài giành được nhiều giải cấp tỉnh Thái Nguyên như giải ba môn Hóa, giải nhất môn máy tính cầm tay hóa. Lớp 9, Hoài được giải nhì cấp huyện cuộc thi viết về phòng chống bạo lực trẻ em. Đặc biệt năm lớp 12, Hoài là học sinh duy nhất được đích thân Chủ tịch huyện Đại Từ tặng bằng khen. Hiện nay, Hoài đang là sinh viên khoa kinh tế quốc tế, trường Đại học kinh tế Quốc dân Hà Nội với số điểm thi đầu vào trong top cao của nhà trường. Không kém chị, Mạnh Hùng cũng là một trong những học sinh tiêu biểu nhất của trường THCS Hùng Sơn. Hùng còn nói tiếng Anh giỏi, thường xuyên là MC khá chuyên nghiệp trong các chương trình của nhà trường và phòng Giáo dục huyện Đại Từ.
Hỏi anh chị về những bí quyết để nuôi dạy hai con ngoan ngoãn, học giỏi như vậy, chị Hương cười tâm sự, có gì đâu em, quan trọng nhất là do bản thân các cháu, rồi mới đến sự quan tâm, phương pháp dạy bảo của bố mẹ. Trẻ con như tờ giấy trắng, dạy thế nào nên thế ấy, vì vậy quan điểm của chị là quan tâm uốn nắn con từ những nét chữ đầu tiên, rèn luyện từ những cái nhỏ nhất phải cẩn thận, khoa học, đơn giản như kẻ lề vở phải kẻ bằng thước chứ không bao giờ được dùng tay. Dù không có nhiều thời gian nhưng chị Hương rất kỳ công sưu tầm những quyển vở sạch, chữ đẹp của con các đồng nghiệp học giỏi về làm mẫu cho hai cháu, rèn ý thức tự giác, trung thực ngay từ nhỏ.
Không la mắng, đánh con mà phương pháp của chị Hương bao giờ cũng là nhẹ nhàng, thủ thỉ. Cứ mỗi khi con mắc lỗi, chị đều giành thời gian ngồi bên con, phân tích đúng sai để con tự nhận thức ra vấn đề, lần sau không mắc phải nữa. Những lúc rảnh rỗi, chị lại kể cho các con nghe những câu chuyện gần gũi là những bài học trong cuộc sống về ý chí, nghị lực của các bạn học sinh nghèo vượt khó, dám ước mơ, thực hiện ước mơ… và mong muốn những tâm tình ấy sẽ ngấm dần vào suy nghĩ của các con, hình thành thói quen, tính cách tích cực để sau này các con chị sẽ nhanh chóng trưởng thành khi ra ngoài cuộc sống.
Xin kết bài viết này bằng câu chuyện của mẹ con chị Hương. Có lần Hùng đã hỏi mẹ, nếu bây giờ cho mẹ một điều ước mẹ sẽ ước gì? Chắc mẹ sẽ ước có nhiều tiền phải không mẹ? Chị Hương đã trả lời con rằng, tiền quan trọng thật nhưng không phải là tất cả con ạ! Điều ước, niềm vui lớn nhất của mẹ là nhìn thấy các con ngoan ngoãn, thành đạt. Quả thật, hạnh phúc là do mỗi người tự cảm nhận và với những người phụ nữ, những người mẹ như chị Hương, có lẽ không có hạnh phúc nào bằng nhìn thấy con mình trưởng thành.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hanh-phuc-cua-me-1771.htm” button=”Theo vinacomin”]