Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam số 15 phát hành 10/8/2017 cùng bạn đọc nhìn lại một trong những dấu mốc quan trọng của Tập đoàn đó là ngày 08/8/2005, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 198/2005/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Than Việt Nam và Quyết định số 199/2005/QĐ-TTg về việc thành lập Công ty mẹ – Tập đoàn Than Việt Nam trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng Công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên. Bên cạnh đó, không khí lao động sản xuất hăng say cùng với những kết quả đáng ghi nhận của hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn cũng được ghi nhận thông qua nhiều bài viết hay, hấp dẫn là những nội dung chính trong số Tạp chí phát hành kỳ này.
Từ chủ trương của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa IX): “Hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ty nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, kinh doanh đa ngành, trong đó có ngành kinh doanh chính, chuyên môn hóa cao và giữ vai trò chi phối lớn trong nền kinh tế quốc dân…”, tập đoàn kinh tế đầu tiên của nước ta là Tập đoàn Than Việt Nam (TVN) ra đời và đi vào hoạt động theo Quyết định số 199/2005/QĐ-TTg, ngày 8/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Bốn tháng sau, ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam. Ngay sau khi nhận được các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn đã hoạch định mục tiêu, chiến lược để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Đến nay, sau hơn 10 năm nhìn lại, các thế hệ CBCNVC và người lao động Tập đoàn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, về cơ bản đạt được những mục tiêu đề ra. Tập đoàn đã thực hiện tốt vai trò là một trong 3 trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Điều đó đã minh chứng khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc thành lập Tổng Công ty 91 trước đây và Tập đoàn kinh tế hiện nay là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Cùng nhìn lại mốc son đáng nhớ này qua bài viết Tập đoàn kinh tế đầu tiên: Khẳng định vai trò đầu tầu trên trang 2, chuyên mục Tiêu điểm.
Bám sát chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 2/2/2017 về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020, Hội đồng thành viên Tập đoàn TKV đã thông qua định hướng, giải pháp tái cơ cấu thuộc TKV đến năm 2020. Tập đoàn cũng đã lập ra tổ công tác triển khai tái cơ cấu góp vốn của TKV tại các doanh nghiệp. Đối với Tổng Công ty Điện lực – TKV, Tập đoàn sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Điện lực – TKV xuống còn 65%. Và vừa qua, Tập đoàn đã tổ chức Hội thảo cơ hội đầu tư vào Tổng Công ty Điện lực – TKV nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực nhiệt điện than. Bài viết Thêm cơ hội cho các nhà đầu tư nhiệt điện than trên trang 4, chuyên mục Chuyển động TKV sẽ thể hiện rõ nét vấn đề này. Cùng trong chuyên mục, Tạp chí có các bài viết nổi bật phản ánh tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị như: Cơ giới hóa: Cách làm tốt, hiệu quả cao, Không quyết liệt và đổi mới, không thể tồn tại!, Đầu tư công – Quản trị tư: Hài hòa lợi ích…
Tiếp tục duy trì chuyên mục mới Bauxite – Ngành công nghiệp triển vọng, Tạp chí có bài viết Tự tin trước giờ G trên trang 12. Bài viết đã phản ánh tình hình hoạt động của toàn bộ dây chuyền Nhà máy Aluimin Nhân Cơ sau hai lần chạy thử sát hạch tính năng thành công và cho ra những tấn sản phẩm Alumin và Hydrat đủ chất lượng để xuất khẩu trong và ngoài nước, đồng thời phản ánh không khí háo hức, tinh thần chuẩn vị sẵn sàng của lãnh đạo cũng như CBCNV Công ty Nhôm Đắk Nông trước nhiệm vụ tiếp nhận vận hành thương mại toàn bộ Nhà máy trong tháng 8.
Năm 2016, 1.121 thợ lò và 295 thợ cơ điện lò chấm dứt hợp đồng lao động là những con số biết nói. Mặc dù Tập đoàn đã có cơ chế ưu đãi tối đa đối với người học nghề mỏ hầm lò (miễn toàn bộ học phí, tiền ăn, tiền ở, ra trường có việc làm ngay) và các trường đã nỗ lực, cố gắng rất lớn song tỷ lệ tuyển sinh đạt vẫn thấp so với kế hoạch đề ra. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho điều này, và một nguyên nhân chính nữa là do tâm lý người học muốn thời gian đào tạo ngắn để sớm đi làm, có thu nhập ngay. “Để giữ chân thợ lò, tránh tình trạng thợ lò bỏ việc; dựa trên chính đặc thù nghề mỏ, nên chăng chúng ta bàn bạc để tìm ra phương án rút ngắn thời gian đào tạo, chỉ đào tạo chuyên sâu những gì thực sự cần thiết với thợ lò?” là ý kiến của ông Trần Văn Cừ – Trưởng Ban Tổ chức – Nhân sự tại cuộc họp mới đây của Tập đoàn. Đó cũng là nội dung được thể hiện trong bài viết Thêm một “hiến kế” thu hút thợ lò trong chuyên mục Vấn đề kỳ này.
Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 02/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về “Nội dung sinh hoạt chi bộ”, Đảng bộ Than Quảng Ninh đã đã tổ chức quán triệt triển khai thực hiện tại hội nghị cán bộ đảng chủ chốt; đồng thời xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các nội dung, đề ra các giải pháp phù hợp với từng loại hình tổ chức cơ sở đảng, đảm bảo thực hiện có hiệu quả và đã đạt được những kết quả nhất định. Bạn đọc có thể theo dõi nội dung qua bài viết phỏng vấn đồng chí Bùi Văn Kỹ – Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Than Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng sinh hoạt, góp phần xây dựng Chi bộ trong sạch, vững mạnh tại chuyên mục Gặp gỡ – đối thoại.
Ngoài ra trên Tạp chí TKV số 15 phát hành 10/8/2017 còn có nhiều bài viết phong phú tại các chuyên mục: Chăm lo nguồn nhân lực, Công đoàn TKV đồng hành & gắn kết, Cuộc sống quanh ta, Nghiên cứu trao đổi… Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/don-doc-tap-chi-tkv-so-15-phat-hanh-1082017-201708101138238957.htm” button=”Theo vinacomin”]