Nhạc sỹ Đức Minh thuộc thế hệ trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ với hàng chục ca khúc nổi tiếng như “Em là hoa Pơlang”, “Trên biển quê hương”, “Cô gái lái tàu”, “Đất mỏ quê ta”… cùng hai vở nhạc kịch “Tiếng đàn Thạch Sanh”, “Thư tình lông ngỗng trắng”…được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
Ông cũng là một trong năm nhạc sỹ được tôn vinh trong đêm nhạc “Tình yêu Hà Nội” tại Nhà hát lớn ngày 7/10/2017, nhưng ông không còn được chứng kiến giờ phút sang trọng dành cho mình – trái tim ông đã ngừng đập hồi 16 giờ ngày 26/9/2017 vì bệnh ung thư.
Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam xin gửi đến Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội nhạc sỹ Hà Nội cùng gia đình nhạc sỹ Đức Minh lời chia buồn sâu sắc và giới thiệu bút ký của nhà văn Võ Khắc Nghiêm như những lời tri ân chân tình về những đóng góp của người nhạc sỹ tài hoa, nhân ái.
Sức tưởng tượng từ văn học & sự chắt lọc dân ca
Năm 1968, khi nghe nghệ sỹ Tường Vi trình bày ca khúc “Em là hoa Pơlang” qua làn sóng Đài TNVN, tôi và nhiều người đều nghĩ rằng tác giả phải là người Tây Nguyên, hoặc phải sống rất lâu ở đấy mới có thể tìm được vẻ đẹp hùng vĩ mà thiết tha sâu lắng trong từng nốt nhạc, ca từ đặc sệt chất Tây Nguyên đầy mới lạ. Sau này có điều kiện gần Đức Minh, tôi thực sự ngạc nhiên biết rằng thời kỳ đó, anh chưa hề đến Tây Nguyên.
Nhạc sỹ Đức Minh họ Tống, sinh ngày 5/10/1941 tại Lạc Thủy – Hòa Bình trong một gia đình có truyền thống văn hóa lâu đời. Đức Minh tham gia hoạt động văn nghệ từ thời học sinh tại Nam Định, sớm nổi tiếng là nghệ sỹ độc tấu ghi ta tài hoa nên năm 20 tuổi (1961) được tuyển vào Đoàn ca múa Trung ương và được đi biểu diễn phục vụ nhân dân, bộ đội khắp miền Bắc, có lúc phải đệm ghi ta cho các cô thôn nữ hát chèo trên trận địa. Vốn say mê văn học, hát chèo và các làn điệu dân ca từ nhỏ, lại chịu ảnh hưởng của các nhạc sỹ, nghệ sỹ lớn đã thành danh trong nền âm nhạc Việt Nam, Đức Minh đọc rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng, nỗ lực tự nghiên cứu các nền âm nhạc, văn học hiện đại trên thế giới với khát vọng sẽ sáng tác được những ca khúc trữ tình hiện đại mang âm hưởng quê hương. Sau khi sáng tác hai nhạc phẩm đầu tay đậm chất dân ca Bắc Bộ được các nghệ sỹ Trung Kiên, Trần Hiếu, Vũ Dậu trình bày gây ấn tượng tốt, năm 1967, Đức Minh được vào tu nghiệp Khoa Sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội và ngay lập tức được đi thực tế phục vụ chiến trường Khu 4 đang diễn ra ác liệt. Tại đây, trước vẻ đẹp của đất và người Quảng Bình tươi rói trong bom đạn hủy diệt của kẻ thù, Đức Minh đã ôm đàn cùng hát với những cô gái vượt sóng ra khơi và âm hưởng dân ca miền Trung đã thấm vào từng nốt nhạc trong ca khúc của ông: “Trên biển quê hương”, “Tiếng hò Sông Hương”, “Yêu biết mấy Huế của ta”.
