Hội thi Thợ giỏi Tập đoàn lần thứ 10 đã thành công tốt đẹp. Ban tổ chức và Hội đồng chấm thi đã lựa chọn được 395 thí sinh đạt danh hiệu Thợ giỏi xuất sắc và danh hiệu Thợ giỏi cấp Tập đoàn để tôn vinh tại Lễ tuyên dương Thợ giỏi cấp Tập đoàn lần thứ 10… Đó là một trong những nội dung nổi bật của chuyên mục Tiêu điểm trên Tạp chí Than – Khoáng sản Việt Nam số 22 phát hành tháng 11/2017.
Cụ thể, bài viết Tôn vinh những người thợ mỏ của tác giả Thùy Linh – Hùng Mạnh đã phản ánh rõ không khí trang nghiêm và tràn đầy ý nghĩa của Lễ tuyên dương Thợ giỏi cấp Tập đoàn lần thứ 10 được tổ chức vừa qua. Đánh giá về Hội thi năm nay, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Hoàng Trung nhấn mạnh, chất lượng thí sinh dự thi của Hội thi lần thứ 10 tốt hơn. Độ khó về đề thi đối với nhóm nghề hầm lò tăng lên. Số lượng câu hỏi trong bộ đề thi nhóm nghề hầm lò tăng lên nhưng số lượng thí sinh đạt Thợ giỏi xuất sắc và Thợ giỏi vẫn tăng so với Hội thi trước. Ngoài phần thưởng của Tập đoàn, căn cứ vào tình hình thực tế, Tập đoàn đề nghị các đơn vị có chế độ đãi ngộ xứng đáng với công nhân đạt danh hiệu Thợ giỏi xuất sắc, Thợ giỏi cấp Tập đoàn lần thứ 10. Đặc biệt, sau lễ tuyên dương này, Tập đoàn sẽ tổ chức cho các thí sinh đạt danh hiệu Thợ giỏi xuất sắc được thưởng một chuyến tham quan, du lịch nước ngoài, dự kiến thực hiện trong năm 2017.
Trong chuyên mục Chuyển động TKV, ngoài các bài viết phản ánh tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị như Giữ vững thị trường truyền thống, Uy tín & niềm tin, Điện Na Dương thắp sáng nơi vùng biên, Trở lại Than Núi Hồng… Tạp chí kỳ này còn có những bài viết ghi nhận những hoạt động nổi bật đã diễn ra nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 81 năm Ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ – Truyền thống ngành Than 12/11 (1936 – 2017). Đó là bài viết về buổi lễ tiếp nhận bộ phim tư liệu gốc “Vùng mỏ – con người và lịch sử” – bộ phim phác họa khá đầy đủ về quá trình hình thành ngành khai thác than ở Việt Nam, đời sống của những người thợ mỏ dưới thời Pháp thuộc cũng như những giai đoạn hào hùng ở thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, khôi phục và xây dựng Vùng mỏ đẹp giàu – do nghệ sỹ Vùng mỏ Đặng Huỳnh Thái trao tặng lại cho Tập đoàn. Hay bài viết Đọng lại “Khoảnh khắc vùng Than” ghi lại buổi khai mạc triển lãm của Nghệ sỹ nhiếp ảnh – thợ lò Phạm Mạnh Hùng. Hơn 100 tác phẩm triển lãm lần này là sự lựa chọn trong vô vàn những khoảnh khắc mà NSNA Phạm Mạnh Hùng đã ghi lại thông qua ống kính đầy nhiệt huyết và tràn đầy tình yêu của người nghệ sỹ dành cho con người và vùng đất mỏ Mạo Khê. Đó là những khoảnh khắc bình dị, chân thật và sống động với bước chân của thợ lò vào ca, những nụ cười bừng sáng trên gương mặt người thợ còn lấm lem bụi than, phút thư giãn nghỉ ngơi người thợ mỏ sau những giờ lao động miệt mài hay chỉ là ánh mắt sau khăn vuông kín của các cô gái nhà sàng… Và buổi triển lãm càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 81 năm ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ – Truyền thống ngành Than 12/11. Đây là dịp để hình ảnh thợ mỏ và vùng Than được đông đảo công chúng biết đến và cũng là cơ hội để NSNA – thợ lò Phạm Mạnh Hùng tri ân những tình cảm của lãnh đạo Tập đoàn, Công ty than Mạo Khê cùng những người thợ mỏ và đông đảo bạn bè đã yêu quý các tác phẩm nhiếp ảnh của anh trong suốt thời gian qua…
Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng và định hướng của Nhà nước được cụ thể hóa trong ”Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 – 2015 có xét đến năm 2025” phê duyệt tại Quyết định số 167/QĐ – TTg ngày 1/11/2007 và “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” phê duyệt tại Quyết định số 2427/2011/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công Thương đã trực tiếp chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) triển khai thực hiện đầu tư hai dự án bô xít thí điểm ở Tây Nguyên gồm Dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng (gọi tắt là Dự án Alumin Tân Rai) và Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (gọi tắt Dự án Alumin Nhân Cơ). Mục tiêu là nhằm hiện thực hóa trong thực tế hoạt động khai thác bô xít, chế biến alumin quy mô công nghiệp theo hướng sản xuất lớn, hiện đại tại Việt Nam, qua đó khẳng định, làm rõ tính khả thi về công nghệ, hiệu quả kinh tế – xã hội, giải pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, văn hóa, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, làm nền tảng cho việc cụ thể hóa định hướng tiếp theo về phát triển đồng bộ ngành công nghiệp bô xít – alumin – nhôm nhằm khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản bô xít dồi dào phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế – xã hội của Tây Nguyên và cả nước nói chung. PGS. TS Nguyễn Cảnh Nam – Hội KH & CN Mỏ VN đã có bài viết Hai dự án bô xít thí điểm ở Tây Nguyên đã thu được kết quả ban đầu khả quan đầy hứa hẹn để đánh giá một cách tổng quát về quá trình thực hiện cũng như kết quả đạt được của hai dự án tính đến thời điểm hiện tại.
Mông Dương – từ một vùng đất hoang sơ với vài nóc nhà của một số người dân lâm nghiệp xưa đi vỡ đất đã đi lên để hóa thân trở thành khu phố mỏ sầm uất và hiện đại như ngày hôm nay. Đó thực sự là một bước tiến dài, gắn chặt với quá trình phát triển của các đơn vị như mỏ than Mông Dương, mỏ than Khe Chàm, Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương (Công ty Xây dựng mỏ Hầm lò 1 hiện nay) với nhiều thế hệ thợ mỏ. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ đó dường như cũng không che lấp được nét tự nhiên vốn có của vùng đất này với những dãy đồi núi trùng điệp, những khúc sông uốn lượn. Và hơn thế nữa, đó là nghị lực, là ý chí của lớp lớp các thế hệ thợ mỏ nơi đây. Để có được những công trình làm cho đời sống thợ mỏ ngày càng nâng lên, thợ mỏ Mông Dương, Khe Chàm đã cần mẫn đưa lên mặt đất mỗi năm hàng triệu tấn than. Không biết bao nhiêu giọt mồ hôi, thậm chí có cả những giọt nước mắt, những giọt máu đã nhỏ xuống trong những đường lò này để duy trì dòng than chảy mãi, cho những công trình cao đẹp trên phố mỏ mọc lên, cho ánh nắng ban mai trong thung lũng Mông Dương như đẹp hơn… Phóng sự ghi chép Sức sống Mông Dương của tác giả Hùng Hải đã ghi lại những đổi thay không ngừng của con người cũng như vùng đất này.
Ngoài ra, Tạp chí Than – Khoáng sản số 22, phát hành tháng 11 còn có những bài viết, phóng sự ảnh hấp dẫn và sinh động… Mời quý vị đón đọc!
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/don-doc-tap-chi-than-khoang-san-viet-nam-so-22-phat-hanh-thang-112017-201712010954545289.htm” button=”Theo vinacomin”]