Năng suất của ngành khai thác khoáng sản trên thế giới đã giảm 28% so với 10 năm trước. Báo cáo Chỉ số Năng suất MineLens (MineLens Productivity Index – MPI) của công ty xếp hạng McKinsey công bố đầu năm 2015 cho thấy rõ sự sụt giảm xếp hạng về năng suất của ngành khai thác khoáng sản so với các ngành khác như sản xuất ô tô, hóa chất.
Khi phân tích đồ thị bên dưới về năng suất ngành khai thác khoáng sản thế giới theo chỉ số MPI thì năng suất của ngành giảm 6%/năm trong giai đoạn 2004-2009 và 0,4%/năm giai đoạn 2010-2013. Như vậy, tính trung bình ngành khai thác khoáng sản thế giới đã sụt giảm năng suất 3,5%/năm giai đoạn 2004-2009.
Khi phân tích đồ thị tiếp theo, có thể nhận thấy sự sụt giảm năng suất trong ngành khai thác khoáng sản trung bình hàng năm khác nhau giữa các khu vực trên thế giới. Bắc Mỹ có sự sụt giảm năng suất lớn nhất lên đến 4,8%/năm trong giai đoạn 2004-2013, tiếp đến khu vực Cận Sahara, châu Phi với tỷ lệ 4,5%. Ngành khai thác khoáng sản của ÚC cũng không nằm ngoài xu hướng trên khi trung bình giảm 4,2%/năm trong giai đoạn này.
Nước Úc được đánh giá có ngành khai thác khoáng sản phát triển và đóng góp lớn vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong thời kỳ nhu cầu khoáng sản tăng cao trên thế giới thì năm 2008-2009, ngành khai thác khoáng sản của Úc đóng góp 9,8% vào GDP. Tuy nhiên, theo Báo cáo thì chỉ số này của Úc đạt điểm cao nhất là 104 điểm năm 2007 và năm 2013 chỉ còn là 88 điểm và xếp ở vị trí không mong muốn là đứng thứ hai về năng suất thấp trong lĩnh vực này trên thế giới.
Vào đầu những năm 2000, ngành mỏ Úc, cũng như của các nước không phải đối mặt với sự suy giảm hiệu quả do nhu cầu của Trung Quốc về các loại khoáng sản tăng cao dẫn đến giá tăng một cách giả tạo. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không thể duy trì mãi và sau đó nhu cầu về khoáng sản đã sụt giảm nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu làm cho ngành khai thác khoáng sản của Úc mất hàng tỷ đô la Mỹ. Giải quyết vấn đề khủng hoảng về năng suất không chỉ cho ngành khai thác khoáng sản mà còn cho toàn bộ nền kinh tế của Úc. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này được cho là chưa có các bước đi rõ ràng.
Báo cáo về năng suất trong ngành khai thác khoáng sản của công ty Ernst & Young nhận định rằng, rất nhiều giám đốc điều hành cho rằng: “Năng suất là vấn đề thách thức số một đối với ngành khai thác khoáng sản và do vậy chắc chắn nó nằm trong kế hoạch hành động của họ”.
Trong ngành khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp thường quan tâm đến năng suất bằng việc giảm giá thành sản xuất và tăng sản lượng nhưng lại không quan tâm một cách chính xác tính hợp lý để có thể cải thiện năng suất chính.
Nhiều người cho rằng năng suất giảm khi hoạt động khai thác được mở rộng về quy mô do vậy dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, điều hành những công ty lớn và phức tạp như vậy. Và đặc biệt liên quan đến thách thức của doanh thu cao nhưng thiếu những nhân viên có kinh nghiệm trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất.
Vậy cần phải làm gì khi ngành khai thác khoáng sản đang rơi vào khủng hoảng?
Để trả lời câu hỏi này, các chuyên gia hàng đầu của Công ty tư vấn Boston (BCG- Boston Consulting Group) đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng năng suất ngành khai thác khoáng sản của Úc như sau:
– Cần có một tư duy mới trong việc tăng năng suất chứ không chỉ quan tâm tới việc giảm giá thành và tăng sản lượng.
