Mỗi lần trở lại mỏ Ngã Hai của Công ty than Quang Hanh, trong tôi thường đầy ắp những hoài niệm. Vậy là một thập kỷ đã đi qua. So ra, chiều dài của một doanh nghiệp mười năm không phải là dài. Tuy nhiên, những gì thay đổi đối với Than Quang Hanh là cả một bước tiến vượt bậc, một sự đổi thay lớn cả bên trong lẫn bên ngoài. Dĩ nhiên, để có sự thay đổi ấy, người Quang Hanh cũng đã vượt qua nhiều khó khăn, thăng trầm…
Nếu bạn là người Quảng Ninh, hay đã từng sống ở Quảng Ninh, hẳn còn nhớ khu vực Ngã Hai, Quang Hanh, Cẩm Phả mười năm trước. Đó là một vùng đất hoang sơ, bị nhiều vết thương tích của nạn làm than thổ phỉ. Khi đó, Liên đoàn Địa chất 916, đơn vị tiền thân của than Quang Hanh vừa tổ chức thăm dò than, vừa chống lại yếu ớt với “tỉnh nạn” này. Than Quang Hanh, khi đó còn có tên gọi Xí nghiệp than Bái Tử Long ra đời cũng nhằm mục đích ổn định lại trật tự tại khu vực. Vừa vá lành những vết thương, vừa mở rộng khai thác, nâng cao đời sống cho công nhân và nhân dân Ngã Hai, thuộc xã nghèo của Cẩm Phả. Với nhiệm vụ nặng nề, nhưng vinh quang, công nhân, cán bộ than Quang Hanh hăm hở bắt tay vào sản xuất. Những khu vực bị hoang hóa, công nhân cán bộ đơn vị trồng cây xanh lấy gỗ và phục hồi môi trường. Các khu vực mỏ được quy hoạch lại. Những ngôi nhà cứ dần mọc lên. Đường xá được bê tông hóa giúp công nhân và bà con trong khu vực đi lại được thuận lợi hơn.
Nghe thợ lò kể chuyện đời, chuyện nghề
Đường lên Ngã Hai xanh rì, những khóm hoa dại bên đường đang độ vào xuân, tươi rói trong ánh nắng vừa dịu. Vùng mỏ có những thứ rất riêng mà những nơi khác không có được. Một cảm giác vừa thanh bình, yên ả. Trong chuyến đi lên mỏ Ngã Hai hôm ấy, chúng tôi được nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề của thợ lò ở Phân xưởng đào lò 7 – một trong sáu phân xưởng đào lò của Than Quang Hanh có địa bàn sản xuất tại thôn Khe Sím – xã Dương Huy. Anh Ngô Đức Cường – Thợ lò bậc 5/6, Quản đốc, cựu sinh viên trường Cao đẳng kỹ thuật mỏ, sinh năm 1979, quê Thanh Hà – Hải Dương, trưởng thành từ thợ lò, rồi tổ trưởng, lò trưởng đến Quản đốc, nhiều năm liền là thợ giỏi cấp Công ty, cấp Tập đoàn. Trao đổi với chúng tôi, Quản đốc Ngô Đức Cường cho biết: “Phân xưởng đào lò 7 có 122 cán bộ, công nhân thì có 115 công nhân, trong đó thợ lò là 100 người, thợ bậc 5/6 và 6/6 chiếm 28%, độ tuổi trẻ trên 50%, nhiệm vụ chính là đào lò xây dựng cơ bản và chuẩn bị sản xuất mức +25 ÷ -50 cụm vỉa 5, 6, 7, 17 của Công ty”. Là một đơn vị có nhiều khó khăn trong sản xuất do điều kiện địa chất phức tạp, cấu trúc địa chất thay đổi liên tục, phải đào lò qua khu vực có nhiều lò cũ đã khai thác, nhiều đường lò qua phay nên nguy cơ bục nước cao, khó áp dụng cơ giới hóa, mặt khác, đặc thù sản xuất của phân xưởng địa bàn nhỏ lẻ, xa trung tâm, quản lý 3 cửa lò gồm lò ngầm thông gió +46 ÷ ±0 vỉa 6; lò ngầm thông gió +72 ÷ +25 vỉa 6, vỉa 7 khu đông nam và lò ngầm thông gió trung tâm mức +17 ÷ -50 vỉa 17. Nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Giám đốc và ban lãnh đạo công ty, cùng với quyết tâm cao của đội ngũ thợ lò nên phân xưởng đã luôn hoàn thành kế hoạch, đảm bảo an toàn trong sản xuất, không để xảy ra tai nạn lao động và sự cố thiết bị. Đặc biệt, năm 2012 phân xưởng đã hoàn thành 1.635,1m lò XDCB, vượt 6% so với kế hoạch được giao, than đào lò đạt 2.335 tấn, vượt 95% so với kế hoạch, thu nhập bình quân đạt 11,5 triệu đồng/người/tháng, vượt 21% so với kế hoạch, ngày công lao động bình quân của thợ lò đạt 25 công/tháng, là một trong những đơn vị hoàn thành kế hoạch và thợ lò có ngày công, mức thu nhập cao nhất Công ty.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cởi mở với 2 thợ lò bậc 5/6 là Lê Duy Quảng và Nguyễn Thanh Sơn. Sau này mới được biết 2 anh đã từng được nhận Bằng khen của Bộ Công Thương và danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp Tập đoàn. Quảng tâm sự, cơ duyên đến với nghề mỏ của anh thật ngẫu nhiên. Ban đầu cũng chả mấy hào hứng, đam mê nhưng rồi sự gắn bó hay nói đúng hơn là sự gắn kết với nghề cứ lớn dần lên trong anh. Tình yêu với nghề mỏ thật tự nhiên giản dị, từ lúc nào chẳng biết, vì thế mà bền chặt, lắng sâu. Và muốn biết tình yêu của các anh với nghề mỏ thế nào, chúng tôi đã đề nghị được mục kích tận nơi nới các anh làm việc. Khi quần áo bảo hộ đã sắn sàng, mũ công tác đã ngay ngắn, thận trọng xuống lò, cảm nhận bầu không khí nóng bức trong một không gian chật hẹp, chúng tôi chợt hiểu thêm sự vất vả của thợ lò. Quảng nói thêm, đấy là các anh chưa vào sâu trong lò đấy, chứ lao động thực thụ của bọn em còn vất vả hơn nhiều.