Dù chưa được vào chiến trường miền Nam, Đức Minh vẫn khát khao sáng tác về Huế và Tây Nguyên. Tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc đã mở ra cho ông khoảng trời rộng lớn với núi rừng hùng vĩ, thơ mộng và con người Tây Nguyên trong sáng, mạnh mẽ, đằm thắm. Đức Minh tìm hiểu kỹ hoa Pơlang đỏ rực rỡ giữa đại ngàn Tây Nguyên gần với loài hoa gạo ở miền Bắc, nhưng lại nở vào cuối Đông, đầu Xuân, được coi là loài hoa báo hiệu Xuân về, tượng trưng cho sự tươi trẻ và tình yêu. Tìm được ý tưởng văn học tốt, ca từ ập đến ngọt ngào thật nhanh và nhờ sự tích lũy, chắt lọc âm hưởng dân ca đã thấm vào máu thịt hơn chục năm qua, Đức Minh ôm ghi ta ra bờ suối vừa hát vừa ghi lại từng nốt nhạc… Hai tuần sau, nhạc phẩm “Em là hoa Pơ Lang” mang hơi thở hào hùng, đằm thắm đặc chất Tây Nguyên với tiếng hát bay bổng của nghệ sỹ Tường Vi nhanh chóng truyền đi trên làn sóng điện Đài TNVN được đông đảo nhân dân, chiến sỹ chép tay hát vang trên khắp các trận địa, đồng ruộng, xưởng máy, trường học, thổi vào nền âm nhạc chống Mỹ cứu nước của người Việt Nam một làn gió tươi mát, thiết tha, hùng tráng và lãng mạn… Sự nghiên cứu học hỏi nghiêm túc từ văn học và các nghệ sỹ đàn anh đã tạo nên sức tưởng tượng phi thường của một tài năng âm nhạc đưa Hoa Pơ Lang là một trong những ca khúc được yêu thích nhất suốt thời đánh Mỹ và cho đến tận hôm nay vẫn lay động lòng người.
Hát về đất mỏ quê ta & Hạ Long xanh
Năm 1971, Đức Minh được tăng cường cho Đoàn ca nhạc Quảng Ninh và phong trào ca hát công nhân mỏ giữa lúc máy bay Mỹ hủy diệt Vùng than, thả mìn phong tỏa Vịnh Hạ Long. Dưới chân núi Bài Thơ đổ nát, hoang tàn, Đức Minh đã ôm ghi ta hát vang những ca khúc mới của mình: “Hòn Gai sáng niềm tin”, “Bến phà anh hùng”, “Ngôi sao tình yêu”…
Đức Minh phải thích nghi với nhịp sống công nghiệp sôi động của Vùng than và những đòi hỏi của công chúng vì trước ông đã có nhiều nhạc sỹ nổi tiếng sáng tác nhiều ca khúc về Vùng mỏ rất thành công như Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Xuân Giao, Thái Cơ, Tân Huyền…Trình độ thưởng thức văn học nghệ thuật của công nhân, cán bộ ngành Than và nhân dân Quảng Ninh rất cao. Đức Minh đã tìm thấy thế mạnh của mình là có điều kiện thường xuyên sống gắn bó với đất mỏ lâu dài. Ông say sưa tìm đọc từ hồi ký đến các tác phẩm văn học và ca dao Vùng mỏ, nghe và ghi lại dân ca các dân tộc Quảng Ninh, tìm hiểu sâu nền văn hóa Hạ Long và những ảnh hưởng của văn hóa Pháp, Nga, Hoa… trong từng gia đình thợ mỏ. Đức Minh tham gia Ban chấp hành Hội Văn Nghệ Quảng Ninh, xây dựng các chương trình cho Đoàn Ca nhạc Quảng Ninh, đào tạo những tài năng âm nhạc trong công nhân mỏ và tham gia tổ chức các hội diễn văn nghệ. Ông luôn dành sự quan tâm ưu ái cho những tài năng trẻ, gắn bó với họ qua từng tiết mục, tạo cho họ hướng đi trong biểu diễn và sáng tác như NSND Quang Thọ, Lê Dung, các ca sỹ Hoàng Tùng, Hồ Quỳnh Hương, Thanh Việt, Đức Nhuận; các nhạc sỹ Xuân Nhật, Đặng Thêm… đưa phong trào ca nhạc Đất mỏ Quảng Ninh lên tầm cao mới.
