Chị Yên nói: “GPS có lợi lắm anh ạ. Người ta ngồi ở đây có thể biết phương tiện đang hoạt động ở tít đâu đâu, kiểm soát được nó. Cánh lái xe nể lắm, không dám chạy ẩu; mọi diễn biến trong quá trình hoạt động của xe được ghi lại, nếu có nghi vấn gì, nhà quản lý có thể kiểm tra, để biết, để chất vấn lái xe và lái xe không thể chối cãi được, vì đã có bằng chứng”.
Ở đâu kỷ luật nghiêm, làm ăn có bài bản, con người ở đó cũng bài bản, cũng nghiêm
Phân xưởng Vận tải 2 (Công ty than Cọc Sáu) hiện có 131 CNCB, trong đó có 108 lái xe. Phân xưởng đang có hai dàn xe, loại HM400-2R (gọi dân dã là xe “Lúc lắc”, hoặc xe “Khung mềm”, 19 chiếc) và loại HD325-7R (10 chiếc). Xe “Lúc lắc” là loại xe, cho dễ hiểu, nó giống như chiếc xe kéo rơ moóc hay chiếc xe kéo công ten nơ, giữa đầu xe và thùng xe không cố định, không “khuôn cứng” như những chiếc xe vận tải thông thường khác, lại có bánh rất to, mặt lốp tiếp xúc với mặt đường lớn, nên chúng có thể hoạt động được ở những con đường có độ dốc cao, cua gấp, đường trơn v.v. Vì thế, trong những “chiến dịch hạ moong” ở Cọc Sáu, “Lúc lắc” của Phân xưởng 2 trở thành phương tiện chủ lực chuyên chở bùn nơi đáy moong sâu.
Kiểm tra xe trước khi vào làm việc
Phân xưởng 2 là một trong không nhiều các phân xưởng vận tải ở Than Cọc Sáu có từ lâu đời. Anh Nguyễn Kim Phú, Quản đốc Phân xưởng, kỹ sư, ngành động cơ đốt trong, khoa cơ khí động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội, khóa 21, ra trường năm 1981, về làm việc ngay ở Mỏ, lúc ấy có Đoàn xe Cọc Sáu, “thì tôi đã thấy có Phân xưởng vận tải 2 này rồi” – anh Phú nói. Có thể vì thế chăng, như chỗ tôi được biết, Vận tải 2 bấy lâu nay là một trong những cái nôi của Cọc Sáu đồng thời vừa đào tạo lái xe mới vào nghề cho thuần thục nghề, vừa cũng là nơi quy tụ các lái xe có tay nghề cao, nhằm sử dụng có hiệu quả nhất các xe vận tải mới được mua về. Đây là một phân xưởng có bề dày truyền thống. Do đó, không khó hiểu, khi tôi hỏi anh Phú về đội ngũ lái xe ở đây như thế nào, anh bảo, họ là những người thạo nghề, thuần, chăm chỉ làm việc. “Tất nhiên, cả trăm người, cả trăm đứa con, vẫn có thể có một, hai đứa thế nọ, thế kia – anh Phú nói – Gặp những trường hợp như thế, do chúng tôi đã ở lâu với nhau, đã thấu hiểu nhau, nên chúng tôi sâu sát, nhắc nhở, bảo ban nhau ngay, uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, không để cái sảy nảy cái ung. ở đời, thường ở đâu kỷ luật nghiêm, làm ăn có bài bản, thì con người ở đó cũng bài bản, cũng nghiêm. Tôi nghĩ, Phân xưởng 2 có được các điều kiện đó”. Anh Phú kể, vừa rồi có hai lái xe, chỉ vì một lý do nào đó, không nhường đường cho nhau, sinh xích mích. Biết được chuyện đó, anh tức khắc gọi hai lái xe lên, bắt làm bản tường trình, kể lại trung thực sự việc, được nghe giáo huấn, bắt tay nhau giảng hòa và được bố trí trở về làm ca 1 một thời gian để tiện giám sát.
