Trong cộng đồng các công ty của TKV, Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa có số phận khá truân chuyên. Tuy nhiên, gần đây, những thiện chí từ địa phương; sự quyết tâm, nỗ lực thay đổi của những người mới… là những tín hiệu tích cực cho một đơn vị đang dần vượt khó, phát triển một hình hài mới.
Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải làm việc tại Công ty (Ảnh đơn vị cung cấp)
1.Mỏ cromit Cổ Định – Thanh Hóa được khai thác từ những năm 1956 với hơn 60 năm tồn tại và phát triển, qua nhiều giai đoạn thăng trầm (thay đổi đơn vị quản lý, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, thay đổi đầu tư, khai thác)… Cromit là quặng chính để sản xuất crôm và hợp chất có crôm; có vai trò quan trọng trong ngành luyện kim, crôm được coi là linh hồn của các loại thép chống ăn mòn và đánh bóng bề mặt.
Nhiều năm trước đây, vùng quặng mỏ cromit Cổ Định (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) đã là một địa điểm nổi tiếng trong khai thác quặng cromit của cả nước. Tuy nhiên, việc khai thác quặng cromit ở đây chỉ dừng lại ở các công đoạn khai thác, sau đó vận chuyển đi bán cho các địa điểm sơ chế trong nước và nước ngoài, đa phần là bán sang Trung Quốc. Tình hình khai thác quặng tại đây rất lộn xộn, nhiều người dân ngang nhiên xâm nhập vào vùng mỏ trồng keo và khai thác quặng trái phép, bất chấp lực lượng giải tỏa của Công ty cũng như chính quyền địa phương. Đã nhiều lần lực lượng bảo vệ của Công ty buộc phải xô xát với “quặng tặc”.
Năm 2004, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Chỉ thị số 10/CTUB về việc tạm ngừng toàn bộ hoạt động khai thác và chế biến, xuất khẩu quặng cromit trên địa bàn tỉnh. Chấp hành chỉ thị trên, mỏ đã tạm ngừng hoạt động khai thác để tập trung lập dự án chế biến sâu nguồn quặng. Tháng 2/2008, Hội đồng Quản trị TKV đã phê duyệt điều chỉnh cơ cấu Công ty CP Cromit Cổ Định – Thanh Hóa để nâng cao năng lực của Công ty và thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chế biến sâu các loại khoáng sản, đặc biệt là quặng cromit tại Thanh Hóa.
Theo đó, vốn điều lệ của Công ty được nâng từ 50 tỉ đồng lên 800 tỉ đồng và trở thành công ty con của Tập đoàn. Công ty đã mời Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ – Luyện kim lập Dự án nhà máy sản xuất ferocrom cacbon cao với phương châm: Phát triển sản xuất hài hòa với môi trường, hài hòa với địa phương và cộng đồng, hài hòa với đối tác, bạn hàng và hài hòa với các thành viên trong TKV
Tuy nhiên, lại thêm khó khăn khi giấy phép khai thác cũ đã hết hạn. Trong quá trình xin cấp giấy phép mới theo quy định, Công ty đang gặp một số vướng mắc về thủ tục nên phải dừng toàn bộ hoạt động khai thác, chế biến… Do đó, một lần nữa, Công ty gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập của người lao động.
2.Quyết tâm không để Nhà máy thêm một lần nữa “chết lâm sàng”, Tập đoàn đã quyết liệt chỉ đạo Công ty thực hiện tái cơ cấu và điều chỉnh bộ máy hoạt động để đảm bảo tiếp tục triển khai có hiệu quả việc khai thác, chế biến quặng cromit.
Động thái quyết liệt đầu tiên là lập ra Ban điều hành mới với những người có năng lực, kinh nghiệm quản lý, có mối quan hệ tốt đẹp với địa phương.
Trong thời gian đợi cấp giấy phép khai thác, Công ty đã tập trung triển khai công tác bảo vệ ranh giới mỏ; rà soát các phần việc để đưa nhà máy đi vào sản xuất trở lại; bên cạnh đó liên hệ và làm việc với các cơ quan chức năng như: Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị tư vấn để hoàn thiện các thủ tục xin cấp quyền khai thác khoáng sản.
Đối với Dự án xây dựng Nhà máy Ferocrom các bon cao 20.000 tấn/năm, Công ty đang triển khai chấm xét thầu, lựa chọn đơn vị kiểm định độc lập để thực hiện kiểm định và quyết toán nhà máy. Đối với Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng Cromit Cổ Định – Thanh Hóa từ 40.000 tấn/năm lên 80.000 tấn/năm (hiện tại Dự án đang tạm đừng do giấy phép khai thác hết hạn), hiện Công ty đã báo cáo Tập đoàn xin dừng dự án và thuê đơn vị kiểm định độc lập kiểm định và quyết toán dự án. Tại Dự án khai thác và tuyển quặng 150.000 tấn/năm đang trong giai đoạn thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, tháng 10/2017, Công ty đã ký phụ lục hợp đồng để điều chỉnh BCNCKT và nghiên cứu công nghệ tuyển khoáng, đã trình Tập đoàn thẩm định để thông qua.
Lãnh đạo Công ty cho biết, để đưa Nhà máy Ferocrom vào hoạt động trong năm nay, đồng thời đạt một số chỉ tiêu chính như sản xuất và tiêu thụ 18.000 tấn quặng cromit, 3.000 tấn quặng ferocrom, Công ty đã lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng lại nhà máy Ferocrom; tuyển dụng cán bộ, công nhân kỹ thuật vận hành nhà máy.
Tại buổi làm việc và thị sát tại Công ty mới đây, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đặng Thanh Hải đã chỉ đạo Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa cần có cách làm mới, tăng cường công tác quản lý, nhanh chóng đưa nhà máy Ferocrom các bon cao 20.000 tấn/năm vào hoạt động ổn định, đi đôi với việc triển khai phương án duy tu bảo dưỡng nhà máy và phương án tổ chức sản xuất cũng như phương án nhân sự, tài chính. TGĐ đồng thời giao các Ban chuyên môn của Tập đoàn phối hợp, hỗ trợ giải quyết những vướng mắc nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa ổn định sản xuất kinh doanh.
3.Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc TKV – cho biết, khi được cấp phép đi vào hoạt động, dự án này sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến, thu hồi triệt để cromit và các khoáng sản khác đi kèm, nhằm cung cấp đủ quặng cho Nhà máy luyện Ferocrom, đảm bảo hiệu quả kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương.
Việc đi vào vận hành sản xuất và chế biến thành công quặng cromit được coi là một thành công rất lớn trong ngành công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.
Cũng từ đó sẽ hạn chế việc khai thác và bán quặng thô, tránh được sự lãng phí tài nguyên khoáng sản, góp phần nâng cao giá trị của tài nguyên đất nước. Những sản phẩm của Công ty sẽ trở thành nguồn nguyên liệu của các ngành công nghiệp trong nước, đồng thời có thể tham gia xuất khẩu thu về nguồn ngoại tệ với giá trị cao.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/ghi-o-cromit-201805301139592835.htm” button=”Theo vinacomin”]