Có thể nói, về quản lý lao động, năm qua, lần đầu tiên TKV có Bộ định mức, định biên lao động mới với đầy đủ của tất cả các vị trí việc làm từ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể, đến từng người lao động. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học – cũng là giải pháp đột phá, góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả SXKD của Tập đoàn được TGĐ khen và tặng thưởng.
Bên lề Hội nghị tổng kết công tác chuyên ngành kinh tế tổng hợp của Tập đoàn năm 2015 được tổ chức vừa qua, xung quanh vấn đề nêu trên, P.V Tạp chí TKV đã có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Văn Cừ – Trưởng Ban TCNS Tập đoàn – đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ này.
P.V: Tinh thần chung cũng như những điểm mấu chốt của Bộ định mức, định biên lao động mới là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Văn Cừ: Nói chính xác thì “Bộ định mức, định biên lao động mới” chỉ là tên gọi tắt, thực tế Bộ định mức, định biên lao động này gồm hai văn bản. Thứ nhất, đó là Bộ định mức lao động và năng suất một số thiết bị chủ yếu trong khai thác than hầm lò, lộ thiên, sàng tuyển và tiêu thụ than. Thứ hai, đó là Hướng dẫn định biên các chức danh lao động quản lý, phụ trợ, phục vụ trong cơ cấu tổ chức của các đơn vị khai thác than hầm lò, lộ thiên, sàng tuyển, tiêu thụ than và các công ty cơ khí.
Nói rằng lần đầu tiên Tập đoàn có bộ định mức, định biên lao động đầy đủ của tất cả các vị trí việc làm là có cơ sở. Vì trước đây Ngành Than nói chung và TKV nói riêng mới chỉ xây dựng hệ thống định mức lao động đối với đối tượng lao động trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, chưa có định biên lao động đối với đối tượng lao động phụ trợ, phục vụ và quản lý (trước đây ta hay quen gọi là lao động gián tiếp). Nay thì chúng ta đã làm được việc đó, cụ thể là vừa xây dựng lại hệ thống định mức lao động trực tiếp cho phù hợp với trình độ công nghệ, máy móc thiết bị và tổ chức sản xuất mới, vừa xây dựng mới hệ thống định biên lao động cho tất cả các chức danh lao động phụ trợ, phục vụ và quản lý.
Cũng cần nói thêm rằng, khi chưa có bộ định biên lao động do Tập đoàn ban hành thì hầu hết các đơn vị thành viên vẫn xây dựng định biên lao động của chính đơn vị mình để phục vụ công tác quản lý, song không có sự thống nhất chung của cả hệ thống. Điều này dẫn tới tình trạng nhiều vị trí công việc có chức năng, nhiệm vụ, quy mô quản lý giống nhau nhưng mỗi đơn vị lại định biên lao động rất khác nhau. Ví dụ: cùng là vị trí nhân viên kinh tế phân xưởng có đơn vị bố trí ở phòng kế toán thống kê, có đơn vị bố trí ở phòng tổ chức lao động, có đơn vị bố trí trực tiếp ở phân xưởng. Cũng vị trí này thì có đơn vị chỉ định biên 01 người/phân xưởng; có đơn vị bố trí 2, thậm chí tới 3 người/phân xưởng.
Điểm “nhấn” của Bộ định mức, định biên lao động mới này được thể hiện ở 3 điểm. Thứ nhất là sự thống nhất. Theo đó ở bất cứ vị trí công việc nào trong TKV nếu điều kiện tổ chức sản xuất như nhau thì được áp dụng định mức lao động, định biên lao động như nhau. Thứ hai là tính hệ thống. Bởi vì định biên lao động được xây dựng trên cơ sở mô hình mẫu, tức là mỗi đơn vị có bao nhiêu phòng, là những phòng nào, chức năng, nhiệm vụ ra sao? Trong mỗi phòng có bao nhiêu phó phòng, bao nhiêu nhân viên, mỗi nhân viên làm những công việc gì? mỗi công ty có bao nhiêu phân xưởng sản xuất chính, phụ trợ, phục vụ và quy mô mỗi phân xưởng quản lý mấy lò chợ, mấy gương đào lò, bao nhiêu máy xúc, bao nhiêu ô tô, quản lý bao nhiêu lao động… Thứ ba, đó là sự thay đổi. Chúng ta đã mạnh dạn thay đổi một số quy định quản lý so với trước đây để tối ưu hóa việc sử dụng lao động, như bố trí ca trưởng cơ điện tại các phân xưởng sản xuất than hầm lò; điều chỉnh quy trình giao nhận than, bỏ hệ thống giám sát viên an toàn, mô hình thợ thường trực sửa chữa tập trung, mô hình chất tải…
P.V: Với những điểm “nhấn” đó, theo đồng chí sẽ có ý nghĩa quan trọng và hiệu quả thiết thực như thế nào đối với Tập đoàn nói chung, các đơn vị nói riêng?
