Vừa qua, chàng thợ lò bậc 5/6 Vũ Văn Ninh (sinh năm 1983) đã ghi vào trang kỉ niệm của cả gia đình thêm những niềm vui giản dị. Là một trong ba thợ lò tiêu biểu được Than Khe Chàm biểu dương và tặng quà, vợ chồng anh cùng hai con vừa trở về sau chuyến tham quan thành phố Móng Cái với những gia đình thợ lò xuất sắc của Công ty. Phóng viên chúng tôi đã “nhanh chân” có một cuộc trò chuyện thú vị với chàng thợ lò vui tính này.
Thợ lò Vũ Văn Ninh hạnh phúc bên gia đình (vợ Trương Hồng Chuyên, con trai lớn Vũ Trương Xuân Bắc, con trai út Vũ Duy Khánh)
Phóng viên (PV): Chào Ninh! Đầu tiên, xin chúc mừng anh và gia đình là một trong ba thợ lò của Than Khe Chàm được tuyên dương vừa qua! Hiện cảm xúc của anh như thế nào?
Thợ lò Vũ Văn Ninh (V.V.N): Cảm ơn bạn! Vợ chồng mình vẫn ngỡ như đang nằm mơ. Đây (chỉ tay về chiếc TV), món quà được Công ty thưởng cho những ngày lao động chăm chỉ đấy!
PV: Thật tuyệt vời! Vậy, Ninh đã làm việc tại Khe Chàm bao lâu rồi?
V.V.N: Mình về Khe Chàm từ năm 2003, đến nay cũng được 14 năm rồi. Hiện tại mình đang là thợ đào lò của Công trường Khai thác 3.
PV: Có người cho rằng, công việc của cánh thợ đào lò là “Đi sắp cỗ”, Ninh nghĩ sao về sự ví von này?
V.V.N: Đúng đấy, nhiệm vụ của đội đào lò chúng mình là chuẩn bị sẵn sàng cho công việc khai thác than. Tùy độ dài mỗi đường lò đến vỉa than, cũng có đường lò nối, chỉ cần đào 1-2 chục mét là đến vỉa. Nhưng cũng có những đường lò xuyên vỉa, dọc vỉa, đào cả cây số. Đào hết diện của Công ty khấu thì chúng mình đào đến lò chợ. Công trường mình sử dụng nhiều thiết bị máy móc như máy đào, máy cào vơ, máy xúc lật hông của Nhật… Đào lò xong thì chúng mình bàn giao lại cho các bạn phân xưởng khai thác làm nhiệm vụ.
PV: Mười bốn năm làm thợ lò rồi, Ninh và đồng nghiệp có nhận thấy những sự thay đổi tích cực của Công ty?
V.V.N: Đó là những điều mình rất tự hào về Khe Chàm. Để anh em thợ lò yên tâm, nhiều thế hệ lãnh đạo Công ty đến nay luôn “ăn cùng, ngủ cùng” để hiểu hơn và khắc phục kịp thời cho cánh thợ mình những nhu cầu cấp thiết. Ví như, hệ thống các nhà mái che từ phòng nhật lệnh ra tận cửa lò, khi mất điện có trạm phát kịp thời… Nhất là có đường nước uống xuống đến tận nơi. Ngày xưa mỗi ca giỏi lắm mang được 10 lít nước, hết thì phải đi bộ năm sáu cây số lên mặt bằng, khi khát chỉ biết hứng nước đọng ở vì chống mà uống tạm ấy phóng viên ạ.
Không những thế, do diện khai thác Công ty có sâu hơn vài mỏ quanh khu vực, vào những lúc tình hình kinh doanh có những biến đổi, các sếp tăng đơn giá, đảm bảo ngày giờ công, lại có thưởng quý, lương tháng lại thêm một khoản nữa nên thợ lò không có ai chán nản mà còn thông thoáng đầu óc, tập trung làm việc tốt nữa.
PV: Cũng là một anh thợ bậc 5/6 rồi thì chắc hẳn Ninh đã “nằm lòng” kha khá những kinh nghiệm đào lò đúng không? Vậy, Ninh đã truyền lại cho những bạn trẻ, những thực tập sinh tại Công trường mình như thế nào?
