DO ĐIỀU KIỆN ĐỊA CHẤT KHÓ KHĂN, TỪ ĐẦU NĂM ĐẾN NAY, CÔNG TY THAN KHE CHÀM MỚI ĐẠT SẢN LƯỢNG KHAI THÁC CHƯA ĐẦY 400 NGÀN TẤN THAN. MỘT CON SỐ QUÁ NHỎ SO VỚI GẦN 3.000 LAO ĐỘNG ĐANG LÀM VIỆC TẠI CÔNG TY. HƯỚNG ĐI NÀO CHO THAN KHE CHÀM ĐANG LÀ BÀI TOÁN KHÓ ĐỐI VỚI CNCB CÔNG TY CŨNG NHƯ LÃNH ĐẠO TẬP ĐOÀN.
Lãnh đạo Tập đoàn kiểm tra sản xuất tại Công ty than Khe Chàm
Khe Chàm gặp khó
Chưa bao giờ Công ty than Khe Chàm rơi vào trạng thái khó khăn nặng nề vào bậc nhất trong các đơn vị trực thuộc Tập đoàn như hiện nay. Theo kế hoạch ban đầu, sản lượng được giao của đơn vị trong năm 2019 là trên 1,8 triệu tấn. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, hiện nay, Tập đoàn giảm sản lượng của Khe Chàm còn 1,4 triệu tấn. Mặc dù vậy, rất có thể đây cũng chưa phải là lần điều chỉnh giảmcuối cùng bởi thực trạng điều kiện khai thác của đơn vị vẫn đang rất khó khăn. Sản lượng than khai thác tính đến trung tuần tháng 6/2019 vẫn ở mức trên 400 ngàn tấn. Nhiều người vẫn chưa hiểu hết lý do vì sao than Khe Chàm khó khăn đến vậy. Câu trả lời là do điều kiện địa chất phức tạp, đất đá mềm yếu, các đường lò có áp lực lớn, bị nén thấp, các loại vì chống, máy móc trong chợ luôn bị sa lầy, mà nguyên nhân chính là do đứt gãy Bắc Huy vắt ngang trung tâm ruộng mỏ. Đứt gãy, còn gọi là phay phá, là quá trình biến động địa chất trong những giai đoạn tiền sử khiến cho một bên vỉa than chìm xuống, còn một bên kia bị đẩy lên. Hiện tượng này cũng làm cho đất đá xung quanh vệt đứt gãy này bị vò nhàu, làm thay đổi tính chất cơ lý của đất đá, khiến đất đá các khu vực này mềm yếu, nhất là khi chúng bị thẩm thấu, ngậm no nước. Hiện tượng này, trong khai thác mỏ gặp phải là chuyện hết sức bình thường. Nhưng đối với Than Khe Chàm, đứt gãy có quy mô rộng, lại ở độ sâu tới mức -300 so với mực nước biển, nên xử lý rất khó khăn!
Giải pháp nào?