Theo dõi phương tiện qua hệ thống GPS
Triệt để tiết kiệm, áp dụng tiến bộ khoa học để tiết kiệm
Than Cọc Sáu, về vận tải, đang giao khoán theo hình thức “ca xe đủ mức” (ca xe đủ mức: Tùy theo từng cung độ xa – gần mà có định mức chuyến cho một ca xe. Ví dụ, định mức chuyến cho xe HD325-7R, áp dụng cho các máy xúc PC, CAT và các máy xúc điện có dung tích gàu 5m3, cung độ 2km, xe chở than phải chở 20 chuyến/ca, xe chở đất 19 chuyến/ca; từ 2,1 đến 2,2km, chở than 19 chuyến, chở đất 18 chuyến; cung độ từ 3,2 đến 3,5km, chở than 14 chuyến, chở đất 13 chuyến/ca v.v.). “Ca xe đủ mức, là cơ sở để thanh toán tiền lương cho lái xe. Ca này chạy vượt chuyến, để bù vào ca khác chạy không đủ chuyến; thống kê cuối tháng, nếu các ca đều đủ chuyến, thì tiền lương của lái xe được đảm bảo, nếu hụt, tiền lương bị giảm, ngược lại, nếu vượt, được tính thêm lương và có thêm tiền thưởng” – anh Phú cho hay. Anh bảo, Phân xưởng không có quy chế phạt, nếu xe chạy không đủ chuyến theo định mức. Bởi xe không đủ định mức thường có lý do khách quan, như xe vào duy tu, sửa chữa; máy xúc cũng vậy. Thời tiết (mưa bão, sương mù…) cũng làm cho xe không đủ chuyến. “Thế nếu do lý do chủ quan thì sao?”. “2 xe cùng như nhau, cùng chạy một cung độ, cùng lấy tải ở một máy xúc mà số chuyến chạy không giống nhau, thì người chạy được ít chuyến hơn sẽ được hỏi ngay lý do vì sao. Song lý do chủ quan ít xảy ra. Bởi, như anh biết đấy, người lái xe khi đã giao việc, đã chạy, là cố gắng chạy cho đủ chuyến, vượt chuyến, chứ đã làm lái xe chạy trên khai trường mỏ thì chơi, nghỉ thế nào? Chả ai nghĩ đến chuyện đó”.
Chuyên gia hãng Komatsu kiểm tra hệ thống định vị GPS
Chạy đủ chuyến, vượt chuyến trong một ca làm việc cũng là một hình thức tiết kiệm. Tiết kiệm trong xe vận tải mỏ còn cấu thành bởi một loạt các yếu tố khác trong khoán chi phí. Năm 2011 vừa rồi, Phân xưởng Vận tải 2 tiết kiệm được 962 triệu đồng, bởi giảm được chi phí vận hành (chi phí vận hành hạn mức gần 142 triệu đồng, thực hiện gần 138 triệu, tiết kiệm gần 4 triệu); giảm được một số vật tư định mức (22 lốp, 66 bình điện); vật tư sửa chữa không định mức (hơn nửa triệu đồng); dầu, mỡ phụ (hơn nửa triệu) và tiết kiệm nhiên liệu (hơn 5,4 triệu). Anh Hiếu, một lái xe của Phân xưởng nói với tôi: “Công nhận, họ khoán quản chặt chẽ lắm. Với lại, bây giờ xe có nhiều thiết bị theo dõi lắm”.
Hôm tôi lên Phân xưởng công tác, bắt gặp nhóm chuyên gia của hãng Komatsu đang đến tiến hành kiểm tra các thiết bị của hệ thống định vị GPS đã lắp đặt cho các xe. Họ bảo, họ đang đề nghị Than Cọc Sáu lắp đặt tiếp các thiết bị kiểm soát nhiên liệu cho các xe. Ghé qua chỗ chị Yên, chị Hiên (các nhân viên làm công tác thống kê của Phân xưởng), các chị ấy mở cho xem các xe đang hoạt động như thế nào trên khai trường qua hệ thống định vị GPS hiển thị trên máy vi tính. Quả thấy rõ một một. Chị Yên còn mở cụ thể một xe HD cho tôi xem xe đó đang chạy như thế nào, chất tải ở máy xúc nào, cung độ đường đổ tải dài bao nhiêu, đã chạy được bao nhiêu chuyến, nhiên liệu tiêu thụ đã hết bao nhiêu… Chị Yên nói: “GPS có lợi lắm anh ạ. Người ta ngồi ở đây có thể biết phương tiện đang hoạt động ở tít đâu đâu, kiểm soát được nó. Cánh lái xe nể lắm, không dám chạy ẩu; mọi diễn biến trong quá trình hoạt động của xe được ghi lại, nếu có nghi vấn gì, nhà quản lý có thể kiểm tra, để biết, để chất vấn lái xe và lái xe không thể chối cãi được, vì đã có bằng chứng”.
Khi chia tay anh Phú, tôi có hỏi, liệu năm nay Phân xưởng có tiết kiệm được nhiều hơn năm ngoái, anh bảo: “Sẽ cố gắng!”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/gps-o-coc-sau-1716.htm” button=”Theo vinacomin”]