V.V.N: Có chứ! Công trường mình đang có 15 em thực tập. Bọn mình chỉ cho làm ở phía ngoài chứ không để các em lại quá gần khu vực khai thác. Do công việc nặng, nhiều cái không lường trước được nên là người đi trước, mình cũng phải chỉ bảo nhiều. Nhất là về các biện pháp an toàn. Ví như trước mặt gương đang là một đồi đá, bọn mình thường khoan vuông góc hoặc chéo góc, từ 30 đến 120 độ để bắn mìn. Mình phải quan sát gương lò, nếu nó bằng phẳng thì không sao, nhưng nếu nó có vết nứt thì mình phải cậy hết đi để đá không rơi bất ngờ xuống, tránh cho khi khoan không bị đá rơi vào người. Hoặc khi bắn mìn, bọn mình sẽ bắn nhiều tầm, mỗi lần bắn nhất định sẽ có những phần đất đá om treo lơ lửng, mình phải cậy xuống. Trước khi những hòn đá ấy rơi xuống thường có một ít bụi than hoặc bụi đá rơi xuống, báo hiệu những tảng đá lớn sắp rơi. Mình cũng truyền lại cho các bạn mới những kinh nghiệm đó. Khi thấy bụi than, bụi đá bay như thế tốt nhất là lùi ra ngoài. Và còn rất nhiều cái còn phức tạp hơn nữa.
PV: Trong công việc là thế, vậy còn sau những giờ lao động dưới lò thì sao?
V.V.N: Mình cùng các anh em tham gia các hoạt động thể thao. Mỗi tháng hoặc mỗi quý, tùy theo điều kiện sản xuất, bọn mình thuê sân vận động vườn cam để đá bóng giao hữu. Công ty tổ chức cho anh em du lịch, nghỉ dưỡng rất nhiều, Tây Bắc có, xuyên việt có, ra nước ngoài cũng có. Tổ sản xuất thì thường tổ chức gặp gỡ, liên hoan, trao đổi kinh nghiệm, có gì băn khoăn, thắc mắc thì trao đổi, góp ý ở luôn những cuộc như thế, mục đích cũng là để tổ và ca sản xuất đi lên, cho đời sống anh em tốt hơn.
PV: Để Ninh yên tâm làm việc thì ngoài những điều kiện Công ty đã thực hiện thì chắc hẳn vai trò của gia đình là không nhỏ. Ninh có thể chia sẻ một chút về gia đình mình?
V.V.N: Cánh thợ chúng mình làm việc vất vả, về đến nhà là không phải động tay bất kỳ thứ gì. Có cơm ngon canh ngọt, nhà sạch, con ngoan, tất cả là nhờ bàn tay của vợ. Thi thoảng đi ca ba thì ở nhà mình giúp vợ đón con, cắm nồi cơm chứ hầu như vợ làm hết cả. Mà Chuyên (vợ Ninh) cũng đảm lắm. Chăm sóc nhà cửa gọn gàng, lại còn tăng gia thêm gà, vịt, lợn, chim bồ câu để cải thiện kinh tế gia đình nữa. Chúng mình cũng mới chụp kiểu ảnh kỷ niệm mười năm ngày cưới đấy.
PV: Tuyệt quá, chúc mừng Ninh thêm một lần nữa vì có một người vợ đảm đang nhé. Vậy là mọi thứ đều viên mãn rồi đúng không Ninh?
V.V.N: Mình cũng không mong muốn gì hơn, làm sao để gia đình luôn ấm êm, công việc thợ lò ổn định và đời sống anh em ngày một đi lên là mình vui lắm rồi. Mình từng cấy ruộng rồi nên mình biết, làm ruộng vất vả lắm. Từ giờ đến khi về hưu, mình sẽ luôn bám trụ với nghề. Mình càng cống hiến, càng phấn đấu, chắc chắn là nghề sẽ không bao giờ phụ công mình.
P.V: Cảm ơn Ninh về cuộc trò chuyện. Chúc Ninh luôn là một thợ lò tiêu biểu và luôn dồi dào nhiệt huyết với nghề!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/gom-niem-vui-tu-nhung-dieu-binh-di-201709261606485269.htm” button=”Theo vinacomin”]