Nắm bắt được tình hình trên, lãnh đạo Tập đoàn và các ban chuyên môn đã nhiều lần xuống Than Khe Chàm kiểm tra để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đơn vị. Tập đoàn cũng đã chỉ đạo Viện KHCN Mỏ, các đơn vị tư vấn thiết kế vào cuộc, coi như đây là đề tài cấp bách, cần huy động sự sáng tạo. Thậm chí, lãnh đạo Tập đoàn còn thành lập tổ công tác đặc biệt, cử một đồng chí Phó Tổng Giám đốc làm tổ trưởng, đặc trách, thường xuyên kiểm tra, theo dõi để phối hợp tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Các đường lò được tổ chức chống xén liên tục nhưng vẫn thường xuyên bị nén thấp do đất đá mềm yếu. Hiện nay, Than Khe Chàm đã tập trung toàn bộ diện khai thác về khu vực Khe Chàm III với tổng số 8 lò chợ hoạt động đồng thời. Giải pháp cơ bản cho đến nay vẫn là tích cực xén lò để vượt qua những phay phá, đứt gãy này. Khi nào các đường lò khai thác đi qua những vũng đất đá mềm yếu thì tình hình sẽ được cải thiện tốt hơn. Mới đây nhất, Tổng Giám đốc Tập đoàn cũng đã cùng các ban chuyên môn kiểm tra tình hình sản xuất tại Công ty. Tổng Giám đốc cùng tổ công tác và các ban chuyên môn đã đi kiểm tra thực trạng tại lò chợ Khai thác 8 vỉa 14.5.15. Đại diện các Ban chuyên môn, lãnh đạo Tập đoàn chia sẻ và đánh giá cao những nỗ lực vượt qua khó khăn của cán bộ công nhân Công ty trong điều kiện sản xuất phức tạp như hiện nay. Sau hai tháng Tập đoàn thành lập tổ công tác, đến nay, kỹ thuật trong khâu đào, xén lò đã cơ bản tốt dần lên theo đúng KTCB, tổ công tác cũng đưa ra phương án tập trung nhiều hơn vào những lò chợ có điều kiện xén tốt để nâng sản lượng than với tinh thần xén lò chợ nào được lò chợ đấy, cố gắng hết tháng 6 sang đầu tháng 7 cải thiện cơ bản điều kiện làm việc của 8 lò chợ để dần tăng sản lượng khai thác…
Theo đồng chí Nguyễn Đình Thịnh – Phó TGĐ Tập đoàn – Tổ trưởng tổ công tác “đặc biệt” chỉ đạo thì công việc trước mắt hiện nay của Công ty là tập trung xén lò để đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động. Về phía Tập đoàn tiếp tục có cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho Công ty. Đồng thời tổ công tác vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát thường xuyên, cùng với Công ty tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn với các nội dung công việc hết sức cụ thể theo từng ca, từng ngày… Nếu tính theo biểu đồ sản xuất, những tháng còn lại của năm 2019 (từ tháng 7/2019), Công ty đào mới 12.000 mét lò, nhưng mét lò xén lên đến 3.400 mét. Điều này là chưa từng có đối với các đơn vị có điều kiện địa chất bình thường.
Về giải pháp trước mắt, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, tư vấn, các ban tham mưu Tập đoàn phối hợp tốt với đơn vị tập trung khắc phục những khó khăn theo hướng linh hoạt như: Đề xuất các vật liệu chống lò phù hợp, chống bùng nền, chống nén tốt; tổ chức xén lò thường xuyên để vừa giữ an toàn cho người và thiết bị, vừa phấn đấu từng bước gia tăng sản lượng khai thác, đáp ứng ở mức cao nhất, đảm bảo thu nhập và đời sống cho người lao động; đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật theo điều kiện thực tế của đơn vị để người lao động yên tâm làm việc… Thực tế, mặc dù điều kiện khó khăn, sản lượng khai thác tụt nhưng từ đầu năm đến nay, thu nhập bình quân của người lao động Công ty vẫn đạt 13 triệu đồng/người/tháng, trong đó, khối thợ lò đạt bình quân 16 triệu đồng/người/tháng.
Về lâu dài, lãnh đạo Tập đoàn cũng chỉ đạo các ban tham mưu, các đơn vị nghiên cứu, tư vấn phối hợp với đơn vị đưa ra giải pháp căn cơ liên quan đến cả hệ thống khai thác, các giải pháp công nghệ, kỹ thuật trong nước và thế giới, phấn đấu giữ vững sản lượng khai thác đạt từ 1,8 triệu tấn/năm trở lên. Đặc biệt là, càng trong khó khăn càng phải quan tâm đến công tác an sinh xã hội, chăm lo toàn diện đời sống người lao động; ưu tiên cải thiện điều kiện việc làm, đảm bảo an toàn lao động cho người lao động; phát huy tốt truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” đoàn kết vượt qua thách thức…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/go-kho-cho-than-khe-cham-201907031559443926.htm” button=”Theo vinacomin”]