Đồng chí Trần Văn Cừ: Thứ nhất: Đã xây dựng được mô hình tổ chức sản xuất phù hợp đối với doanh nghiệp khai thác mỏ trong thời điểm hiện nay. Đồng thời tính toán lại năng suất một số thiết bị chủ yếu trong khai thác mỏ để làm cơ sở cho TKV ban hành mới đơn giá công đoạn tổng hợp trong khai thác than trong năm 2016 cho phù hợp và sát với thực tế; làm căn cứ để các đơn vị cân đối năng lực thiết bị để phục vụ cho sản xuất cũng như đầu tư mới thiết bị…
Thứ hai: Thiết lập một sân chơi bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp thành viên. Theo đó TKV cũng như các doanh nghiệp thành viên và người lao động sẽ dễ dàng nhận ra đơn vị nào làm tốt hay làm chưa tốt trong công tác quản trị nguồn nhân lực.
Thứ ba: Là công cụ để các doanh nghiệp thành viên sử dụng lao động cho phù hợp. Vì với cơ chế khoán chi phí bình đẳng như hiện nay nếu đơn vị nào không sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong đó có nguồn nhân lực (ví dụ lao động đông, năng suất lao động thấp, cơ cấu lao động không hợp lý làm cho giá thành cao…) thì điều tất yếu sẽ dẫn đến thu nhập thấp, không thu hút được nhân tài, người lao động sẽ tự rời bỏ đến những đơn vị có ưu đãi tốt hơn…
Thứ tư: Chỉ khi định biên lao động chính xác thì chúng ta mới có thể khoán quỹ tiền lương, trả lương đúng, đủ theo năng lực thực sự của mỗi cá nhân. Tiền lương mới thực sự là động lực để tăng năng suất lao động.
Thứ năm: Về hiệu quả kinh tế chúng ta có thể đưa ra một con số để chứng minh, theo đó với chi phí tiền lương bình quân khoảng 8 triệu đồng/người/tháng thì mỗi năm chi phí tiền lương cho một người lao động xấp xỉ 100 triệu đồng, cộng với các khoản chi phí khác như đóng BHXH, BHYT, BHTN, ăn ca, bảo hộ lao động, xe đưa đón, phúc lợi… khoảng 30% tiền lương thì nếu cứ sử dụng tiết kiệm một người lao động ta sẽ giảm chi phí khoảng 130 triệu đồng/năm. Toàn TKV hiện có xấp xỉ 116 ngàn người, nếu chúng ta sử dụng lao động tiết kiệm 10% thì mỗi năm chúng ta sẽ giảm chi phí lao động trên một ngàn tỷ đồng.
P.V: Một vấn đề đặt ra, nếu theo hệ thống định mức, định biên lao động mới, nhiều vị trí lao động không cần thiết sẽ bị cắt giảm. Vậy chỉ đạo của Tập đoàn để giải quyết các vấn đề lao động dôi dư như thế nào?
Đồng chí Trần Văn Cừ: Cần hiểu một cách khách quan như thế này: Theo quy định của Bộ Luật Lao động, nếu doanh nghiệp dôi dư lao động vì lý do kinh tế, thay đổi cơ cấu, công nghệ thì được quyền lập phương án xử lý lao động, không phụ thuộc vào ý chí của người lao động.
Như chúng ta đã biết, trong bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều có 2 chủ thể đó là người chủ sở hữu doanh nghiệp và người lao động, hay nói cách khác là người sử dụng lao động và người lao động. Chúng ta phải xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, tức là vừa phải đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu – người bỏ vốn đầu tư vào doanh nghiệp để thu lợi nhuận, vừa phải đảm bảo quyền lợi của người lao động làm thuê để hưởng lương, chứ không thể chỉ nghiêng về quyền lợi của một bên nào.
Như vậy, rõ ràng là nếu dư thừa lao động thì số lao động dôi dư đó sẽ phải đi tìm việc làm ở nơi khác có nhu cầu sử dụng mình, hoặc nếu đủ điều kiện thì có thể nghỉ hưu sớm, chứ không thể bắt chủ doanh nghiệp cứ phải sử dụng. Chúng ta nên quản lý quỹ tiền lương theo phương châm “ít người, lương cao”, thay vì “nhiều người, lương thấp”.
