1. Những lợi ích từ cơ giới hoá
Nâng cao sản lượng, năng suất lao động
Thực tế cho thấy, trong điều kiện vỉa dày trung bình, dốc thoải đến nghiêng, lò chợ CGH đồng bộ tại Khe Chàm đạt sản lượng cao hơn từ 2,3 – 3,9 lần, yêu cầu nhân lực trực tiếp chỉ khoảng 90 người/ngày-đêm (bằng 64,29% lò chợ thủy lực đơn), đã cho năng suất lao động cao gấp 3,5 lần so với lò chợ thủy lực đơn trong cùng điều kiện. Trong điều kiện vỉa dày, dốc thoải, lò chợ CGH tại Nam Mẫu, Hà Lầm cũng đã đạt sản lượng từ 36.000 – 68.000 T/tháng, năng suất lao động từ 8,2 – 18,9 T/công, cao gấp 2,0 – 3,8 lần so với lò chợ giá khung, giá xích.
Kết quả áp dụng trong điều kiện vỉa dốc cũng chỉ ra rằng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đạt được từ công nghệ CGH cao hơn hẳn so với công nghệ khai thác thủ công. Tại Công ty than Hồng Thái, sau khi giải quyết được vấn đề ảnh hưởng của nước ngấm từ địa hình vào lò chợ, kể từ năm 2011 sản lượng lò chợ sử dụng tổ hợp dàn tự hành 2ANSH đã duy trì ổn định từ 65.528 – 96.325 T/năm, cao gấp 2 – 3 lần; năng suất lao động 3,15,6 T/công, cao gấp 1,6 – 1,8 lần so với công nghệ khai thác dọc vỉa phân tầng trong cùng điều kiện. Đặc biệt, tổn thất than chỉ 3,712,5%, thấp hơn 2 – 3 lần và chi phí mét lò chuẩn bị 5,2 – 8,8 m/1000T, thấp hơn 7 lần.
Đối với công tác đào lò, CGH đã cho phép đẩy nhanh tốc độ thi công từ 2-3 lần. Trong đó, (tốc độ đào thủ công lò đá có tiết diện >10 m2 trung bình chỉ đạt 40 – 60 m/tháng, lò than khoảng 70 – 100 m/tháng trong khi áp dụng máy combai đào lò tại Vàng Danh, tốc độ đào lò than đã đạt đến 325 m/tháng).
Giảm giá thành khai thác
Một trong những khó khăn của ngành Than hiện nay đối với các công nghệ khấu gương bằng khoan nổ mìn là thực trạng năng suất thấp, sử dụng nhiều vật tư phục vụ khai thác, dẫn đến giá thành sản xuất cao, tập trung chủ yếu ở chi phí tiền lương và nguyên vật liệu. Ví dụ như lò chợ thủy lực đơn tại Công ty than Khe Chàm năm 2015, trong tổng giá thành phân xưởng là 335.025 đồng/tấn, chi phí tiền lương và vật liệu chiếm tới 84,25% (282.745 đồng), trong đó tiền lương là 54,54% (182.737 đồng), nguyên vật liệu là 29,71% (99.537 đồng).
So với lò chợ thủy lực đơn, lò chợ CGH đồng bộ trong cùng điều kiện tại Công ty than Khe Chàm đồng thời với khả năng nâng cao công suất và năng suất lao động, đã cho phép phép hạ giá thành khai thác xuống còn 217.458 đồng/tấn, chỉ bằng 68,8% so với các lò chợ TLĐ. Trong đó, chi phí tiền lương chỉ chiếm 46,44% (100.986 đồng, bằng 61% lò chợ TLĐ); vật liệu 21,97% (47.776 đồng, bằng 50% lò chợ TLĐ); các chi phí còn lại như động lực, khấu hao, chi khác chiếm từ 3,86 – 16,44% và cao hơn không đáng kể so với lò chợ TLĐ. Qua đó có thể thấy, để hạ được giá thành khai thác trong bối cảnh xu thế lương công nhân và đơn giá nguyên vật liệu ngày càng tăng, việc áp dụng công nghệ CGH có sản lượng, năng suất lao động cao là giải pháp thiết thực và lâu dài cần phải thực hiện của TKV.