Khi các nguồn khoáng sản có thể khai thác một cách dễ dàng bị cạn kiệt thì cần phải có cách tiếp cận mới trong việc cải thiện năng suất. Các công ty khai thác khoáng sản không chỉ thực hiện các giải pháp liên quan đến giảm chi phí và tăng sản lượng, mà cần áp dụng các giải pháp mới nhất trong đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh. Các công ty không thể chỉ thực hiện các giải pháp đơn lẻ mà cần áp dụng những giải pháp mang tính toàn diện để chuyển đổi hoạt động kinh doanh. Tức là đảm bảo rằng mỗi khâu của quá trình sản xuất được tối ưu hóa nhưng không phải chỉ nâng cao hiệu quả tại một khâu đó mà là trong cả hệ thống.
– Các công ty khai thác khoáng sản cần phải cân nhắc thêm hai vấn đề chính trong hoạt động đó là: hệ thống quản lý hiệu quả và con người tài năng.
Nâng cao hiệu quả trong quản lý các hợp đồng là một trong những yếu tố chính nâng cao năng suất. Một trong các giải pháp hiệu quả để tăng năng suất nhưng thường không được quan tâm đó là quản lý các nhà thầu. Việc quản lý các nhà thầu có thể kết hợp các hợp đồng. Một công ty mỏ chia sẻ rằng, bằng việc kết hợp 4 thiết bị thuê ngoài khác nhau một cách hiệu quả đã giúp công ty giảm được từ 15-25% chi phí hàng năm. Nói cách khác, chia nhỏ các hợp đồng mà theo đó yêu cầu năng lực hoặc các dịch vụ khác nhau dựa trên cơ sở các hợp phần có thể tạo ra các cơ hội hiệu quả mới.Theo BCG, tính trung bình, việc áp dụng nhiều mức độ đối với việc quản lý hợp đồng có thể tiết kiệm được từ 10-20% tổng các chi phí các hợp đồng Bên cạnh đó, năng suất lao động đó là vấn đề của giám đốc điều hành do vậy họ cần phải chỉ đạo và dẫn dắt quá trình đổi mới từ đầu đến cuối để giải quyết vấn đề này.
– Một hướng đi khác đó là sử dụng máy móc thiết bị trong khai thác.
Tự động hóa đang được coi là vị cứu tinh của ngành khai thác khoáng sản. Tuy nhiên nó không phải là liều thuốc có thể chữa được bách bệnh cho vấn đề năng suất. Số lượng thông tin khổng lồ có thể giúp thúc đẩy, cho phép đưa ra các quyết định quản lý một cách chính xác hơn nhờ vào các thông tin được chi tiết hơn nhưng nó không thể giải quyết được tất cả các vấn đề. Giám đốc điều hành của công ty Rio Tinto cho rằng “Một công ty mỏ hoạt động tốt mà ứng dụng tự động hóa sẽ trở thành một công ty hoạt động tốt nhờ được tự động hóa trong khi một công ty mỏ hoạt động kém cũng ứng dụng tự động hóa thì đơn giản vẫn là một công ty hoạt động kém có tự động hóa”
Có thể thấy rằng, có nhiều giải pháp để các công ty khai thác khoáng sản có thể tăng năng suất, bên cạnh giải pháp truyền thống là cắt giảm chi phí và tăng sản lượng, cũng như các công ty đang trong tình trạng buộc phải thay đổi để có thể tồn tại và phát triển thì những giải pháp trên cần được triển khai thực hiện.
Ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng như của các nước trên thế giới đang gặp phải vấn đề suy giảm năng suất. Đứng trước thách thức này TKV đã nhanh chóng đưa ra hàng loạt các giải pháp hữu hiệu như: tái cơ cấu mô hình tổ chức, quản lý của Tập đoàn và các công ty thành viên; quản trị chi phí; quản trị nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ… Trong thời gian qua các giải pháp đồng bộ nêu trên đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc cải thiện năng suất của TKV. Tuy nhiên, những gợi ý trên của các chuyên gia của Công ty tư vấn Boston không chỉ có giá trị đối với công ty mỏ của Úc mà còn có ý nghĩa đối với TKV khi mà năng suất vẫn còn là một trong những vấn đề trọng tâm cần phải thực hiện trong thời gian tới nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm của TKV.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/giai-phap-nao-khi-nang-suat-nganh-mo-the-gioi-giam-28-201601111604480502.htm” button=”Theo vinacomin”]