“Nhà báo lên Quang Hanh tác nghiệp hả?”, một thợ lò cười, hỏi to. Một câu hỏi dân dã, đậm chất thợ lò, thay cho lời chào xã giao thông thường. Hỏi ra mới biết, anh là Đỗ Đắc Ngọc, thợ lò bậc 6/6 của Phân xưởng Đào lò 3. Ngọc sinh năm 1971, quê Đông Kết, Khoái Châu Hưng Yên, đã 14 năm làm thợ lò tại Công ty Than Quang Hanh. Với tính cách thẳng thắn, dễ gần của thợ lò, Ngọc chân thành kể cho tôi nghe về mình. Anh tâm sự, cuộc đời làm thợ mỏ của anh cũng gắn bó với nhiều kỷ niệm, nhưng cái nhớ nhất vẫn là chuỗi ngày khó khăn mà 2 vợ chồng phải vượt qua. Từ năm 1999, Ngọc theo học Trường đào tạo nghề mỏ Hồng Cẩm, đến năm 2011 vào làm thợ lò tại Xí nghiệp xây lắp và sản xuất than Ngã Hai, (sau này chuyển thành Công ty Than Quang Hanh). Giai đoạn này, Ngọc đưa vợ từ quê ra và phải mượn đất để dựng nhà tạm ở, chồng đi làm lò, vợ đi đãi than suối, kết hợp với chăn nuôi, nấu rượu để đảm bảo ổn định cuộc sống. Thời lỳ này lương thợ lò cũng chỉ khoảng 700.000 đồng/người/tháng, nhiều tháng Công ty phải cho công nhân vay lương… Đến năm 2000 dành dụm được tiền mua đất để dựng nhà. Mỗi khi đi làm về vợ chồng đi tìm đá để nung vôi, xuống suối lấy cát về để đóng gạch xỉ xây được ngôi nhà nhỏ 3 gian để có chỗ ở ổn định. Tôi hỏi, Ngọc có bao giờ nao núng tinh thần mà chán nản nghề nghiệp trong những lúc khó khăn? Ngọc trả lời chân thành, ngày xưa ở quê khổ lắm kiếm được đồng tiền cũng chẳng dễ gì, nghề thợ lò là phù hợp nhất với bản thân rồi còn mong muốn gì nữa, tuy khó khăn một chút nhưng kiên trì và nỗ lực thì sẽ vượt qua thôi.
Quả thật từ năm 2004 trở đi, sau khi Công ty chuyển đổi cơ chế từ 2 cấp sang 1 cấp, SXKD ngày càng phát triển và cũng từ đó thu nhập của thợ lò khá cao, như Ngọc bình quân 6 năm trở lại đây đạt mức thu nhập bình quân khoảng dưới 10 triệu đồng/tháng, có những tháng cao đến hơn 15 triệu đồng, kết hợp với chăn nuôi sản xuất phụ có thời điểm anh chị nuôi trên 30 con lợn thịt, vài đàn lợn lái, gà vịt, ngan ngỗng, thu nhập 70 đến 80 triệu đồng/năm, từ đó đời sống của anh chị đã ổn định, xây thêm được 1 căn nhà mới.
Với bản tính cần cù chịu khó, chăm chỉ và sự quyết tâm cao đến năm 2007 anh đã giữ bậc thợ 6/6 và giữ bậc cho đến hiện nay. Trong quá trình sản xuất Ngọc được giao chỉ đạo thi công các vị trí quan trọng như đứng gương, xử lý các sự cố tụt đổ, làm tại các vị trí khó khăn, Ngọc luôn cùng anh em trong tổ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đảm bảo an toàn trong sản xuất. Năm 2008, Ngọc được Bộ Công Thương tặng bằng khen, năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất.
Chia tay vùng than, chia tay những thợ mỏ Quang Hanh ấy, đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc, sự khâm phục về chặng đường các anh đã đi qua. Đó thực sự là sự cống hiến đi tìm nguồn vàng đen cho Tổ quốc và tìm hướng phát triển bền vững cho đơn vị trong bối cảnh thương trường đầy cạnh tranh, thách thức… Than Quang Hanh đang chuyển mình, và tôi chợt nhớ đến câu nói của GĐ Bùi Quang Thanh “Than Quang Hanh đang từng bước vượt khó, bởi vì sao, bởi vì chúng tôi có họ – những thợ lò dám xả thân cho vận mệnh Quang Hanh”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/duong-di-len-mo-nga-hai-4820.htm” button=”Theo vinacomin”]