Theo chân một người quen có hơn 30 năm gắn bó với Công ty than Cao Sơn, chúng tôi đã có một ngày trải nghiệm thú vị để thấy được sự đổi thay không ngừng ở làng mỏ Cao Sơn – nơi mà biết bao gia đình đã gắn bó từ thời kỳ làng mỏ chỉ là những gian nhà tập thể cấp 4 cũ đến nay đã phát triển thành 3 khu phố sầm uất với hàng trăm ngôi nhà cao tầng kiến trúc hiện đại…
Làng mỏ Cao Sơn nay đã trở thành những khu phố đông vui nhộn nhịp. Con đường vào mỏ là những tuyến đường bê tông trải nhựa thẳng tắp, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát cùng với đó là những cửa hàng dịch vụ đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt vui chơi của cư dân làng mỏ. Anh Nguyễn Văn Trung – tổ 3, khu Cao Sơn 2 phấn khởi chia sẻ rằng, là công nhân Công ty than Cao Sơn, gia đình anh đã có thời gian sinh sống ở làng mỏ hơn 20 năm, chứng kiến sự đổi thay từng ngày từng giờ của vùng đất này. Điều mà anh cảm nhận rõ nhất là tình làng nghĩa xóm của những người thợ mỏ, luôn đoàn kết, thân ái giúp đỡ nhau khi hoạn nạn khó khăn và cùng nhau vươn lên xây dựng mảnh đất này. Chính vì thế mà gia đình anh gắn bó với làng mỏ cho đến nay. Vào thăm một gia đình thợ mỏ ở khu Cao Sơn 1, căn nhà với diện tích nhỏ nhắn nhưng được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ. Đó là nhà của chú Nghiên, cô Hiếu. Cả hai cô chú đã nghỉ hưu và đều từng làm tại Công ty than Cao Sơn. Từ vùng quê Bắc Ninh, hai cô chú đã chọn Cao Sơn là nơi gắn bó lao động và sinh sống. Ở làng mỏ từ khi còn là những dãy nhà cấp 4 ẩm thấp, chú Nghiên kể rằng trước nhà tập thể chỉ phục vụ cho những thợ mỏ của Công ty, thường thì 3 đến 4 người ở một căn. Nhưng rồi một người lập gia đình thì những người khác lại nhường nhau, ở dồn sang căn khác để gia đình mới có chỗ sinh hoạt. Cứ thế các hộ gia đình ngày càng nhân lên hình thành một làng mỏ đông đúc, nhộn nhịp như ngày nay.
Không chỉ được nâng cao về đời sống vật chất mà trong những năm qua đời sống tinh thần của người dân cũng được nâng lên rõ rệt với nhiều công trình văn hóa được xây như nhà văn hóa khu, công viên văn hóa Cao Sơn lưu thủy, câu lạc bộ văn hóa thể thao có nhà thi đấu cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, thư viện, sân bóng… thu hút đông đảo cán bộ, công nhân và nhân dân tham gia sinh hoạt sau mỗi giờ làm việc. Bên cạnh đó là cảnh quan thiên nhiên sạch đẹp với hồ sinh thái nước mặn tạo điều kiện cho thợ mỏ và nhân dân thư giãn tinh thần, rèn luyện sức khỏe. Rất nhiều các công trình phục vụ đời sống sinh hoạt cho cư dân làng mỏ có sự đóng góp, hỗ trợ hoặc trực tiếp xây dựng từ Công ty than Cao Sơn. Điều này cho thấy lãnh đạo Công ty rất quan tâm chăm lo đến đời sống tinh thần cho người lao động, và đó cũng là lý do mà nhiều thợ mỏ Cao Sơn tự nguyện gắn bó lâu dài với Công ty mặc dù Công ty đang gặp phải khá nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Chuyển mình mạnh mẽ trên chặng đường xây dựng và phát triển, làng mỏ Cao Sơn hôm nay đã trở thành một khu đô thị sầm uất, mang trong mình bản sắc văn hóa riêng. Từ xóm thợ nghèo nay trở thành làng mỏ khang trang với hệ thống đường sá hoàn chỉnh, điện chiếu sáng rực rỡ vào ban đêm, có hồ bơi, sân vận động, công viên văn hóa Cao Sơn lưu thủy, trạm xá hai tầng, trường đào tạo, thư viện… tất cả đã tạo nên dáng dấp một đô thị kiểu mới. Chia tay làng mỏ Cao Sơn khi chiều xuống, đọng lại trong chúng tôi là sự nhộn nhịp, ồn ào xen lẫn tiếng cười nói của thợ mỏ tan ca và tiếng các em nhỏ khi tan trường về – đó là những âm thanh quen thuộc của cuộc sống bình dị nơi đây.
[odex-source url=”https://www.vinacomin.vn/tap-chi-than-khoang-san/doi-thay-o-lang-mo-cao-son-9580.htm” button=”Theo vinacomin”]