Giảm tổn thất tài nguyên và chi phí mét lò chuẩn bị
Khai thác triệt để tài nguyên hơn trong cùng một điều kiện khu vực khoáng sàng sẽ cho phép giảm đồng thời tỷ lệ tổn thất và chi phí mét lò chuẩn bị. Vấn đề này thể hiện rõ nhất trong khai thác vỉa dốc. Tại Công ty than Mạo Khê, Hồng Thái, lò chợ CGH sử dụng tổ hợp dàn 2ANSH khai thác vỉa dày trung bình, dốc nghiêng đến dốc đứng có tổn thất than bình quân 8,9% – 14,4%, chi phí mét lò 6,7 – 9,0 m/1000T. So với công nghệ DVPT, buồng thượng, đào lò lấy than trong cùng điều kiện (tổn thất 45%, chi phí mét lò chuẩn bị 40 m/1000T), chỉ tiêu tổn thất và mét lò chuẩn bị của lò chợ 2ANSH thực hiện thấp hơn lần lượt từ 3,1 – 5,1 và 4,4 – 6,0 lần.
Hiện nay, ngoài các khoản thuế, phí tài nguyên… đóng góp trong giá thành sản xuất than như trước đây, theo quy định mới mỗi tấn than sạch khai thác theo dự án mỏ sẽ phải chịu thêm “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản”. Chi phí cấp quyền cho mỗi dự án là rất lớn, tùy thuộc vào quy mô công suất và trữ lượng huy động nhưng thường không nhỏ hơn 1000 tỷ đồng. Do đó, trong cùng một điều kiện khoáng sàng đã được cấp phép khai thác theo dự án, nếu có thể thay đổi công nghệ theo hướng CGH để khai thác tối đa hơn tài nguyên than không tái tạo, ngoài việc kéo dài thêm tuổi thọ của mỏ, chi phí cấp quyền quy đổi chung cho cả dự án cũng sẽ giảm theo và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Ví dụ với Dự án khai thác hầm lò dưới mức -150 Công ty than Mạo Khê, nếu thay đổi công nghệ dọc vỉa phân tầng theo dự án (tổn thất 35%) bằng công nghệ CGH có tỷ lệ thu hồi than cao kiểu 2ANSH hoặc dàn mềm ZRY (tổn thất 15%), cùng với việc khai thác được thêm 3.861 nghìn tấn trữ lượng, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi 72,8 tỷ đồng chi phí cấp quyền khai thác khoáng sản, tuổi thọ mỏ kéo dài thêm 1,9 năm, phân bổ vốn đầu tư cho mỗi tấn than cũng giảm gần 10.000 đồng.
- Những giải pháp cơ giới hoá giai đoạn đến 2020
Từ định hướng mô hình công nghệ, điều kiện các khu vực vỉa đã được huy động vào khai thác, đối chiếu với kế hoạch dài hạn của các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh, kế hoạch sản lượng than khai thác bằng CGH của TKV dự kiến sẽ đạt 2.197 nghìn tấn vào năm 2016 (chiếm 9,41% tổng sản lượng than hầm lò) và tăng lên 7.470 nghìn tấn vào năm 2020 (chiếm 25,32% tổng sản lượng than hầm lò). Cùng với đó, số lượng lò chợ CGH cũng tăng từ 7 lò năm 2016 lên 17 lò vào năm 2020.
Để thực hiện được kế hoạch nêu trên, cần thiết phải triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế các tồn tại, ảnh hưởng bất lợi cho công tác áp dụng CGH đã gặp phải thời gian qua, bao gồm:
– Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thăm dò bổ sung để tăng mức độ tin cậy của tài liệu địa chất, đặc biệt chú trọng các yếu tố địa chất phục vụ đánh giá khả năng áp dụng CGH.
