Với mục tiêu chung của Tập đoàn là đẩy mạnh xây dựng đội ngũ công nhân có trình độ cao và bản lĩnh chính trị vững vàng, tạo động lực mạnh mẽ từ nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả SXKD, đưa Tập đoàn phát triển bền vững, vừa qua, Đảng uỷ Tập đoàn và Đảng uỷ Than Quảng Ninh đã ra nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới. Hai Nghị quyết đều cùng một mục tiêu. Và đây cũng là những nghị quyết nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW của Trung ương Đảng về tiếp t
Theo đó, Nghị quyết số 04-NQ/ĐU ra ngày 15/3/2016 của Đảng uỷ Tập đoàn chỉ rõ, năm 2016 và các năm tới, Việt Nam gia nhập TPP và hội nhập sâu trong nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp nước ngoài về tiềm lực tài chính, chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm và chất lượng nguồn nhân lực. Đối với Tập đoàn, điều kiện khai thác mỏ ngày càng khó khăn hơn do khai thác ngày càng xuống sâu, vào xa hơn; sự cạnh tranh gay gắt trong các đơn vị SXKD than trong nước và than nhập khẩu; các loại thuế, phí của Nhà nước ngày càng tăng cao. Những yếu tố đó đã làm cho chi phí giá thành tiếp tục gia tăng. Những năm qua, Tập đoàn đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường các biện pháp quản trị chi phí nhưng do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan tác động nên giá thành sản xuất của một số đơn vị vẫn còn cao, sức cạnh tranh và tính tự chủ của một số đơn vị còn yếu. Hiện nay, Tập đoàn đang đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh nên cơ cấu lao động cần thiết phải thay đổi. Trong khi đó, đội ngũ công nhân lao động còn đông và không cân đối về cơ cấu: tỷ lệ lao động quản lý và lao động làm việc tại các khu vực phục vụ, phụ trợ còn cao; công nhân thợ bậc cao, lành nghề tại các dây chuyền sản xuất chính như thợ khai thác, đào lò, cơ điện, chế tạo máy, luyện kim… lại thiếu, nhất là ở một số đơn vị khi chuyển đổi từ khai thác mỏ lộ thiên sang khai thác mỏ hầm lò.
Từ những lý do trên, Nghị quyết chỉ đạo Tập đoàn và các công ty con, đơn vị trực thuộc Tập đoàn tiếp tục rà soát, hoàn thiện mô hình tổ chức các phòng ban, phân xưởng, tổ đội sản xuất theo mô hình mẫu và áp dụng định biên lao động phù hợp theo hướng Tinh – Gọn (tinh về nhân lực, gọn về bộ máy và biên chế) trong các lĩnh vực SXKD chính: than, khoáng sản, điện lực, hóa chất, cơ khí, từ đó xác định nhu cầu nhân lực lao động (số lượng và chất lượng chuyên ngành) theo từng ngành, lĩnh vực, đơn vị cụ thể trong từng năm để định hướng sớm trong công tác đào tạo, tuyển dụng và sử dụng lao động từng năm và trong giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến 2030. Nghị quyết cũng phân cấp Tổng Giám đốc/Giám đốc các đơn vị chịu trách nhiệm trước Tập đoàn về công tác tuyển dụng, quản lý và sử dụng lao động; chủ động phối hợp với Công đoàn đơn vị xây dựng Quy chế tuyển dụng và sử dụng lao động; thực hiện việc tuyển dụng, bố trí sử dụng lao động; tinh giảm bộ máy, biên chế nhân lực lao động phù hợp với mô hình mẫu và quy định chung của Tập đoàn, trong đó tỷ lệ lao động quản lý chung của Tập đoàn phấn đấu dưới 10%. Các đơn vị cần có chính sách thu hút, tuyển dụng, sử dụng nhân lực lao động phù hợp, áp dụng các chế độ chính sách về tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, điều kiện làm việc và phương tiện đưa đón công nhân… đảm bảo hiệu quả cao trong quản lý và sử dụng lao động vì mục tiêu phát triển doanh nghiệp bền vững. Cụ thể hơn, cũng theo tinh thần Nghị quyết, Tập đoàn và các đơn vị tiếp tục hoàn thiện cơ chế trả lương, thưởng và các chính sách khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động; rà soát, thực hiện định biên lao động gắn với giao khoán quỹ tiền lương cho Ban, Phòng, khoán lương theo công đoạn sản xuất và tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc theo khối lượng và chất lượng công việc hàng tháng để làm cơ sở trả tiền lương, tiền thưởng và bình xét thi đua khen thưởng. Áp dụng cơ chế lương phù hợp giữa các ngành nghề, giữa hiệu quả lao động và tiền lương thu nhập…
Cũng với mục tiêu trên, Đảng ủy Than Quảng Ninh đã ra Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các đơn vị trong Đảng bộ giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2030. Nghị quyết của Đảng uỷ Than Quảng Ninh nêu rõ, những năm qua, các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Than Quảng Ninh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí cho công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực. Trình độ giảng dạy, đào tạo của các trường, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, trình độ tay nghề lao động công nghệ tăng lên rõ rệt. Đồng thời, không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, ăn, ở, đi lại và thu nhập cho thợ lò và một số ngành nghề chính; từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, giảm lao động quản lý, phục vụ phụ trợ, tăng lao động công nghệ. Nhu cầu nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị trong Đảng bộ. Mặc dù vậy, chất lượng đào tạo một số ngành nghề vẫn còn chưa cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành còn thiếu.
Do đó, Nghị quyết chỉ đạo các cấp ủy đảng trong Đảng bộ Than Quảng Ninh, chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng có trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của đơn vị; tạo điều kiện, thường xuyên vận động cán bộ, người lao động có ý thức tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, đáp ứng tốt hơn công việc được giao. Các đơn vị sản xuất cần chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển, thu hút đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giỏi và các nhà khoa học trong lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế, tài chính và pháp luật, khoa học công nghệ… để giảng dạy trong các trường, hoặc làm việc trong doanh nghiệp. Khối các viện, trường đào tạo chủ động, đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư cơ sở giáo dục, đào tạo đủ nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao, các nghề trọng điểm của Ngành, tiến tới cấp độ nghề trọng điểm của tỉnh, quốc gia. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo song song với nâng cao chất lượng; mở rộng chương trình hợp tác, liên kết các trường trong và ngoài nước trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực…
Hy vọng hai Nghị quyết với cùng một mục tiêu sẽ là luồng gió mới đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực nhất là đội ngũ công nhân lành nghề theo hướng hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới – giai đoạn đất nước CNH – HĐH và hội nhập quốc tế sâu rộng.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/hai-nghi-quyet-mot-muc-tieu-20160530104621545.htm” button=”Theo vinacomin”]