Khá tò mò khi không biết nữ Trưởng ban duy nhất của TKV sẽ “xoay sở” ra sao khi vốn đã đảm trách lĩnh vực khá “nhạy cảm” vì liên quan đến pháp luật là Pháp chế và giờ đây lại thêm lĩnh vực Thanh tra cũng không kém phần phức tạp, tôi đã đăng ký gặp chị ngay trong những ngày đầu tiên của tháng 9/2017 khi Ban chị chính thức tiếp nhận thêm nhiệm vụ mới này. Cuộc trò chuyện giữa Trưởng ban Đặng Thị Tuyết với phóng viên Tạp chí TKV đầy thú vị và cởi mở. Với tôi, lắng đọng nhất trong câu chuyện chính là những phút chị trải lòng về những nỗ lực để giữ mãi được ngọn lửa nhiệt huyết cho tròn cả hai “vai” mà chị tự thấy mình may mắn khi được lãnh đạo Tập đoàn tin tưởng giao nhiệm vụ.
Không song hành nhưng có tính chất bổ trợ rất cao
+ Chị có thể nói cụ thể hơn về việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra – Bảo vệ và Ban Pháp chế thuộc cơ quan quản lý, điều hành Tập đoàn kể từ ngày 01/9/2017?
– Tổng Giám đốc Tập đoàn đã ký Quyết định số 1628 ngày 30/8/2017 về việc điều chỉnh chức năng nhiệm vụ Ban Thanh tra – Bảo vệ và Ban Pháp chế Tập đoàn. Theo đó điều chuyển chức năng nhiệm vụ tham mưu, thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ Ban Thanh tra – Bảo vệ về Ban Pháp chế thực hiện; đổi tên Ban Thanh tra – Bảo vệ thành Ban Bảo vệ; đổi tên Ban Pháp chế thành Ban Thanh tra – Pháp chế và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/9/2017.
+ Với cá nhân chị cũng như Ban thì đây là một mảng việc rất mới mẻ?
– Bạn nói đúng! Không chỉ tôi mà với các thành viên trong Ban Pháp chế trước đây thì Thanh tra là mảng công việc khá mới mẻ. Đảm nhận vai trò là Trưởng ban nên bản thân tôi lại càng ý thức hơn bao giờ hết cần phải học hỏi và trau dồi thêm kiến thức một cách tích cực thì mới đáp ứng công việc được giao. Tuy có những “bỡ ngỡ” nhất định như vậy nhưng tôi cũng rất may mắn vì khi giao thêm chức năng thanh tra cho Ban, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã điều động toàn bộ các cán bộ làm công tác thanh tra có rất nhiều kinh nghiệm về Ban. Bên cạnh đó, tôi cũng đã có thời gian khá lâu làm Uỷ viên UBKT rồi Phó chủ nhiệm UBKT Đảng uỷ Tập đoàn, cũng đã tham gia nhiều chương trình kiểm tra, giám sát của Đảng uỷ, UBKT. Tôi tin rằng, với kinh nghiệm công tác của bản thân cùng sự hỗ trợ của các cán bộ trong Ban, trong Tập đoàn, chắc chắn chúng tôi sẽ không phụ lòng tin của lãnh đạo Tập đoàn đã giao phó.
+ Là người ngoại đạo nên tôi không hiểu một cách cặn kẽ, lĩnh vực Pháp chế và Thanh tra liệu có hay không một “điểm chung”?
– Có thể hiểu một cách đơn giản như thế này nhé, công tác Pháp chế doanh nghiệp, quản trị rủi ro thường là tư vấn, định hướng để chuẩn bị cho các hoạt động SXKD của doanh nghiệp được thực hiện tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành, giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể xảy ra. Còn công tác Thanh tra được thực hiện sau khi hoạt động SXKD đã diễn ra là kiểm tra, phát hiện những sai phạm, sự tuân thủ chính sách pháp luật, những quy định nội bộ, từ đó kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, thậm chí là đề xuất các biện pháp xử lý nghiêm khắc nhằm rút kinh nghiệm cho quá trình quản trị của chu kỳ hoạt động tiếp theo. Cá nhân tôi nghĩ rằng, đây tuy là hai công việc không song hành nhưng lại có tính chất bổ trợ cho nhau rất cao.
Công việc của Ban ổn định, bắt nhịp theo guồng máy chung
+ Lúc này đây với Ban Thanh tra – Pháp chế chắc hẳn đang bộn bề rất nhiều công việc để nhanh chóng ổn định tổ chức?
– Chắc chắn là như vậy rồi. Tôi quan niệm rằng, việc sắp xếp lại, bổ sung chức năng nhiệm vụ cho một tổ chức (dù tổ chức đó là to hay bé) thực chất không phải đơn giản là phép cộng cơ học thông thường mà ổn định tổ chức là việc cực kỳ quan trọng. Do vậy, ngay khi nhận quyết định là đến kỳ nghỉ tết Độc lập, tuy chưa thể tổ chức họp Ban, phân công công việc nhưng tôi đã ngay lập tức thông tin đến các đồng chí đứng đầu mỗi mảng công việc trong Ban thông điệp “Mọi công việc chuyên môn của Ban phải được thực hiện ổn định bình thường, không vì bất kỳ lý do gì làm ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng công việc của Ban” và việc này cũng đã được anh chị em trong Ban ủng hộ. Cho đến hôm nay ngồi đây với bạn thì mọi công việc của Ban đã được ổn định, triển khai một cách bình thường, bắt nhịp theo guồng máy chung của Tập đoàn.
