Trong chuyến công tác Cao Bằng đầu tháng 7, phóng viên Tạp chí có dịp gặp lại chị Hoàng Thị Pháy, nhân vật đã xuất hiện trong một bài viết xúc động, đầy trăn trở của nhà báo L.H đăng trên Tạp chí số 14, ra ngày 25/7/2009. Biết tin cháu Mã Bế Đức, con trai lớn chị Pháy vừa trải qua ca phẫu thuật u máu, Lãnh đạo Tạp chí gửi quà chia sẻ, động viên chị Pháy thêm nghị lực vượt lên bao lo toan, vất vả của cuộc sống, làm chỗ dựa vững chắc cho các con.
Gần ba năm trước, khi chồng chị, anh Mã Bế Long, công nhân Phân xưởng nghiền – XN luyện Gang mất do tai nạn lao động, bao khốn khó của cuộc sống người thợ miền sơn cước này dồn cả lên đôi vai chị. Lại gặp đúng thời điểm Công ty vô cùng khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, sản phẩm tồn đọng, Công ty thu hẹp sản xuất, công nhân buộc phải nghỉ luân phiên chờ việc. Gánh cả trách nhiệm làm cha, làm mẹ, mà lúc ấy lương của chị có tháng chỉ được 50 ngàn đồng do ít ngày công, có tháng thì không. Căn liếp trống vắng của gia đình chị càng lúc càng xiêu vẹo, xác xơ. Đồng nghiệp của chúng tôi đã không giấu nổi ái ngại, xót thương khi thấy bọn trẻ con chị “đón lấy những chiếc kẹo mà mừng như chưa bao giờ được ăn”.
Sau bài báo đầy lòng trắc ẩn đó, chị Pháy đã được đón nhận rất nhiều tình cảm của những con tim biết yêu thương, đùm bọc nhau khi hoạn nạn, cũng như sự quan tâm của lãnh đạo các cấp từ Tập đoàn đến Công ty. Mẹ con chị được Công ty ưu tiên cấp cho một căn phòng trong khu tập đoàn thể để tạm thời có chỗ ở ổn định. Công đoàn PX đã nhiều lần phát động anh chị em quyên góp, giúp đỡ với tinh thần “lá lành đùm lá rách” để mẹ con chị có thêm bát cơm, bát cháo nuôi nhau. Công đoàn Công ty, Tổng Công ty, Công đoàn Vinacomin cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên vào các dịp lễ Tết để mẹ con chị bớt phần tủi thân.
Phó quản đốc Ma Ích La cho biết thêm, sống trong sự thương yêu, đùm bọc của đồng nghiệp, nỗi buồn như vợi dần đi. Với công việc hiện tại, dù còn vô vàn khó khăn, dù thu nhập chưa cao, chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng mẹ con chị tạm đủ sống. Đang từng bước ổn định cuộc sống thì tai họa lần nữa ập đến gia đình chị: đứa lớn mắc bạo bệnh. Chị lại thêm một lần chới với. Làm thế nào để có đủ tiền cho con đi phẫu thuật? Khuôn mặt hằn những nỗi đau của người phụ nữ dân tộc Tày giàn giụa nước mắt khi tôi hỏi “có hết nhiều không chị?” “Không nhiều đâu, nhưng không có….”. Thêm lần nữa, sự giúp sức kịp thời của đồng nghiệp đã đưa mẹ con chị thoát khỏi hoạn nạn trong gang tấc. Như cảm thương với sự tần tảo của mẹ, sau phẫu thuật, bé Mã Bế Đức hồi phục khá nhanh. Hết hè này, cháu sẽ có đủ sức khỏe bước vào lớp 4. Đứa nhỏ Mã Bế Huấn cũng đã 4 tuổi, đi học ngay cạnh nhà, trong trường mẫu giáo của Công ty. Số tiền chế độ của anh Long, chị dụm lại chẳng dám tiêu rồi vay mượn thêm của họ hàng được 30 triệu, chị mua một miếng đất nhỏ. Nguyện vọng lớn nhất của chị lúc này là xây được một căn nhà đơn sơ để đón ông nội các con về phụng dưỡng. Ông cụ gần 80 tuổi vẫn lọ mọ một mình.
Được biết, đầu tháng 7, cán bộ công đoàn của Tổng Công ty Khoáng sản và Công đoàn Vinacomin đã tới gia đình chị khảo sát để làm các thủ tục cần thiết xét trợ cấp gia đình công nhân TNLĐ khó khăn từ quỹ phúc lợi của Tập đoàn. Công đoàn Công ty CP Khoáng sản và luyện kim Cao Bằng cũng đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ xin hỗ trợ từ quỹ “Mái ấm công đoàn”. Người ta thường nói, khi nỗi buồn được sẻ chia, nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa. Hy vọng, sự quan tâm, động viên kịp thời của các cấp sẽ sớm biến ước nguyện của Chị Pháy thành hiện thực để niềm vui thực sự nhân đôi. Và đó cũng chính là mong ước nho nhỏ của những người làm báo chúng tôi qua bài viết này.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/gap-lai-nhan-vat-tung-xuat-hien-tren-tap-chi-126.htm” button=”Theo vinacomin”]