Cứ đến ngày rằm, mùng 1, nhiều người dân TP Nam Định lại mang hương hoa dâng lên một người được thờ bên trong cột cờ thành phố, thuộc khuôn viên Bảo tàng tỉnh Nam Định.
Đó là bà Nguyễn Thị Trinh – người còn được gọi với nhiều tên khác như: Giám thương công chúa, Bà chúa Cột cờ, Thành hoàng đương cảnh, Công chúa coi kho, Bà chúa kho…
Câu chuyện về sự hi sinh anh dũng của Bà chúa Cột cờ vẫn được người dân Nam Định lưu truyền đến ngày hôm nay.
Cột cờ Nam Định – một trong những địa danh lịch sử và văn hóa của thành phố
Ông Phạm Trọng Thanh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng, câu chuyện về Bà chúa Cột cờ là một trong những di sản tâm linh và văn hóa của thành phố.
Theo lời kể của ông Thanh, bà Nguyễn Thị Trinh là con gái của Vệ úy Nguyễn Kế Hưng, người được giao trọng trách coi kho lương thực, khí giới quân dụng của thành Nam Định vào những năm 1870.
Nguyễn Thị Trinh được cha dạy chữ từ nhỏ. Dần dần, thấy con gái yêu thích cả võ thuật nên người cha dạy con các bài quyền, đường dao để phòng thân. Dần dần, Nguyễn Thị Trinh đảm nhiệm chức giám thương thay cha.
Cuối năm 1873, quân Pháp tấn công thành Nam Định.
Tại khu quân lương, tiếng súng, đạn mỗi lúc một rõ dần. Tiểu thư Nguyễn Thị Trinh cùng đội trưởng Trần Dũng chia làm 2 ngả, cho quân cầm vũ khí chốt chặt các cửa ra vào nhà kho.
Vệ úy Nguyễn Kế Hưng cùng 2 người lính lên tầng chót Cột cờ nhìn bao quát toàn bộ trận chiến. Đại bác nhắm vào cổng thành, đạn bay tứ phía dồn đuổi quân ta. Các dinh thất bị chiếm đóng.
Cột cờ bị vây ráp, lính Pháp chĩa súng lên tầng cao xả đạn. Vệ úy Nguyễn Kế Hưng trúng đạn. Giặc từ hai phía uy hiếp quân ta. Từng người lính bị bắn hạ khi xông ra giáp chiến.
Tầng bệ Cột cờ Nam Định có một gian thờ Bà chúa coi kho Nguyễn Thị Trinh, người đã hi sinh trong trận đánh bảo vệ thành phố năm 1873
Nghe tin cha bị thương, Cột cờ thất thủ, tiểu thư Nguyễn Thị Trinh lệnh cho quân đi giải vây. Nhưng chưa kịp cứu cha thì nàng bị giặc Pháp hạ gục bằng đạn súng.
Thành Nam Định thất thủ vào giờ Mùi ngày 21/10 năm Quý Dậu (tức 11/12/1873). Hơn 100 người đã hi sinh trong trận chiến giữ thành.
Sáng hôm sau, thi thể bà Nguyễn Thị Trinh được tìm thấy ngay dưới chân Cột cờ nên người dân quyết định chôn bà ở nơi đây, sát lùm cây phía đông Cột cờ.
Bà tử trận khi mới tròn 21 xuân xanh.
Vào ngày rằm, mùng 1, rất đông người dân Nam Định về đây dâng hương lên Bà chúa coi kho
Ngay sau ngày quân Pháp rút chạy khỏi Nam Định (10/1/1874), vua Tự Đức xét công lao, phong tặng những người tiết nghĩa. Tiểu thư Nguyễn Thị Trinh được phong “Giám thương công chúa” (hay còn gọi là Công chúa coi kho).
Nhân dân thành Nam xây miếu thờ người liệt nữ bên cạnh Cột cờ. Năm 1972, Cột cờ bị tên lửa Mỹ phá sập. Đến năm 1977, Cột cờ được xây dựng lại, phục nguyên tầm vóc uy nghi như thuở nào.
Đến nay, Giám thương công chúa được thờ ngay dưới tầng bệ của Cột cờ. Tại đây vẫn còn giữ nguyên các hoành phi, câu đối ca ngợi công lao của bà.
Cứ đến rằm, mùng 1 hằng tháng, người dân Nam Định lại ra đây dâng hương, phần tưởng nhớ công lao của bà hơn trăm năm trước, phần để bày tỏ những ước nguyện, mong cầu cho gia đình, bản thân.
Ông Phạm Trọng Thanh cho biết, xét về mặt tâm linh, vì là người coi kho nên bà Nguyễn Thị Trinh được người dân “tín nhiệm” khi có những mong cầu về tiền tài, của cải.
Giai thoại về Giám thương công chúa được ghi lại tại gian phòng bên trong chân Cột cờ
Ông Nguyễn Văn Thư, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định – nơi Cột cờ đang nằm trong khuôn viên – cho biết, Cột cờ Nam Định được xây dựng từ thời nhà Nguyễn. Hai lần Pháp đánh thành Nam Định vào năm 1873 và 1883 đều đặt mục tiêu phải chiếm Cột cờ trước.
Trước lợi thế về con người cũng như vũ khí của quân Pháp, các tướng lĩnh bảo vệ Cột cờ bị rơi vào thế lâm nguy. Con gái vệ uý coi kho lương của thành Nam lúc đó mới ngoài 20 tuổi đã đem một đội quân đánh giải vây cho quân ta, nhưng vì uy thế quân Pháp quá mạnh, bà hi sinh ngay tại Cột cờ.
Sau 3 ngày, nhân dân an táng bà ngay tại đó. Sau khi bà mất, vua Tự Đức phong bà là Công chúa Giám thương. Vua Thành Thái ban cho bà là Tiết liệt anh phong. Nhân dân Thành Nam suy tôn bà là Bản Cảnh Thành hoàng và hiện nay bà vẫn được thờ ở Kỳ đài.
Chuyện cảm động trong ngôi ‘chùa nghèo’ nuôi 8 đứa trẻ bị bỏ rơi ở Hà Tĩnh Bên trong ngôi ‘chùa nghèo’ là cả thế giới yêu thương của vị sư trụ trì với những đứa trẻ bị bỏ rơi, là tấm lòng của những phật tử hướng thiện. Bí ẩn ngôi miếu nằm giữa ngã ba đường khiến nhiều người đến khấn vái Ngôi miếu nhỏ có 4 mặt nằm giữa ngã 3 đường được nhiều khách thập phương tìm đến khấn vái. Người giàu nhất Sài Gòn xưa, giai thoại thuê nhân công phơi tiền cho khỏi mốc Trong thời kỳ cực thịnh, gia đình Huyện Sỹ nắm trong tay toàn bộ vùng đất trù phú ở Gò Công, Long An, Tiền Giang kéo dài đến tận biên giới Campuchia.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/giai-thoai-ve-ba-chua-duoc-menh-danh-thanh-hoang-cua-tp-nam-dinh-2338045.html