Sau vài năm tích lũy vốn sống và hoàn thiện nhạc kịch Thạch Sanh, Đức Minh đã liên tiếp cho ra đời một loạt ca khúc về Vùng than và Hạ Long. Nhạc phẩm “Đất mỏ quê ta” ngay lần ra mắt đầu tiên với chất giọng của Bích Liên – Quốc Đông đã gây được ấn tượng sâu sắc với đông đảo công nhân mỏ, ngày càng được nhiều người hát. Tiếp đó là “Cô gái Đất mỏ”, “Chiều Hạ Long”, “Màu xanh của biển”, “Khúc tình ca bên suối”, “Tầng than vẫy gọi”, “Mùa Xuân từ nơi em”, “Ra khơi”, “Ký ức chiến tranh”, “Lời biển hát”, “Xôn xao sóng nước Vân Đồn”, “Anh là mặt trời của em”…
Đức Minh đã trở thành nhạc sỹ sáng tác nhiều ca khúc nhất về Vùng than Quảng Ninh với trên 30 nhạc phẩm đã được phổ biến. Từ năm 1985, Đức Minh đã dồn hết tâm sức cho thể loại nhạc kịch với phong cách Việt Nam mà theo ông đã tiềm ẩn sâu sắc trong chèo, cải lương, tuồng và các loại hình đối đáp trong dân ca ba miền. Tác phẩm “Tiếng đàn Thạch Sanh” thực sự là một vở opera nghiêm túc, đã gây được tiếng vang lớn và đạt Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc 1985; sau này được dựng lại với sự diễn xuất của nhiều nghệ sỹ tài hoa như Quang Thọ, Trọng Tấn, Lan Anh, Anh Thơ, Thanh Thanh Hiền…
Thời kỳ gắn bó với Vùng than đã giúp Đức Minh tự hoàn thiện tài năng, nâng cao nhận thức về cuộc sống công nghiệp hiện đại và những nhu cầu thưởng thức âm nhạc của đông đảo công chúng trong công cuộc đổi mới. Là một nhạc sỹ sống giản dị, hiền hậu, chân tình, luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, Đức Minh được rất nhiều văn nghệ sỹ yêu mến. Ngôi nhà nhỏ của ông dưới chân núi Bài Thơ luôn mở rộng cửa đón bạn bè, nhất là những tài năng văn nghệ trẻ đến nghe ông chuyện trò, hát những ca khúc mới. Ngay cả khi đã chuyển về công tác xuất bản âm nhạc tại Hồ Gươm Audio Hà Nội, ông vẫn thường xuyên đi về Vùng than, tiếp tục cho ra đời những tác phẩm mới về Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn…
Năm 2007, nhạc sỹ Đức Minh được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật với cụm tác phẩm: “Em là hoa Pơ Lang”, “Trên biển quê hương”, “Cô gái lái tàu”, kịch hát “Tiếng đàn Thạch Sanh”. Ông từng được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, nhiều loại huy chương, 4 giải thưởng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam và nhiều giải thưởng Hạ Long, Hà Nội.
Tôi may mắn được chuyện trò lần cuối cùng với nhạc sỹ Đức Minh trước lúc ông ra đi, ôn lại với ông từng kỷ niệm nhỏ. Ông vẫn tỉnh táo gửi lời thăm nhiều người trong ngành Than và khẽ hát vài câu “Đất Mỏ quê ta”. Ông như đang bay bổng giữa ngàn xanh của sông núi biển trời đất nước. Những nhạc phẩm của ông đã và đang dập dìu lay động trái tim những thế hệ người Việt Nam hôm qua, hôm nay và cả mai sau…
Hà Nội Tháng Mười 2017 – VKN
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/duc-minh-nhac-sy-dat-mo-bay-giua-ngan-xanh-201710201803240317.htm” button=”Theo vinacomin”]