Là địa phương nằm trong tam giác tăng trưởng của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong những năm qua Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc. Song hành cùng với sự phát triển lớn mạnh của Quảng Ninh, ngành Than đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Những thành tựu nổi bật
Là một tỉnh nằm trong địa bàn động lực của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh đóng vai trò là một trong những đầu tàu về phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ngành công nghiệp khai thác than lớn nhất của cả nước, Quảng Ninh có các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế tạo, chế biến, cảng biển…
Một góc TP. Hạ Long hôm nay (Ảnh: Đỗ Phương)
Với sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, cùng những chủ trương, chính sách và các giải pháp cụ thể, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong cả nước đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, đó là: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; Xây dựng thể chế và cải cách hành chính; Phát triển nguồn nhân lực. Từ đó, đã tạo bước phát triển đột phá, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2016 tăng 10,1%, năm 2017 tăng 10,2%. Đặc biệt, năm 2018 GRDP tăng 11,1%, cao nhất trong 6 năm gần đây và là mức cao so với các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và so với mặt bằng chung của cả nước. Thực hiện kết hợp hài hòa giữa tập trung các đột phá chiến lược và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, quy mô và tiềm lực kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển. Quảng Ninh trở thành một trong 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về số thu ngân sách trên địa bàn, năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 40.500 tỷ đồng. Các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đồng thời, Quảng Ninh đi đầu và thành công trong thực hiện cải cách hành chính, thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hợp tác công – tư (PPP)…, tạo đột phá mạnh mẽ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói riêng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung. Hiện nay, Quảng Ninh là tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ – đường hàng không – đường biển phát triển đồng bộ, có số km đường cao tốc lớn nhất của cả nước với chiều dài gần 200km, là tỉnh đầu tiên có Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long do tư nhân đầu tư…, Cùng với đó, Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới, mô hình mới đạt hiệu quả như đổi mới công tác tổ chức và cán bộ; đổi mới cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền…, Hai năm liên tiếp (2017, 2018), Quảng Ninh dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2018 Quảng Ninh đạt giải thưởng ASOCIO dành cho chính quyền số xuất sắc do Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á – châu Đại Dương (ASOCIO) tổ chức.
Năm 2019, kinh tế – xã hội Quảng Ninh tiếp tục phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng năm 2019 đạt 11,9%, vượt 0,4% so kế hoạch tăng trưởng đề ra; thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 34.300 tỷ đồng, bằng 83% dự toán năm, tăng 15% so với cùng kỳ. Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái (BOT), đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, hầm đường bộ xuyên biển qua vịnh Cửa Lục…; tăng cường cải cách hành chính, xây dựng thành phố thông minh gắn với chính quyền điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Ngành Than với Quảng Ninh
Tiêu thụ than tại cảng Cửa Ông
Tại Quảng Ninh, ngành Than là một ngành công nghiệp khai khoáng có lịch sử truyền thống lâu đời, có vai trò và đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và công tác an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, ngành Than và Quảng Ninh luôn có mối quan hệ gắn bó mật thiết, sự phát triển của ngành Than cũng là sự phát triển của Quảng Ninh. Mặc dù Quảng Ninh đang có sự điều chỉnh chiến lược phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” nhưng ngành Than vẫn đang giữ vai trò vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Hằng năm, TKV vẫn đóng góp khoảng 1/4 GRDP và hơn 40% ngân sách thu nội địa của tỉnh, đảm bảo việc làm cho CNLĐ ngành Than cũng như tạo việc làm cho nhân dân trong tỉnh, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ… phục vụ cho sản xuất than.
Là ngành sản xuất than – khoáng sản có nhiều đơn vị đứng chân tại Quảng Ninh với trên 80.000 CNVCLĐ, cùng với việc thực hiện hoàn thành kế hoạch SXKD hàng năm, đảm bảo việc làm, thu nhập và đời sống cho hàng vạn thợ mỏ và gia đình của họ tại Quảng Ninh, trong quá trình hoạt động TKV và các đơn vị thành viên luôn chú trọng thực hiện nghĩa vụ với địa phương, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, xây dựng nông thôn mới, thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn…
Đồng chí Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn cho biết, ngành Than luôn được sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện của tỉnh, cùng có tiếng nói chung tháo gỡ các khó khăn, duy trì ổn định phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, TKV luôn có trách nhiệm với tỉnh, đóng góp xây dựng phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Ninh. Năm 2018, TKV nộp ngân sách nhà nước đạt 16.000 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách tại Quảng Ninh đạt 12.500 tỷ đồng, chiếm 41% thu nội địa của tỉnh; 9 tháng năm 2019, TKV nộp ngân sách tại Quảng Ninh dự kiến trên 10.900 tỷ đồng, chiếm gần 50% thu nội địa của tỉnh cùng với đầu tư 5.216 tỷ đồng tại Quảng Ninh…
Cùng với đó, TKV và các đơn vị đã đầu tư xây dựng các chung cư, nhà ở cho công nhân, ổn định cuộc sống của thợ mỏ và gia đình họ tại Quảng Ninh; đầu tư xây dựng các công trình mang dấu ấn TKV như Quảng trường 12/11 và Tượng đài Thợ mỏ tại thành phố Cẩm Phả; Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh tại thành phố Hạ Long; khu tâm linh Miếu Mỏ tại Đông Triều; khu di tích nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở khu Mỏ tại Mạo Khê; năm 2018 TKV hỗ trợ thành phố Uông Bí gần 40 tỷ đồng xây dựng Quảng trường Trung tâm 25/2…, Ngoài ra, hàng năm TKV và các đơn vị tại Quảng Ninh chi hàng chục tỷ đồng để giúp các xã nghèo vùng sâu vùng xa của tỉnh, xây dựng các trường học, làm đường dân sinh, đưa điện lưới ra đảo, xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, giúp các địa phương phát triển kinh tế…
Trong công tác bảo vệ môi trường, TKV đã nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, cải tạo hoàn nguyên môi trường sau khai thác, trồng hàng trăm ha cây xanh tại các bãi thải, khu vực ngừng đổ thải tại các địa phương trong tỉnh. Tại các mỏ than đều có các trạm xử lý nước thải, hệ thống quan trắc môi trường…; TKV cũng đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các tuyến băng tải thay thế vận chuyển than bằng ô tô và đường sắt, từ ngày 1/1/2019 đã chấm dứt hoạt động của Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng, dừng hoạt động và tháo dỡ tuyến đường sắt vận chuyển than từ Ga Lộ Phong ra Cảng Nam Cầu Trắng…
Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tại Quảng Ninh, TKV tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ khai thác, thân thiện với môi trường; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thợ mỏ và người lao động, tăng cường phối hợp chặt chẽ, toàn diện với cấp ủy, chính quyền địa phương, phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, xây dựng TKV ngày càng phát triển, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/dong-hanh-cung-su-phat-trien-lon-manh-cua-quang-ninh-201911111642349309.htm” button=”Theo vinacomin”]