Tuyến băng tải vận tải than từ khu vực kho than Khe Ngát ra cảng Điền Công vừa được khánh thành đưa vào sử dụng thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của Tập đoàn và tỉnh Quảng Ninh, TP. Uông Bí trong lộ trình từng bước hiện đại hóa công tác vận tải để chấm dứt chạy than bằng xe ô tô trên quốc lộ, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cũng như bảo vệ môi trường. Bởi trên thực tế có quá nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án như, mức đầu tư lớn lên tới hàng ngàn tỷ đồng với vài chục gói thầu, đặc biệt là quá trình giải phóng mặt bằng phức tạp liên quan tới hàng trăm hộ dân đang sinh sống và canh tác…
Dự án ngàn tỷ
Cuối năm 2017, tuyến băng tải Khe Ngát – Điền Công đã được đưa vào vận hành trong niềm vui khôn xiết của công nhân, cán bộ Tập đoàn, Công ty Kho vận Đá Bạc và nhân dân TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh sau 2 năm thi công. Đây là dự án lớn với tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng được Tập đoàn giao cho Công ty Kho vận Đá Bạc – TKV làm chủ đầu tư. Chỉ riêng công tác huy động vốn cho dự án đã là một thách thức. Ngoài ra, Dự án được triển khai trên quy mô rộng hơn 21ha, chạy qua địa bàn 3 xã, phường của TP Uông Bí, gồm: Điền Công, Bắc Sơn, Quang Trung. Có tới 231 hộ dân thuộc diện giải tỏa mặt bằng. Và đây cũng là một thách thức không nhỏ. Dự án có khối lượng hạng mục, công việc khổng lồ. Công suất thiết kế vận chuyển của hệ thống băng tải đạt 6 triệu tấn than/năm. Dự án gồm các hạng mục chính, là: Hệ thống băng khu vực Ga A đến kho Khe Ngát với chiều dài hơn 1.590m và hệ thống băng tải uốn từ kho Khe Ngát ra cảng Điền Công dài 6.055m. Hai hệ thống băng tải được thiết kế đường băng rộng 1,2m, công suất vận tải 1.150 tấn than/giờ. Dự án còn xây dựng 1 kho chứa than kín Khe Ngát (gần khu vực Ga A) dài hơn 200m, rộng 60m, cao hơn 30m với sức chứa 26.000 tấn than và các công trình phụ trợ khác… Toàn bộ các hạng mục của Dự án lên tới 31 gói thầu khác nhau, trong đó Công ty Cổ phần Cơ khí và Lắp máy Việt Nam là nhà thầu chính thực hiện gói thầu số 20, là gói thầu EPC, một hạng mục cốt lõi của hệ thống băng tải, bao gồm: Thiết kế, thi công xây dựng, cung cấp, lắp đặt thiết bị để vận chuyển than từ Trạm dỡ tải Toa xe Khe Ngát ra cảng Điền Công.
Cả TP. Uông Bí vào cuộc giải phóng mặt bằng
Có thể nói, khó khăn lớn nhất của Dự án vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, do có nhiều hộ liên quan đến diện giải tỏa, tổng số 231 hộ. Trong đó, tính chất sử dụng đất của các hộ lại rất khác nhau, từ đất ở đến đất nông nghiệp, đất khai hoang… kéo dài hơn 8km. Do vậy, nhiều thời điểm tưởng như Dự án không thể triển khai. Nhiều hộ dân không đồng tình với mức đền bù mà Ban giải phóng mặt bằng đưa ra. Họ không nhận đền bù và tìm mọi cách cản trở công tác thi công ở nhiều vị trí.
Để giải quyết những vướng mắc căn bản này, Ban quản lý Dự án đã bám sát chính quyền địa phương, thực hiện nhiều giải pháp từ thỏa thuận đến thuyết phục cùng nhiều biện pháp “cứng” để giải phóng mặt bằng. Xác định được lợi ích nhiều mặt từ Dự án, chính quyền TP. Uông Bí từ lãnh đạo đến các sở ban ngành đã vào cuộc mạnh mẽ cùng với chủ đầu tư để quyết tâm giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ cho thi công Dự án. Lãnh đạo thành phố họp kiểm điểm thường xuyên với Ban giải phóng mặt bằng, đồng thời tổ chức đối thoại với người dân thuộc các hộ đền bù để cùng giải quyết những vướng mắc, đưa ra những quyết định thỏa đáng, hợp tình hợp lý nhằm vừa đạt được mục tiêu vừa đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.
Ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện vào tháng 2/2016, UBND TP. Uông Bí đã họp công khai quy hoạch, phổ biến chính sách đến các hộ dân, đồng thời giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất kiểm đếm tài sản trên đất các hộ gia đình. Nhiều cuộc, đồng chí Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo các xã phường dọc tuyến về nhiều nội dung như: Xác định rõ nguồn gốc đất của các hộ dân liên quan đến dự án; vận dụng theo đúng quy định của pháp luật về giá đối với đất ở và đất nông nghiệp; việc kiểm đếm cây cối, hoa màu hay các trình tự liên quan đến công tác tái định cư cũng như kết hợp với công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân trong giải phóng mặt bằng…
Lãnh đạo TP. Uông Bí cũng đã tổ chức nhiều buổi đối thoại trực tiếp với người dân và trả lời thỏa đáng những thắc mắc của từng hộ dân trong công tác đền bù. Có thể nói, cả thành phố Uông Bí đã vào cuộc cùng với chủ đầu tư để công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ trong triển khai dự án.
Trong Quyết định số 1268/QĐ-UBND, ngày 12/5/2015 về việc sắp xếp cảng, bến thủy nội địa tiêu thụ than và tuyến đường vận chuyển than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020, tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ: Vùng Uông Bí từ ngày 1/1/2018 sẽ chuyển dần việc vận chuyển than bằng đường sắt, đường bộ sang băng tải. Đến năm 2021, sẽ chuyển sang vận chuyển hoàn toàn bằng hệ thống băng tải. Vì vậy Dự án tuyến băng tải Khe Ngát – Điền Công của Tập đoàn đưa vào hoạt động đã kịp thời thực hiện quy hoạch chung của tỉnh Quảng Ninh. Dự án không chỉ nâng cao công suất vận chuyển than khu vực Uông Bí ra cảng Điền Công theo hướng đồng bộ, hiện đại mà còn góp phần giảm thiểu ảnh hưởng môi trường đến khu vực Uông Bí. Mặt khác, do đường sắt vận chuyển than giao cắt với đường nội thị trung tâm phường Quang Trung nên vào những giờ cao điểm rất dễ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Vì vậy, việc đưa tuyến băng tải này vào vận hành còn khắc phục được cơ bản bài toán ùn tắc giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/giai-phong-mat-bang-kinh-nghiem-tu-du-an-ngan-ty-201804090954144912.htm” button=”Theo vinacomin”]