+ Bổ sung thêm nhiệm vụ mới, liệu sẽ có sự xáo trộn nhiều trong việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban, thưa chị?
– Về cơ bản việc phân công công việc cho mỗi chức danh trong Ban sẽ không có sự xáo trộn, tinh thần là tất cả mọi người có thể nhận bổ sung thêm nhiệm vụ vì đòi hỏi của công việc.
+ Chị có thể “hé mở” những dự định của Ban Thanh tra – Pháp chế trong thời gian sắp tới?
– Bên cạnh việc tiếp tục triển khai kế hoạch về công tác Pháp chế, Quản trị rủi ro và Thanh tra đã xây dựng từ đầu năm, chúng tôi sẽ tiến hành đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo Tập đoàn cho ban hành mới, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung một số quy chế, quy định, quy trình của Tập đoàn phục vụ cho công việc chuyên môn nhằm chuẩn hoá công tác Thanh tra, Pháp chế, Quản trị rủi ro trong Tập đoàn. Ngoài ra, giờ đây Ban đã có lực lượng cán bộ đủ mạnh nên cũng muốn đề xuất để thực hiện một số việc đã ấp ủ từ trước, nhưng sợ “nói trước bước không qua” (cười), xin phép chưa nói ra, hẹn bạn khi thành công chắc chắn mình sẽ cung cấp thông tin.
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
+ Thực tâm mà nói, chị có cảm thấy quá áp lực khi là phụ nữ lại đảm trách nhiệm vụ Trưởng ban của lĩnh vực khá “nhạy cảm” vì liên quan đến pháp luật là Pháp chế và giờ đây là thêm lĩnh vực Thanh tra cũng không kém phần hóc búa và được coi là rất phức tạp?
– “Hóc búa” thì chưa biết nhưng “phức tạp” thì chắc chắn rồi. Mặc dù lĩnh vực Pháp chế doanh nghiệp và lĩnh vực Thanh tra tương đối khác nhau về “đối tượng tác động” và “mục tiêu tác động”, tuy nhiên khó có thể nói lĩnh vực nào ít phức tạp hơn lĩnh vực nào. Mà bạn thấy đấy, trong thời điểm hiện nay tình hình hoạt động SXKD của các doanh nghiệp nói chung chứ không chỉ riêng Tập đoàn TKV gặp rất nhiều khó khăn, áp lực về doanh thu, tốc độ tăng trưởng, hệ số tài chính… luôn đè nặng lên đôi vai của những nhà quản lý doanh nghiệp, những người đứng đầu mỗi lĩnh vực được giao quản lý và đâu đó có những sự việc đối ngược của các yêu cầu về tuân thủ. Mình nói như vậy để thấy rằng áp lực công việc và đôi khi là stress không chỉ xảy ra đối với những người đứng đầu lĩnh vực Thanh tra hay Pháp chế và mình cũng đang đồng hành cùng các đồng nghiệp khác để vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
+ Chị có bí quyết gì để “giữ lửa” cho tròn hai “vai”?
– Thực sự nói bí quyết thì to tát quá. Mình chỉ tâm niệm một điều rằng, làm bất cứ công việc gì cũng cần có nhiệt huyết. Dù đảm trách nhiệm vụ Thanh tra hay Pháp chế cũng phải giữ vững cái tâm, nỗ lực làm sao để góp được một phần nhỏ bé chia sẻ gánh nặng với lãnh đạo Tập đoàn. Quan trọng hơn là không bao giờ bằng lòng với những kiến thức mình có – khi đó là mình thất bại. Dù ở tuổi nào, ở vị trí nào cũng rất cần học hỏi, trau dồi và cập nhật những cái mới. Tôi đặc biệt thích câu: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” để không thấy nhàm chán và giữ mãi được “lửa” đam mê với công việc hàng ngày của mình.
+ Vậy nữ Trưởng ban duy nhất của TKV đã “chọn” được niềm vui gì trong công việc của mình mỗi khi bắt đầu một ngày làm việc mới?
– Câu hỏi khó quá nhà báo ạ (cười). Mình bao giờ cũng đến cơ quan lúc 7h30 sáng (lúc này gần như trong Ban chỉ có một mình) và trước tiên là rà soát những công việc đã thực hiện ngày hôm trước, những việc còn đang tồn tại cần giải quyết (được sắp xếp theo yêu cầu vào tính cấp bách về thời gian) để đôn đốc anh em trong Ban thực hiện; check mail, check portal và giải quyết những công việc mang tính đột xuất, theo yêu cầu. Mình vui khi việc hôm nay không bao giờ để ngày mai, vui khi thời gian ở Ban anh chị em luôn gắn kết như một gia đình…
+ Trân trọng cảm ơn chị và kính chúc chị cũng như Ban Thanh tra – Pháp chế luôn vững vàng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/giu-lua-cho-tron-hai-vai-201710031716103591.htm” button=”Theo vinacomin”]