Chủ trương nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sử dụng nguyên liệu, Công ty Luyện kim màu Thái Nguyên (LKMTN) đã khởi công dự án Cải tạo nâng cao chất lượng Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên lên công suất 15 nghìn tấn/năm. Đây là một trong những dự án trọng điểm của Tổng Công ty Khoáng sản, nhưng tiến độ rất chậm. Tuy nhiên, sự chậm trễ này vô tình tạo ra bước giật lùi quý giá.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 129 tỷ đồng, gồm 6 hạng mục chính, được khởi công từ ngày 22/4/2010 và dự kiến hoàn thành sau 18 tháng thi công. Theo biên bản của Tổ công tác thực hiện giám sát đánh giá đầu tư của Tổng Công ty Khoáng sản thì hầu hết các hạng mục công trình đều chậm so với kế hoạch. Năm nay, kế hoạch thực hiện của Dự án trên 97tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm, giá trị thực hiện mới chỉ đạt trên 11 tỷ đồng. Những hạng mục đang triển khai, chủ yếu là các công trình xây lắp, đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo chất lượng. Hai hạng mục quan trọng của Dự án, liên quan đến “đầu vào” cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy, hiện phải dừng. Việc dừng hai hạng mục quan trọng này buộc Chủ đầu tư (Công ty KLMTN) phải điều chỉnh lại thiết kế Dự án và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chung của Dự án.
Ông Nguyễn Xuân Trình, Trưởng phòng Xây dựng Cơ bản, Công ty KLMTN giải thích, sở dĩ có sự “giật lùi” (thiết kế lại Dự án) là bởi, Dự án ban đầu đã xác định sai cơ cấu nguyên liệu. Theo đó, nguồn nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy được xác định 50% tinh quặng sunfua và 50% bột kẽm ô xít. Nhưng thực tế, nguồn quặng ô xít không thể đáp ứng được tỷ lệ trên, trong khi nguồn quặng sunfua khá dồi dào. Vì vậy, Công ty đề nghị Tổng Công ty cho thiết kế lại dự án, theo cơ cấu nguyên liệu khoảng 75% tinh quặng sunfua và khoảng 25% bột kẽm ô xít.
Nguyên nhân của việc xác định sai về nguyên liệu có thể do những người lập Dự án ban đầu không cập nhật sát diễn biến tình hình khai thác quặng tại các vùng nguyên liệu, thậm chí khi lập Dự án tính cả nguồn nguyên liệu thu mua ngoài. Sau khi nhậm chức Giám đốc Công ty KLMTN, ông Lê Đức Thành đã cho dừng thi công các hạng mục liên quan đến đầu vào của Dự án, đồng thời tổ chức lực lượng chuyên môn, đi khảo sát, phân tích đánh giá lại tiềm năng của các vùng nguyên liệu. Kết quả khảo sát, phân tích cho thấy, nguồn quặng sunfua ở Làng Hích và Chợ Điền đang dồi dào, nguồn quặng để sản xuất bột kẽm ô xít đang cạn kiệt, khó mà đáp ứng đủ 50% nguyên liệu lâu dài cho Nhà máy. Từ kết quả trên, Công ty LKMTN đã xin ý kiến Tổng công ty Khoáng sản cho phép điều chỉnh lại Dự án theo cơ cấu nguyên liệu chính của Nhà máy như đã nêu trên. Đề nghị của Công ty được Tổng công ty chấp thuận, hiện đang triển khai. Trong khi chờ thay đổi thiết kế, Công ty vẫn đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh các hạng mục không liên quan, đồng thời triển khai các dự án cải tạo nâng công suất mỏ và cải tạo nâng cao chất lượng tuyển quặng ở mỏ Bản Thi và Làng Hích, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu trước mắt và lâu dài cho Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên.
Việc thay đổi về cơ cấu nguyên liệu đầu vào khiến thiết bị của Dự án cũng phải thay đổi và liên quan đến nhiều công đoạn khác. Bởi vậy, tiến độ dự án bị chậm. Tuy nhiên, sự chậm trễ này đã tránh được nguy cơ khủng hoảng nguyên liệu của Nhà máy những năm sau này.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/du-an-trong-diem-nha-may-kem-dien-phan-thai-nguyen-buoc-giat-lui-quy-gia-346.htm” button=”Theo vinacomin”]