Gặp gỡ nguyên Giám đốc Công ty than Hòn Gai trong thời tiết heo may của trời thu Hạ Long, trước mắt tôi không có cái cao ngạo của một vị lãnh đạo. Giờ đây, ông hoàn toàn là một nhạc sỹ vùng Mỏ thân thiện, chân chất với một phong thái ung dung, tự tại giữa đời…
Nhạc sỹ Lê Nguyên Thêm sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Niềm say mê âm nhạc cuộn chảy trong dòng máu nóng, thôi thúc cậu sinh viên Lê Thêm mày mò tự học nhạc, học đàn từ những năm phổ thông thông qua các giáo trình tự kiếm được… Những năm học tại ĐH Mỏ- Địa chất cũng là thời điểm những tác phẩm đầu tay của Lê Thêm ra đời.
Trong sản xuất, Giám đốc Lê Nguyên Thêm được lãnh đạo Tập đoàn đánh giá là một người đã giải quyết việc tăng sản lượng cho Than Hòn Gai, “biến việc không thể thành có thể”. Khi ông mới về Công ty, khu vực Than Hòn Gai được nhận định là tài nguyên do Công ty quản lý nghèo nàn, địa chất phức tạp. Ngay lúc này, GĐ Lê Nguyên Thêm đã cùng ban lãnh đạo và các cán bộ Công ty rà soát, đánh giá lại trữ lượng mỏ, quy hoạch lại vùng khai thác; từng bước đầu tư đổi mới công nghệ. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Than Hòn Gai đã có những bước chuyển động bứt phá: Sản lượng khai thác than năm 2007 lên gần 1 triệu 700 ngàn tấn, thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Kỷ niệm đón chào tấn than thứ một triệu của Than Hòn Gai với dòng cảm xúc tuôn trào, Giám đốc Lê Nguyên Thêm viết ngay tại chỗ ca khúc “Tuổi trẻ Than Hòn Gai”, để rồi đến nay, những lời ca ấy vẫn vang mãi trên công trường Than Hòn Gai mỗi dịp hội diễn, kỷ niệm Công ty.
Cũng ở giai đoạn này, nhiều tác phẩm anh viết về người thợ đã ra đời như Khi anh bay qua vùng Than, Tâm tình cô gái ngành ăn mỏ, Tự nhủ, Khúc ngẫu hứng người thợ lò, Cây đàn Hạ Long… và gần đây nhất là ca khúc Yêu anh người thợ – ca khúc đạt gải Nhì cuộc thi sáng tác ca khúc về chủ đề “Tự hào Than – Khoáng sản Việt Nam”, lột tả chân thực khung cảnh lao động sản xuất với tinh thần say mê, phấn khởi và tình yêu, lòng ngợi ca dành cho những người thợ mỏ. Trong số đó, một trong những ca khúc anh ấn tượng nhất đó là “Khúc cha cha cha người thợ mỏ”. Chuyện rằng: Sau khi đi lò, anh em Than Hòn Gai ra nhọ nhem, không thể nhận ra nhau. Lên đến mặt đất, chân tay mặt mũi phủ đen bởi bụi than. Mồ hôi nhễ nhại ướt áo. Những tưởng cái lam lũ, mệt nhọc ấy đã nhấn chìm tinh thần nghệ thuật của những người thợ. Nhưng thật bất ngờ. Ngay tối hôm ấy, họ – những anh thợ, chị thợ bết bát mồ hôi lúc sáng đã biến thành những vũ công điêu luyện tập trên sàn nhảy. Người ta trở nên say sưa, có khiếu không kém những nghệ sỹ chuyên nghiệp. Không ai nghĩ rằng sau công việc vất vả là thế mà họ còn có thể nhảy múa điêu luyện đến vậy. Nét sinh hoạt văn hóa đó đã gây ấn tượng cho ông viết nên ca khúc được lớp lớp thợ mỏ yêu thích: Cha cha cha thợ mỏ. Giai điệu vui tươi “…Suối than reo ca – Khúc cha cha cha – Hát về vùng than yêu mãi yêu mãi…” thường được vang lên trong các dịp Đại hội TDTT Tập đoàn cũng như của tỉnh Quảng Ninh ngày nay.
Hiện tại, ông đang giữ vai trò Chi hội phó Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Quảng Ninh. Tấm Huân chương Lao động hạng Ba cùng rất nhiều giải thưởng danh giá khác như một sự ghi nhận cho những cố gắng không ngừng nghỉ của ông. Ông tâm niệm: “Đời sống tinh thần vốn đã quan trọng với con người. Nhưng với thợ mỏ, nó lại càng cần thiết hơn nữa”. Dòng than và tiếng hát, hai niềm hạnh phúc song hành ấy đã được dung hòa và tuôn chảy trong trái tim nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm, để rồi từ đây, những khúc ca về đất và người vùng mỏ sẽ ra đời và sống mãi trong lòng những người yêu vùng đất này.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dong-song-va-tieng-hat-la-mot-cap-song-hanh-201611100007041909.htm” button=”Theo vinacomin”]