Với bề dày truyền thống của ngành Than – Khoáng sản, lớp lớp thợ mỏ đã tạo dựng lên các gia đình nhiều thế hệ với sự gắn kết nhiều chiều. Từ các thế hệ cha, con, cháu, chắt, đến họ hàng, bạn hữu, đồng nghiệp… Chúng ta không xa lạ với điều đó ở những Xóm thợ, làng Mỏ, khu mỏ hay khu tập thể công nhân… Trong đó, không thể không kể đến sự liên kết của những gia đình thợ mỏ thông gia.
Trong tiết trời se lạnh của mùa Xuân, những hạt mưa bay lất phất không đủ để ướt áo người bộ hành. Hôm nay, dường như cả xóm Thợ và nhiều người trong mỏ cùng đi ăn đám cưới. Điều đặc biệt là tại đám cưới này cô dâu, chú rể cũng như tứ thân phụ mẫu của cả hai gia đình đều làm việc trong cùng một mỏ. Khách mời đều là của chung hai họ, nhà trai và nhà gái. Thường thì trong các tiệc cưới đều có một khu vực nhận quà mừng cho nhà trai và một khu vực nhận quà mừng của nhà gái. Nhưng ở đây chỉ có một khu vực nhận quà mừng chung. Bởi vì hai bên thông gia đã thống nhất tổ chức chung, không phân biệt khách của nhà trai hay nhà gái. Vốn liếng dù ít, dù nhiều do anh em đồng nghiệp giúp đỡ đều dành cả cho đôi bạn trẻ khởi nghiệp.
Là thợ mỏ, chắc trong chúng ta đều không dưới một lần dự những đám cưới đặc biệt như vậy. Thậm chí, ngoài các gia đình công nhân, có nhiều gia đình các đồng chí cán bộ làm việc trong Tập đoàn, giữ những chức vụ quan trọng cũng tổ chức như vậy. Có thể nói, sự chia sẻ, gắn kết giữa các gia đình Thợ mỏ thông gia đã được thể hiện rõ ràng nhất ngay từ khi mới bắt đầu cho sự nghiệp “trồng cây chung”. Còn về sau này, khi các gia đình đến thế hệ thứ hai, thứ ba thì sự chia sẻ, gắn kết đó càng trở nên bền chặt.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Hòa và gia đình ông Nguyễn Văn Thái đều làm việc tại Công ty than Khe Chàm là một điển hình. Hai gia đình kết tình thông gia đã hơn chục năm nay. Ngày còn làm việc, ít thời gian thì ông bà hai bên cứ cuối tuần lại quây quần thăm hỏi, động viên con cháu làm việc, học hành. Sau này, khi đã được nghỉ chế độ, hai bên dường như gặp nhau hàng ngày. Được cái hai gia đình cũng ở gần nhau trong cùng một khu mỏ. Vậy mà đùng một cái, năm 2007, theo tiếng gọi tình nguyện của tuổi trẻ, vợ chồng Nguyễn Tiến Lực thưa chuyện với hai bên gia đình sẽ di chuyển vào Lâm Đồng theo dự án khai thác bauxite và tuyển alumin. Khi đó, các con của vợ chồng Lực còn nhỏ, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tứ thân phụ mẫu hai bên gia đình đã không những không phản đối mà còn hưởng ứng, khuyến khích, động viên tuổi trẻ phải đi đầu cùng với thanh niên các đơn vị trong Tập đoàn để triển khai dự án thành công, dù có phải xa nhà. Giờ đây, dự án khai thác bauxite và tuyển alumin tại Lâm Đồng đã thành công. Vợ chồng Lực cũng đã mua được một ngôi nhà nằm gần nhà máy. Hai ông bà thông gia lại thay nhau vào chơi, trông nhà, trông cháu. Có thời điểm, cả hai gia đình cùng rủ nhau vào cho vui…
Với hàng vạn gia đình thợ mỏ cùng làm việc, sinh sống trên các khu mỏ, những gia đình Thợ mỏ luôn có một sự đồng cảm, đồng điệu nhất định về việc làm, thu nhập cũng như nhiều vấn đề khác về văn hóa xã hội trong cuộc sống. Một mỏ, một công ty hay cả ngành thuận lợi thì hàng vạn gia đình cũng thuận lợi. Và ngược lại nếu gặp khó khăn thì cùng chung hoàn cảnh. Nhiều người đã từng nhận định, cứ nhìn vào những khu chợ, trung tâm thương mại trên vùng Mỏ thì biết ngay đời sống của Thợ mỏ thế nào. Đây là những điều đặc biệt kết hợp với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của giai cấp công nhân vùng Mỏ, đã góp phần tạo nên nét văn hóa riêng của các gia đình Thợ mỏ. Họ hòa quyện trong các mối quan hệ đa chiều, bền chặt, trong đó có không ít các gia đình Thợ mỏ thông gia…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/gia-dinh-tho-mo-thong-gia-201803141057032166.htm” button=”Theo vinacomin”]