– Có chính sách khen thưởng, hỗ trợ các đơn vị triển khai áp dụng các công nghệ mới, đặc biệt trong giai đoạn ban đầu chưa có kinh nghiệm và các thời điểm gặp khó khăn về điều kiện địa chất, sản lượng than khai thác không đủ bù đắp chi phí sản xuất.
– Áp dụng CGH đòi hỏi yêu cầu cao về trình độ tiếp nhận, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, ý thức bảo vệ thiết bị; sự đồng bộ trong tổ chức sản xuất với mức độ liên tục cao. Do vậy, các đơn vị cần xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao toàn diện cho đội ngũ quản lý kỹ thuật, chỉ đạo sản xuất và trực tiếp sản xuất, đồng thời có chính sách lương, thưởng phù hợp, khuyến khích người lao động trong sản xuất CGH.
– Đẩy mạnh nghiên cứu nâng cao trình độ các đơn vị cơ khí chế tạo máy trong TKV, để từng bước làm chủ việc sản xuất, sửa chữa thiết bị CGH, từ lắp ráp trong nước, đến nội địa hóa từng phần, toàn phần. Qua đó giảm thiểu gián đoạn sản xuất liên quan đến việc nhập khẩu, phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài, đồng thời giảm chi phí vật tư, thiết bị.
– Đối với công tác đào chống lò chuẩn bị cho lò chợ CGH, ngoài việc đẩy mạnh công tác đào lò bằng máy combai, cần phát triển áp dụng các hình thức chống lò neo nhằm giảm chi phí đào/xén lò chuẩn bị tiết diện lớn, đặc biệt giảm chi phí thời gian cho công tác chống giữ, thu hồi tại ngã ba đầu và chân lò chợ.
– Cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nguồn lực cho việc nghiên cứu tiến trước, tìm hiểu kinh nghiệm nước ngoài về CGH, nghiên cứu áp dụng thử nghiệm các công nghệ mới, tiên tiến, đặc biệt là các dây chuyền công nghệ CGH có phạm vi áp dụng lớn (về miền chiều dày, góc dốc) và khả năng thích ứng cao, phù hợp hơn với điều kiện địa chất – kỹ thuật mỏ phức tạp vùng Quảng Ninh.
CGH là giải pháp lâu dài và thiết thực để đáp ứng đồng thời ba mục tiêu chính trong sản xuất than hầm lò của TKV hiện nay là (1) nâng cao sản lượng lò chợ, (2) nâng cao năng suất lao động trực tiếp và (3) hạ giá thành sản phẩm, từ đó đảm bảo chiến lược phát triển bền vững Tập đoàn. Mặc dù sản lượng CGH thời gian qua tham gia chưa nhiều, nhưng với kết quả đạt được trong thực tế đã khẳng định cho mức độ khả thi và tính đúng đắn trong chủ trương đẩy mạnh phát triển CGH của Tập đoàn nhằm giải quyết các mục tiêu trên. Để kết quả áp dụng CGH thời gian tới đạt kết quả như mong muốn, ngoài việc đẩy mạnh áp dụng các công nghệ CGH đề xuất, cần thiết phải thực hiện nghiêm túc các giải pháp đồng bộ trên cơ sở kinh nghiệm đã đúc rút để khắc phục/hạn chế, tiến tới loại bỏ các tồn tại đã gặp phải thời gian trước, cùng với đó là sự tiếp tục ủng hộ và khuyến khích hơn nữa của các cơ quan quản lý Nhà nước và TKV cho các đơn vị tư vấn, sản xuất than trong việc nghiên cứu và áp dụng CGH.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/giai-phap-co-gioi-hoa-khai-thac-cac-mo-ham-lo-den-2020-201609301427562014.htm” button=”Theo vinacomin”]