Giữa trưa tháng Bảy, nắng dữ dội. Khi chúng tôi đến căn phòng lợp tôn dành cho quản đốc, thấy ông vừa ở dưới lò lên. Tôi quen ông cách đây 8 năm, khi đó ông làm quản đốc lò, nay vẫn vậy. Chúng tôi gọi nhau là “bạn già”. Phòng làm việc của ông hẹp, trên vách tôn gắn đầy những huân chương, bằng khen. Hơi nóng từ mái tôn phả xuống hầm hập. Ông cởi áo. Tảng ngực vạm vỡ trắng nõn đầm đìa mồ hôi.
-Tốt!
– Tốt là bao nhiêu?
– Dưới bảy.
– Thế mỡ máu?
– Tốt!
– Men gan ra sao?
– Cũng rất tốt!
– Uống được chưa? (uống rượu, bia)
– Nhúc nhắc được.
Ông luôn kiệm lời, túc tắc từng “nhát”, gọn, dứt khoát như tiếng búa, tiếng choòng; thi thoảng cười một “chiếc”. Khi cười, bộ ria mép rậm rịt đen nhánh rung rung; gương mặt ông lấm than bụi, nom như thủ lĩnh người da màu vậy.
Sở dĩ tôi quan tâm đến mấy chỉ số trên của ông là bởi, tầm này năm ngoái, chúng tôi đến đây tác nghiệp thấy ông kiêng rượu, kiêng đồ ngọt. Hỏi mới biết ông bị tiểu đường, mỡ máu và men gan cao. Sẵn có máy đo tiểu đường mang theo, tôi đo cho ông. Máy báo kết quả, đường máu của ông khi đó là 7,2 (dưới hạn chỉ số đường máu đối với nam là 6,5). Tôi nhìn ông tỏ vẻ ái ngại. Tuổi ông đã cao (52 tuổi), lại mắc các chứng bệnh trên làm sao mà quán xuyến hết công việc của ông quản đốc, hàng ngày phải xuống lò chỉ huy sản xuất? Tôi bèn hỏi ông có uống thuốc không? Ông bảo, chẳng thuốc men gì hết; đi khám bệnh, bác sỹ khuyến cáo ông vậy. Thấy tôi mang một đùm thuốc chữa bệnh tiểu đường, mỡ máu, hạ men gan, ông khuyên tôi không nên lạm dụng về thuốc. Rồi ông tư vấn cho tôi chữa bệnh theo cách của ông. Cách của ông tôi không “bắt chước” được. Còn ông, duy trì cách chữa đó, nay các chỉ số đường máu, mỡ máu, men gan đã trở lại như người bình thường. Ông là Nguyễn Văn Phượng, Quản đốc Phân xưởng Đào lò 5, Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 2. Vậy, ông đã chữa bệnh bằng cách nào?
Mỗi ngày đi bộ trong lò hơn 10 cây số
Thực ra, bài thuốc mà ông tư vấn cho tôi rất đơn giản, đúng như lời khuyên của bác sỹ dành cho những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuyp 2. Ông giải thích, nguyên nhân chính của người mắc bệnh tiểu đường tuyp 2 (cũng như cách giải thích của bác sỹ), rằng, do chúng ta lạm dụng nhiều độc tố chứa trong thuốc lá, bia rượu…; do lối sống thụ động, chế độ ăn uống không điều độ… dẫn đến huỷ hoại, suy giảm chức năng tế bào nội tiết của tụy hoặc giảm hiệu quả của insulin nội sinh. Tuổi anh em mình ăn uống, sinh hoạt vô tư như thế, đường máu, mỡ máu, men gan không cao mới là lạ. Rồi ông khuyên tôi, muốn khỏi bệnh, cần kiêng rượu bia, thuốc lá, kiêng những đồ ăn chứa nhiều đường, tăng cường vận động, sinh hoạt điều độ và uống nước cây chó đẻ hàng ngày.
