Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải đi lò kiểm tra tình hình sản xuất của Công ty than Khe Chàm (Ảnh Hùng Mạnh)
Tính đến hết tháng 7/2018, khó khăn vẫn đang bủa vây Công ty than Khe Chàm, hầu hết các chỉ tiêu chính đều chưa hoàn thành kế hoạch đặt ra. Điều kiện địa chất các khu vực lò chợ khai thác thay đổi, biến động rất phức tạp ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kéo theo những khó khăn trong hạch toán chi phí cũng như chi trả tiền lương của người lao động. “Phải cùng vào cuộc để gỡ khó cho Than Khe Chàm” – đó là chỉ đạo của Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải tại buổi làm việc với đơn vị vừa qua.
Khó mọi bề
Tại buổi làm việc với Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải, Giám đốc Công ty than Khe Chàm Nguyễn Huy Nam đã báo cáo kết quả hoạt động SXKD và những khó khăn đơn vị đang phải đối mặt. Theo đó, năm 2018, hầu hết các diện sản xuất của Công ty đều đang gặp khó. Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ thu hồi than nóc 14.5-5 gặp khấu cắt đá trụ nổi cục bộ nên phải khoan bắn mìn om đá trụ, đồng thời lớp đá trụ có thành phần là sét kết khi gặp nước bị trương nở, gây lún nén và làm dàn chống bị xô nghiêng nên thường xuyên phải thực hiện căn chỉnh dàn chống, dẫn đến tăng thời gian hoàn thành chu kỳ, giảm sản lượng khai thác. Với các lò chợ giá xích, do ảnh hưởng của điều kiện địa chất nên khấu gặp nước, cắt đá và phải thực hiện thu rút, chuyển diện một số lò chợ sớm hơn so với dự kiến (trong 6 tháng phải thực hiện chuyển diện 8 lần). Trong năm 2018, Công ty phải huy động 04 lò chợ XDCB vào hoạt động nhưng ¾ lò chợ có điều kiện địa chất phức tạp nên việc khai thác gặp rất nhiều khó khăn.
Song song với đó, công tác đào lò của Công ty cũng không đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt là đối với mét lò CBSX. Nguyên nhân là do các đường lò của Công ty chủ yếu đào lò trong vỉa 14.5, có than mềm yếu bở rời, dễ tụt lở trước gương làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và không thể đưa neo vào chống giữ. Đồng thời, cũng do ảnh hưởng của điều kiện địa chất khiến một số lò chợ phải chuyển diện sớm, vì vậy khối lượng công việc phát sinh lớn, Công ty phải huy động các công trường đào lò tham gia hỗ trợ thực hiện chuyển diện như: hạ nền, lắp đặt đường sắt, củng cố, chống xén… dẫn đến thời gian thi công không liên tục và ảnh hưởng đến năng suất đào lò.
Với những điều kiện sản xuất khó khăn như vậy, sản lượng của Công ty đạt thấp, các phát sinh chi phí ngoài kế hoạch đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận của đơn vị. “Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Than Khe Chàm gặp khó trong công tác quản lý lao động tiền lương. Do năng suất không đạt nên tiền lương và thu nhập của người lao động đạt thấp, tỷ lệ công nhân nghỉ việc nhiều, trong khi đó công tác tuyển dụng thợ lò của Công ty hiện cũng rất khó khăn” – Giám đốc Nguyễn Huy Nam cho biết.
Nỗ lực của Khe Chàm
Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo và tập thể CBCNV Công ty than Khe Chàm đã rất nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ về mọi mặt để khắc phục khó khăn. Ưu tiên hàng đầu là các giải pháp kỹ thuật nhằm duy trì hoạt động sản xuất như: khoan ép nước tăng tính liên kết của than nhằm đảm bảo an toàn, cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế tình trạng lở than trước gương và ách tắc sản xuất; phối hợp cùng với Viện KHCN Mỏ và chuyên gia Trung Quốc triển khai hoàn thiện kết cấu chống giữ hợp lý tại các đường lò thông gió – vận tải chính của mỏ nằm trong vùng ảnh hưởng của đứt gãy FL, Bắc Huy để hạn chế tình trạng đường lò bị lún, giảm tỷ lệ chống xén, tập trung nhân lực cho đào lò; áp dụng các giải pháp khấu chống giữ hậu để lưu giữ sử dụng tại các đường lò dọc vỉa thông gió, dọc vỉa vận tải của các lò chợ để phục vụ công tác bơm thoát nước, thông gió, vận chuyển vật liệu, đi lại và giảm chi phí phải đào lò…
Bên cạnh đó, Công ty cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp khác từ sắp xếp lại mô hình tổ chức sản xuất, quản lý điều hành phù hợp, đẩy mạnh áp dụng THH – TĐH vào một số lĩnh vực để cải thiện điều kiện làm việc và giảm số lao động gián tiếp, đến tăng cường công tác quản trị chi phí chặt chẽ các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ, tận dụng tối đa vật tư cũ, vật tư thu hồi đề giảm chi phí… Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Tập đoàn, Công ty đã điều chỉnh tăng đơn giá tiền lương cho các đơn vị khai thác gặp điều kiện khó khăn để đảm bảo thu nhập và giữ chân thợ lò. Đồng thời, các hoạt động khen thưởng đối với người lao động có năng lực, thợ lò có ngày công cao; đối thoại định kỳ để kịp thời giải quyết những vướng mắc cho công nhân ngay tại khai trường giúp họ yên tâm gắn bó với công việc… là những việc làm thể hiện sự nỗ lực của lãnh đạo Than Khe Chàm nhằm thúc đẩy tinh thần lao động sản xuất của người lao động trong toàn Công ty.
Cùng vào cuộc
Để Công ty than Khe Chàm có thể vượt qua khó khăn của năm 2018 và các năm tiếp theo, Giám đốc Nguyễn Huy Nam đã đề xuất với Tổng Giám đốc Tập đoàn một số vấn đề như: đề xuất Tập đoàn hỗ trợ Công ty đảm bảo thu nhập, giữ chân thợ lò và hỗ trợ một phần chi phí phát sinh ngoài khoán để Công ty khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động của mỏ; hỗ trợ chi phí ngoài khoán để Công ty thực hiện công tác xén, gia cố, duy tu các đường lò giếng chính, giếng phụ, sân ga, hầm trạm mức -300 nhằm đảm bảo duy trì hoạt động của mỏ…
Sau khi trực tiếp đi lò kiểm tra tình hình thực tế, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải chỉ đạo các Phó TGĐ phụ trách và các Ban liên quan phối hợp với Công ty than Khe Chàm để cùng các đơn vị tư vấn, chuyên gia đưa ra những phương án khắc phục các điều kiện sản xuất khó khăn hiện tại của Công ty một cách phù hợp, triệt để và hiệu quả nhất. TGĐ nhấn mạnh rằng, việc giải quyết bài toán khó trong hoạt động SXKD của Than Khe Chàm cũng là bài học kinh nghiệm cho các đơn vị khai thác mỏ hầm lò TKV trong thời gian tới. Tổng Giám đốc cũng yêu cầu tập thể CBCNV và cả hệ thống chính trị của Công ty phải đồng lòng, đoàn kết để nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trước những đề xuất của đơn vị, Lãnh đạo Tập đoàn sẽ hỗ trợ tối đa, giúp duy trì ổn định hoạt động SXKD và đảm bảo thu nhập, đời sống cho người lao động của Than Khe Chàm trong thời gian tới cũng như các năm tiếp theo.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/go-kho-cho-khe-cham-201809061711340136.htm” button=”Theo vinacomin”]