Giản dị từ lời nói đến hình thức, những năm qua, người kỹ sư trẻ ấy vẫn cần mẫn góp phần để dòng điện TKV toả sáng. Với anh, khái niệm thi đua không hề trừu tượng, đó đơn giản là làm thế nào để làm tốt nhất phần việc của mình, để mình được cống hiến, để sống một cuộc đời “thật là sống”. Ở Tạp chí kỳ này, chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn đọc TS. Trần Văn Hoan – TP. Kỹ thuật, Công ty Nhiệt điện Đông Triều.
Tên tôi là Trần Văn Hoan, TP. Kỹ thuật, Công ty Nhiệt điện Đông Triều. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành Hệ thống điện, tôi may mắn giành được suất học bổng của Cộng đồng các trường đại học nói tiếng Pháp (AUF) để theo học chương trình thạc sỹ tại Pháp và may mắn hơn nữa là tôi được Đại học Bách khoa Grenoble chấp thuận cho theo học chương trình thạc sỹ.
Sau khi dành được bằng thạc sỹ khoa học, công nghệ và tổ chức (năm 2006), tôi tiếp tục may mắn xin được học bổng của chính phủ Pháp để làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Kỹ thuật điện.
Cuối năm 2010, sau khi kết thúc thời gian nghiên cứu sinh, tôi trở về nước, thời điểm đó Tổng Công ty Điện lực – TKV mới thành lập, tôi đã xin được vào làm việc tại Ban Kỹ thuật. Giữa năm 2011, tôi được Tổng Công ty điều động về Ban quản lý Dự án Nhiệt điện Mạo Khê để học tập quá trình xây dựng Nhà máy. Sau khi trở lại Tổng Công ty và đến khi nhà máy nhiệt điện Mạo Khê bắt đầu quá trình hiệu chỉnh chạy thử giữa năm 2012 tôi lại được Tổng Công ty điều động trở lại dự án Mạo Khê và gắn bó với Nhà máy tới nay.
Tôi đã có vợ và một con trai, cả gia đình ở Hà Nội.
PV: Với bằng cấp, trình độ cũng như kinh nghiệm của anh, chắc hẳn anh phải có nhiều lời mời hấp dẫn về công việc; đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các kỹ sư trẻ thường không mấy mặn mà với công việc Nhà nước “lương ba cọc ba đồng”. Vậy tại sao anh vẫn gắn bó với công việc này đến thế mặc dù theo tôi được biết, anh đã từng nhận được khá nhiều lời mời hấp dẫn (tiền lương, điều kiện làm việc) từ các doanh nghiệp làm Điện khác?
Có thể là do duyên phận (cười lớn) nên gắn bó bền chặt. Ngay từ khi trở về nước mình đã làm việc cho Tổng Công ty Điện lực – TKV, thêm nữa là được làm việc trong môi trường hiện đại, chuyên nghiệp nhưng cũng rất tình cảm và được làm việc với những lãnh đạo có tâm và có tầm.
PV: Nhiệt điện Mạo Khê hiện là một trong những Nhà máy được đánh giá là vận hành ổn định trong chuỗi các nhà máy của Điện lực TKV. Anh và Phòng Kỹ thuật đã đóng góp gì cho thành công đó?
Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê mới đi vào vận hành nên trong hơn 2 năm vừa rồi chúng tôi chủ yếu tập trung vào làm chủ công nghệ, đảm bảo Nhà máy vận hành an toàn, ổn định và liên tục. Dự kiến trong năm nay khi trình độ của anh em đã được nâng cao, Phòng Kỹ thuật sẽ tham mưu cho lãnh đạo Công ty áp dụng mô hình quản lý kỹ thuật nhà máy điện theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu, cùng với đó là tin học hóa trong công tác quản lý kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Phòng cũng đang đẩy mạnh công tác cải tiến kỹ thuật như: nghiên cứu các giải pháp giảm tiêu hao điện tự dùng và thay đổi quá trình cháy của lò hơi để tăng hiệu suất toàn nhà máy, nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới vào Nhà máy nhiệt điện.
PV: Anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm vui buồn với công việc?
Cùng với sự thành công của dự án Mạo Khê thì mình cũng có nhiều niềm vui như khi dự án Mạo Khê hoàn thành trước tiến độ, hoạt động ổn định hay như khi Nhà máy hoàn thành và vượt kế hoạch các năm 2012, 2013, 2014. Còn kỷ niệm buồn trong công việc thì không có, chắc do mình là người luôn lạc quan (cười lớn). Có thể kỷ niệm mà mình nhớ mãi trong những ngày làm việc xa nhà là mỗi tối nói chuyện với con trai qua điện thoại với những câu hỏi như: Bố đang ở Quảng Ninh à? Bố đang ở Móng Cái à? (đối với cu cậu Quảng Ninh là Móng Cái). Máy móc có hỏng hóc gì không bố? Sếp của bố bác Tuấn có bắt bố làm việc nhiều không?…
PV: Hiện tại có tình trạng “chảy máu chất xám” khi một số cán bộ chủ chốt của Công ty chuyển ra ngoài làm khi có mức thu nhập hấp dẫn hơn? Quan điểm của anh về vấn đề này?
Thứ nhất: Trong công việc con người có rất nhiều nhu cầu: Thu nhập cao, được làm công việc mình mong muốn, được tôn trong công việc hay có cơ hội thăng tiến… Trong đó thu nhập hấp dẫn hơn là “lời mời” khó từ chối.
Thứ hai: Từ năm 2012, Việt Nam đã có thị trường phát điện cạnh tranh. Khi có thị trường điện tất yếu sẽ hình thành thành thị trường lao động trong ngành công nghiệp điện và khi đó việc lao động dịch chuyển giữa các đối thủ cạnh tranh là điều tất yếu.
Theo suy nghĩ của tôi, thị trường điện Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, trong một vài năm tới sẽ có thị trường bán buôn điện cạnh tranh rồi sau đó có thể có cả thị trường năng lượng sơ cấp. Khi đó quá trình cạnh tranh trong lĩnh vực năng luọng sẽ rất khốc liệt và “phần thưởng” sẽ dành cho người chiến thắng-người biết sử dụng nguồn lực quý nhất: “Con người”. Ngay bây giờ chúng ta phải có chiến lược về nguồn nhân lực: Tuyển dụng, đào tạo và sử dụng.
PV: Xin cảm ơn Anh về cuộc trò chuyện thú vị trên.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/duyen-phan-da-gan-bo-toi-voi-cong-viec-10408.htm” button=”Theo vinacomin”]