Cách chữa bệnh của ông tuy đơn giản vậy, nhưng tôi và nhiều người khác khó mà “bắt chước” được. Tôi biết, nhiều người chữa bệnh bằng đi bộ, tập luyện thể thao, nhưng so với ông, chưa là gì. Ông là quản đốc, hàng ngày phải xuống lò chỉ huy sản xuất. Mà “trận địa” nơi ông chỉ huy là những gương lò trong lòng đất, đi lại rất vất vả. Mỗi lần đi lò, ông phải lên xuống giếng gần hai cây số, sau đó đi vào các gương lò, tổng cộng khoảng 11 cây số. Tôi đã được ông và ông Dũng (Phó Giám đốc) đưa tôi đi thăm “trận địa”. Khi lên, đầu gối tôi rung bần bật. Leo một đoạn, tôi phải bám vào thành lò thở dốc. Vậy mà hàng ngày ông phải đi bộ hơn chục cây số trong lò; thậm chí có ngày lò gặp sự cố, ông phải lên xuống lò 2 – 3 lần. Vận động như thế, lại ăn uống điều độ, kiêng khem, thì các chỉ số đường máu, mỡ máu, men gan của ông trở lại bình thường không có gì là lạ; thì những người như tôi làm sao “bắt chước” được!
“Thế mới khó”
Phần “mào đầu” về cách chữa bệnh của ông, thực ra, chủ ý của chúng tôi là đề cao tinh thần và trách nhiệm của ông trong vai trò quản đốc phân xưởng đào lò. Đến nay, ông Phượng đã có 17 năm chỉ huy sản xuất hầm lò, trong đó 3 năm là Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng mỏ Uông Bí (nay là Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 2) còn lại là quản đốc. Ông từng chỉ huy đào những đường lò quan trọng trong các dự án hầm lò ở Khe Tam, Nam Mẫu, Uông Bí …Ông là một trong những người đầu tiên cuốc móng, khởi công cặp giếng nghiêng trong hệ thống mở vỉa Dự án nâng công suất Mỏ Tràng Khê, công suất 1,2 triệu tấn/ năm. Và, ông đã trực tiếp chỉ huy Phân xưởng Đào lò 5, thi công xong 2 cặp giếng nghiêng (dài 815 mét và 415 mét) và nhiều đường lò, sân ga, hầm trạm quan trọng trong hệ thống mở vỉa của Dự án này. Phân xưởng Đào lò số 5 và cá nhân ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Nghe tôi hỏi thăm ông về tình hình sức khỏe, anh Phạm Nam Triều, Phó Phòng Cơ điện Vận tải, nói “ Bác Phượng khỏe lắm. Đi lò như vậy nhưng về nhà vẫn chơi cầu lông. Nhà bác ấy có cái sân cầu lông. Thi thoảng mấy bố con chia “phe” đấu tranh giải đấy”. Vẫn biết rằng, qua các đợt khám sức khỏe định kỳ, sức khỏe của ông đã được các bác sỹ kết luận tốt thì Công ty mới bố trí ông tiếp tục đảm nhận chức vụ quản đốc. Nhưng tôi nghĩ, với tuổi tác như vậy, ông cần được làm những công việc nhẹ nhàng hơn. Ông Lê Văn Duẩn, Phó Giám đốc Công ty cho hay, Công ty đã tính đến chuyện tìm người kế cận ông Phượng. Nhưng xét thấy, sức khỏe của ông vẫn tốt. Mặt khác, Phân xưởng đang thi công những hạng mục công trình phức tạp, yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao, đòi hỏi người chỉ huy có nhiều kinh nghiệm nên Công ty vẫn động viên ông ấy làm một thời gian nữa để đào tạo anh em trẻ thay thế.
Tôi đề nghị ông Phượng nêu một số việc khó của Phân xưởng, do ông chỉ huy. Ông Phượng túc tắc:
– Đào bong ke. Hai cái.
– Đào bong ke khó là khó thế nào, ông?
– Dốc 61 độ, đào từ dưới lên.
– Ôi trời. Lò dốc thế, lại đào từ dưới lên vậy khoan, chống giữ thế nào, hả ông?
– Thế mới khó.
– Công trình nào nữa, thưa ông?
– Hầm quang lật.
– Đào hầm này khó thế nào ạ?
– Tiết diện lớn lắm. Cao 7,5 mét, rộng hơn 4,2 mét.
– Các công trình này thi công đảm bảo an toàn chứ, ông?
– An toàn chứ.
Nói đoạn, ông lại cười một “chiếc”. Bộ ria mép rậm rịt đen nhánh rung rung.
Lúc chia tay, bàn tay ram ráp của ông siết chặt tay tôi, nóng hổi. Tôi biết, ông còn vượng lắm…
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/gap-lai-ban-gia-2524.htm” button=”Theo vinacomin”]