Để hỗ trợ cho người lao động không may bị mất việc làm do doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng lao động thì Nhà nước đã có chính sách bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp mất việc, thôi việc. Riêng đối với những lao động dôi dư mà tự nguyện nghỉ hưu sớm thì Tập đoàn đã có cơ chế hỗ trợ từ Quỹ đổi mới cơ cấu lao động tập trung của Tập đoàn. Cơ chế này đã thực hiện từ năm 2001 đến nay và vừa qua mới được sửa đổi tại Quyết định số 816/QĐ-TKV ngày 25/4/2016. Theo Quyết định 816, nếu người lao động dôi dư (tức là lao động giảm tuyệt đối, đơn vị không tuyển dụng thay thế) mà tự nguyện về hưu trước tuổi thì có thể được hỗ trợ tối đa đến 100 triệu đồng tùy theo số năm nghỉ hưu trước tuổi nhiều hay ít. Như vậy với cơ chế hỗ trợ hợp lý, cùng việc xác định rõ nhu cầu sử dụng lao động thực tế cho mỗi vị trí chúng tôi tin rằng việc sắp xếp lại lao động trong năm 2016 theo bộ định mức, định biên lao động mới sẽ thành công.
Nhân nói về vấn đề giải quyết lao động dôi dư, tôi cũng muốn chia sẻ một câu chuyện đáng suy ngẫm. Cách đây hơn 10 năm, một đồng chí cán bộ lãnh đạo đơn vị thành viên của Tập đoàn do có hạn chế về năng lực, sức khỏe nên xin nghỉ hưu sớm. Khi chúng tôi gặp để động viên thì đồng chí đó không buồn mà vui vẻ nói với tôi, đại ý là “kết thúc sớm một giai đoạn, thì sẽ bắt đầu sớm một giai đoạn khác”. Sau khi nghỉ hưu đồng chí này thành lập công ty của chính mình và kinh doanh rất có hiệu quả.
P.V: Được biết, để xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào áp dụng Bộ định mức, định biên lao động mới này có sự đóng góp tích cực của các Ban, các tập thể, cá nhân. Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Đồng chí Trần Văn Cừ: Tại Hội nghị tổng kết công tác chuyên ngành kinh tế tổng hợp của Tập đoàn năm 2015 tổ chức tại Ninh Bình vừa qua, đồng chí TGĐ Tập đoàn đã tặng bằng khen cho 13 cá nhân thuộc các đơn vị thành viên trong TKV là thành viên tham gia các tổ nghiên cứu xây dựng Bộ định mức, định biên lao động mới.
Để có được Bộ định mức, định biên lao động này là có sự đóng góp rất tích cực và quan trọng của nhiều tập thể, cá nhân trong Tập đoàn.
Trước hết, đó là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng ủy, HĐTV và TGĐ Tập đoàn trong việc thực hiện các giải pháp về nâng cao năng lực sản xuất, giảm giá thành của TKV mà trong đó giải pháp về tiết giảm chi phí lao động là một trong những giải pháp quan trọng nhất.
Tiếp theo, đó là sự đóng góp hết sức nghiêm túc của các đơn vị thành viên. Trên cơ sở yêu cầu của Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị đã cử những cán bộ là chuyên gia có kinh nghiệm, am hiểu về công tác định mức lao động và công nghệ về Ban TCNS để xây dựng Bộ định mức, định biên lao động mới. Những cán bộ này thoát ly hoàn toàn khỏi công việc của đơn vị trong thời gian 6 tháng để về TKV làm việc tập trung. Viện KHCN mỏ cũng cử 3 cán bộ tham gia. Có thể nói nhờ sự giúp đỡ của các đơn vị thành viên mà Bộ định mức, định biên lao động đã hoàn thành trong thời gian chưa đầy 9 tháng.
Trong quá trình xây dựng Bộ định mức, định biên lao động mới, TKV đã tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, lấy ý kiến rộng rãi trong toàn Tập đoàn. Tất cả các ý kiến tham gia đều được tổ nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc và cẩn trọng, trong đó nêu rõ quan điểm đồng ý tiếp thu, không đồng ý, lý do không đồng ý để công bố công khai tại các cuộc hội thảo lần kế tiếp, chính vì vậy rất nhiều ý kiến đóng góp quý báu đã được tiếp thu để đưa vào đề tài. Đặc biệt có lẽ ít có đề tài nghiên cứu nào được sự quan tâm, tham gia góp ý hết sức trách nhiệm của tất cả các doanh nghiệp thành viên, Đảng ủy, Công đoàn, các thành viên Hội đồng thành viên, các Phó TGĐ và các ban chuyên môn của TKV.
Và cuối cùng, không thể không nói đến vai trò của các Ban chuyên môn như Ban KCM, Ban CV, Ban AT và đặc biệt là Ban TCNS là đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên tôi nghĩ không cần thiết phải nói nhiều vì đây là nhiệm vụ của chúng tôi được Tập đoàn trả lương hàng tháng để thực hiện rồi.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dot-pha-voi-bo-dinh-muc-dinh-bien-lao-dong-moi-201606031112483948.htm” button=”Theo vinacomin”]